Hàng loạt quan chức "chúa Chổm" bị kỷ luật: Nhưng rồi thì sao!
Bản chất câu chuyện “chi tiêu vô tội vạ” ở Yên Định (Thanh Hóa), là không một người dân đóng thuế nào biết, dù đó là chi tiêu từ thuế của dân; cho tới khi “con nợ” vác sổ gõ cửa công đường.
Bản chất câu chuyện “chi tiêu vô tội vạ” ở Yên Định (Thanh Hóa), là không một người dân đóng thuế nào biết, dù đó là chi tiêu từ thuế của dân; cho tới khi “con nợ” vác sổ gõ cửa công đường.
"Thượng phương bảo kiếm" xứ Thanh đã rút khỏi vỏ khi hôm qua, Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ra thông báo Kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với Ban thường vụ Huyện uỷ Yên Định và hàng loạt quan chức, nguyên quan chức, lãnh đạo.
Tổng cộng, có đến 9 quan chức, nguyên quan chức bị kỷ luật với các nguyên bí thư, chủ tịch huyện.
Sự vụ Yên Định, hay chúa Chổm Yên Định thì đã thành bia miệng “cả làng đều biết”: Suốt nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, Huyện ủy và UBND huyện Yên Định đã chi tiêu vô tội vạ, không đúng nguyên tắc tài chính, khiến cả huyện uỷ, uỷ ban lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với số tiền lên tới 50 tỉ đồng.
Hầu hết số nợ lại là nợ ăn uống, tiếp khách, mua sắm… với các chủ nợ bất đắc dĩ chính những người lao động trong cơ quan, và các nhà hàng trên địa bàn…
Nhưng đây vẫn chưa phải là cái kết cuối cùng bởi trường hợp Yên Định đang cho thấy một điểm yếu mà TS Lê Đăng Doanh cũng vừa nhắc tới trong hội thảo về kinh tế thị trường vừa hôm 29.7. Theo TS Doanh trường hợp 50 tỉ tiền tiếp khách ở Yên Định và sự bế tắc trong cách giải quyết như một ví dụ về trách nhiệm giải trình trong chi tiêu công.
Bản chất của chi tiêu công, trong đó có “chi thường xuyên”- là chi NSNN, chi bằng tiền thuế của dân mà một trong những yếu tố không thể thiếu là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nhưng như sự vụ Yên Định, chi tiêu vô tội vạ, toàn vào việc mua sắm, ăn uống...lại chỉ được/bị phát hiện khi chủ nợ mang sổ tới cửa công.
Ngay bản thân “chi thường xuyên” trong các báo cáo hầu hết chỉ tồn tại ở dạng “con số một cục” không có chi tiết và cũng không có cách nào để giám sát sự hợp lý hay không.
Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2019 vừa được công bố hồi đầu tháng 7 nhìn nhận thực tế, rằng dù có tiến bộ, với 61/63 tỉnh đã có chuyên mục công khai ngân sách nhưng một số tỉnh thì....để trống luôn mục này.
Rồi ngay cả Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách, một trong nhóm tài liệu bắt buộc phải công bố công khai, nhưng cũng chỉ có 42/63 tỉnh, thành công khai loại tài liệu này...
Riêng khảo sát đối với trụ cột về sự tham gia của người dân Báo cáo này đánh giá: Nhìn chung các tỉnh "ít" tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách”.
Ít tạo điều kiện là một cách nói khéo.
Cũng khéo như việc tiếp thu góp ý không mang tính thực chất, chỉ đối phó, một chiều. Khéo như việc “có công khai nhưng chưa minh bạch"- như nhận xét của một chuyên gia.
Muốn những "chúa Chổm" Yên Định được dẹp bỏ, rõ ràng, chi tiêu công phải được giám sát chứ cứ con số một cục hoặc thậm chí chẳng cục nào thế thì Yên Định vẫn chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ mà thôi.