Hai con số... biết rồi mà vẫn giật mình

(Dân trí) - Tuy chẳng nói ra thì dân ta đều biết, nhưng ai có thể vẫn thờ ơ khi đọc tin: VN xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng; và VN đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất?

(minh họa: Vũ Toản)
(minh họa: Vũ Toản)

 

Tham nhũng và “đèn xanh”

 

Thế nào cũng lại có bao người dân thở than: Chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi! mà thực tế còn… kinh hơn thế nữa kia. Ngược lại, chắc cũng có không ít người tặc lưỡi: Nước mình khác... Tin làm sao được những chỉ số do người ngoài cuộc đưa ra đó! Cư dân VN chẳng phải đã được coi là những con người hạnh phúc vào loại nhất nhì thế gian đó sao…

 

Trong chương trình thời sự sáng 6/12 ngay trước thềm cuộc đối thoại chống tham nhũng lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội cùng ngày,  một chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tham nhũng rất thiết thực của đất nước ông. Mà theo vị chuyên gia đó, tình hình cũng na ná như lời thở than của nhiều bạn đọc VN, rằng: sa thải hết giới chức tham nhũng… (có khi) biết lấy ai làm việc? Suy theo kinh nghiệm dân gian của VN ta, cũng có thể gọi cách nước bạn áp dụng tương tự như “lạt miềm buộc chặt”. Nghĩa là tìm cách tháo gỡ dần dần, trước hết bằng biện pháp làm sao trả lương cho giới chức đủ sống. Sau đó mới có thể đòi hỏi ở họ ý thức này, trách nhiệm kia…Vì dù gì thì cũng phải có thực mới vực được đạo!

 

Theo chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) 2012  vừa được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố, VN đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng theo bảng xếp hạng CPI của TI năm 2012 thì có tới 2/3 trong tổng số 176 quốc gia có điểm số dưới 50 (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch).  Mừng quá! thế là tham nhũng ở nước ta... cũng chưa phải là ở mức chót vót đâu nhỉ!!!

 

Ý kiến tham gia bàn luận về thực trạng cũng như hiến kế chống tham nhũng từ phía người dân luôn rất phong phú và đa dạng, nhưng hy vọng thì nhiều mà kết quả thấy được chẳng là bao. Nên cho dù là những người lạc quan nhất có lẽ cùng với thời gian cũng đã phải nản chí theo cái cách được Jhon Woo jhonwoo@rocketmail.com bày tỏ, khi liên hệ tới hành vi của giới chức với một trong những căn bệnh nan y của ngành Giáo dục VN là tệ lạm thu (cũng là một biến thể của tham nhũng):

 

“Chống tiêu cực "kiểu VN"... ai cũng thấy là chẳng khả thi gì cả. Tiền các trường tiêu hết rồi, bây giờ lấy gì để trả? Cứ kêu gọi... suông thế này thì còn lâu mới hết tiêu cực!”

 

Huu Phuoc doanphuoc01@yahoo.com.vn cụ thể hóa hơn nữa cái gọi là “quyết tâm” chống lạm thu của Hà Nội (nói riêng nhưng cũng có thể coi như đại diện cho nhiều nơi trên cả nước):

 

“Tôi thấy bà Ngọc và ông Độ nói như thế cũng vẫn chỉ như là... khẩu hiệu suông mà thôi, chưa thể giải quyết được vấn đề. Nếu các Sở không "bật đèn xanh" thì chẳng trường nào dám lạm thu. Các vị cần nêu ra được con số đã xử phạt như thế nào, chứ cứ khẩu hiệu thế này thì các phụ huynh lại phải...bắc thang lên hỏi ông Trời thôi! Thầy cô than là nói với học sinh giờ  như "nước đổ lá khoai...", còn người dân chúng tôi nói ngành Giáo dục cũng chỉ như "nước chảy bèo trôi..."
 
Tất nhiên chuyện “bật đèn xanh” này gần như ở lĩnh vực nào cũng có thể thấy từ chỉ le lói đâu đó tới rõ như giữa ban ngày, nhưng phản ứng của dư luận với tình trạng này mạnh mẽ hơn nhiều ngành khác, có lẽ bởi giáo dục trong tiềm thức của mọi người dân ta luôn là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
 
(minh họa từ ineternet)
(minh họa từ ineternet)

 

“Dầu bôi trơn” và bệnh vô cảm

 

Cũng như vậy, “bệnh vô cảm” thể hiện qua cách ứng xử của đa số y bác sĩ VN gây nhức nhối nhiều nhất, bởi đây là nơi liên quan trực tiếp và gần nhất với tính mạng con người. Vậy mà cũng ngày 6/12 một số báo dẫn kết quả một cuộc thăm dò do hãng Gallup có trụ sở tại Mỹ thực hiện, cho thấy VN xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất.

 

Hay nói cách khác, sự vô cảm ở nhiều người VN ta “gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm rất cao, người mắc cũng đủ dạng. Đó là vấn đề đạo đức rất đáng báo động) (theo một bài viết của Tiến sĩ Tô Văn Trường đăng trên báo Người Lao động). Cũng theo TS Trường, “bệnh vô cảm nặng hơn khi người ta quên đi trách nhiệm cứu người, giúp người bị nạn…”

 

Nick Muoi cua bien o0o_khtd_o0o@yahoo.com lý giải cho cái thế luôn phải ngước mắt nhìn lên của người bệnh, khi không lo đủ “phong bì bôi trơn”:

 

“Bệnh viện công.... tôi nghe mà chán lắm rồi... Thái độ hống hách, vô cảm với người bệnh nếu như người bệnh có vẻ nghèo, không có tiền. Trách nhiệm đối với bệnh nhân… rồi còn nhiều thứ nữa......(tôi xin lỗi phải nói thật là) không thể chấp nhận được. Đi khám bằng thẻ bảo hiểm nữa, càng coi như phải chấp nhận thái độ hống hách và mình càng bị xem thường...”

 

Đức lebaoduc@gmail.com xoáy sâu vào những vấn đề của ngành Y (mà giới chức của họ hoặc vẫn không thừa nhận, hoặc bào chữa cho giảm nhẹ đi khá nhiều): 

 

“Chán lắm! Mỗi lần nghe nói phải đi khám chữa bệnh là ...sợ! Có bảo hiểm y tế cũng không dám sử dụng, vì sao thì mọi người đều biết rồi đấy. Nhưng đi khám chữa bằng cửa dịch vụ mất nhiều tiền mà cũng chẳng khá hơn. Bác sỹ, y tá... đúng là vẫn có rất nhiều người giỏi, người tốt. Nhưng bây giờ cũng nhiều không kém những người làm chỉ vì tiền. Họ coi bệnh nhân không ra gì hết, quát nạt, mắng mỏ,  mạnh tay khi tiêm, thay băng... Rất hiếm bác sỹ, y tá...nhỏ nhẹ, tươi cười với bệnh nhân. Bà Bộ trưởng Y tế có lẽ chỉ mới đi tới 1 vài nơi thôi (nhưng nào cũng nào xe công, nào đội ngũ trợ lý… thì sao biết được sự thật), chứ tôi có thể khẳng định: gần như 100% các bệnh viện của chúng ta CÓ VẤN ĐỀ.

 

Tại sao lại vậy? Tôi sẵn lòng bớt chút thời gian để chia sẻ với những nhà quản lý (Bộ Y tế) như sau:

 

1. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

2. Tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng y tế.

3. Trình độ, thái độ, văn hóa của một số bác sỹ, y tá... có vấn đề.

4. Lương, thưởng cho bác sỹ, y tá...không đúng theo áp lực công việc họ phải làm (căng thẳng do khám chữa quá nhiều, môi trường làm việc, nguy cơ lây nhiễm...) Bên cạnh đó sự phân chia các khoản lợi nhuận không công bằng (lợi ích nhóm trong bệnh viện rất nhiều).

5. Những nhà quản lý thì dân toàn chỉ thấy nói nhiều (và hay), nhưng làm thì ít (và không hiệu quả). Có lẽ vẫn là kiểu làm việc sợ trách nhiệm, sợ mất chức. Tư duy nhiệm kỳ quá rõ...”

 

Quang Hà lopktqn.k5@gmail.com "cãi" thay cho phía bị kết tội “thích đưa phong bì”:

 

“Nếu không phong bì thì có thể xếp hàng từ sáng đến trưa, có tới lượt cũng chỉ được khám qua loa. Nếu bệnh nặng cũng… cứ từ từ, hoặc được kê thuốc nhưng mà uống sẽ… không bao giờ khỏi. Còn y tá không dúi vài chục, bị tiêm cho đau chết điếng hoặc chọc 3, 4 lần cho bệnh nhân nát ven….Vị giới chức nào không tin, cứ thử vi hành vào bệnh viện như bệnh nhân bình thường thì… chết biết liền!”

 

Nguyễn Khánh Thìn thinnguyenkhanhhscc@gmail.com xác nhận lại nguyên do người bệnh và người nhà bệnh nhân VN (đã nghèo còn thích sang chăng?) khi bỗng dưng lại có… ý thích chi “phí bôi trơn” cho y bác sĩ???

 

“Bản thân tôi cũng làm trong ngành Y tế, tôi thấy “phí bôi trơn”  đã là "luật bất thành văn". Thưa Bộ trưởng PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, tôi cũng nghĩ đó là “nhiệm vụ  bất khả thi" rồi thì làm sao có thể loại bỏ những "con sâu" đó được, vì những "con sâu" đó đã thành "tinh" rồi Bộ trưởng ạ. Bộ Trưởng khi "vi hành" chỉ cần đóng vai 1 người dân bình thường đi khám bệnh thì sẽ biết ngay. Nhưng vì Bộ trưởng đi đến đâu cũng được báo trước và " Trống dong cờ mở"  nên làm sao biết được những "con sâu" đang hành bệnh nhân, sách nhiễu người nhà bệnh nhân được. (Tôi rất mong ban biên tập đăng bình luận của tôi lên!)”
........

 

Đã là tháng cuối cùng của năm 2012 rồi mà dư luận vẫn chưa thể nguôi ngoai độ nóng bức xúc về những chuyện đã luận bàn, đã mổ xẻ  mãi năm này qua tháng khác, cũng thật chẳng hay ho chi. Nhưng nếu ai cũng “mũ ni che tai”, cũng khư khư bám lấy ý nghĩ “trước tiên phải tự lo cho mình” thì…đích thị là chúng ta đang vô cảm với chính chúng ta. Còn biết giật mình, ít nhất cũng còn có cảm giác về ý thức, về trách nhiệm công dân... 

Kiều Anh