Xăng dầu sắp bước vào đợt tăng giá kỷ lục?

(Dân trí) - Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết: Chiều thứ 6 tuần trước, một số doanh nghiệp đầu mối đã gửi văn bản xin tăng giá xăng dầu thêm 1.300 đồng/lít. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp.

Xăng sắp bước vào đợt tăng giá kỷ lục?

Xăng sắp bước vào đợt tăng giá kỷ lục?

Trao đổi với Dân trí, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cho biết, vào chiều thứ 6 tuần trước, các doanh nghiệp đầu mối đã đồng loạt gửi công văn đăng ký giá xăng dầu lên Bộ Tài chính, với mức đề nghị tăng thêm 1.300 đồng lít xăng và dầu.

“Mức 1.300 đồng/lít đề xuất là doanh nghiệp tính theo giá cơ sở 30 ngày so với giá bán hiện hành. Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến phản hồi của Bộ Tài chính”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Như vậy, nếu Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp thì đây sẽ là mức tăng thứ 5 liên tiếp, với tần suất tăng khoảng 10 ngày/lần, kể từ thời điểm doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán. Theo tính toán, sau khi trừ đi khoảng 300 đồng/lít lợi nhuận định mức, mức tăng giá sẽ dao động trong khoảng 700 - 1.000 đồng/lít tùy loại.

Với mức đề xuất này, nếu giá xăng dầu lại điều chỉnh tăng, giá xăng A92 bán lẻ sắp tới sẽ lập kỷ lục mới, vượt qua mốc 24.000 đồng/lít.

Các doanh nghiệp xăng dầu đề xuất tăng giá bán lẻ trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giữ ở mức cao. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá xăng giao dịch trên thị trường Singapore có chiều hướng giảm và đã chạm đáy vào ngày 5/9, chỉ còn 118,7USD/thùng. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, giá đã bật trở lại về mức 122,39 USD/thùng, tăng vọt tới 3,69 USD/thùng, thế nên giá bình quân 30 ngày của mặt hàng xăng A92 vẫn giữ ở mức cao.

Đối với các mặt hàng dầu, đà tăng giá vẫn giữ nguyên. Tại phiên giao ngày 7/9, dầu diezel có giá 132,81 USD/thùng, dầu hỏa 134,04 USD/thùng và dầu ma zút là 692,46 USD/tấn.

Theo khẳng định từ Bộ Tài chính, “việc trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp để góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh là hướng đi đúng, nhưng trao quyền cho doanh nghiệp không phải là Nhà nước “buông”, không quản lý xăng dầu”. Doanh nghiệp được quyền quyết định giá nhưng chỉ được quyết định trong biên độ Nhà nước cho phép (7%), mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do Nhà nước quy định; điều chỉnh giá phải theo trình tự thủ tục Nhà nước đề ra và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để giám sát, kiểm soát.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo ngày 29/8, “trong thời gian tới nếu giá thế giới tiếp tục tăng, diễn biến xấu, bất lợi thì sẽ sử dụng đồng bộ các giải pháp điều tiết thị trường xăng dầu”.

An Hạ