1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam đứng thứ 123/176 nước về chỉ số cảm nhận tham nhũng

(Dân trí) - Tổ chức minh bạch Thế giới (TI) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2012 với 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay Việt Nam đứng thứ 123/176 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đạt 31/100 điểm (trong đó 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch). Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 2/3 các nước có điểm số dưới 50.

Kết quả này, theo đánh giá của TI, cho thấy tham nhũng trong khu vực công là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam và các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam chưa chứng tỏ sự thành công. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định lại những đánh giá của các nhà lãnh đạo Việt Nam, cảm nhận và trải nghiệm chung của người dân Việt Nam về tham nhũng.
 
Việt Nam đứng thứ 123/176 nước về chỉ số cảm nhận tham nhũng
Bảng xếp hạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương với 68% quốc gia có điểm số dưới 50, trong đó có Việt Nam.

“Nếu không có những hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và trừng trị các hành vi tham nhũng, tham nhũng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế đồng thời làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị hiện nay cũng như khả năng đẩy lùi tham nhũng của các nhà lãnh đạo Việt Nam” - báo cáo của TI nêu rõ.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm nay được xây dựng theo phương pháp mới với thang điểm 100, trên cơ sở 13 nguồn dữ liệu khảo sát của tổ chức độc lập và có uy tín trên thế giới. Mục đích của việc cải tiến là để cho phép các nước được xếp hạng so sánh được điểm số CPI của nước mình theo thời gian.

Do đó, TI nhấn mạnh, điểm số năm nay không thể so sánh được với điểm số năm 2011 và các năm trước đó. Việc so sánh điểm số giữa các năm chỉ có thể thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam sử dụng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm nay như một chỉ số tham chiếu cơ sở để đánh giá những tiến bộ đạt được trong PCTN từ năm tới.

Được biết, năm 2011, Tổ chức minh bạch Thế giới đánh giá Việt Nam đạt 2,9 điểm (trên thang điểm 10), đứng thứ 112 trên tổng số 183 nước tham gia. ​Kết quả này so với những năm trước đó hầu như không có thay đổi cơ bản về mức độ tham nhũng được cảm nhận trong khu vực công ở Việt Nam và cũng như nhiều nước khác có điểm số CPI dưới 5,0.

Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc đẩy mạnh đấu tranh PCTN. Việc thông qua Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng, thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật PCTN được TT đánh giá là những hành động cho thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo nhà nước. Tuy nhiên, tổ chức này cũng khuyến cáo cần cố gắng và hành động nhiều hơn nữa để cuộc đấu tranh này thu được những kết quả thiết thực và cụ thể, để củng cố niềm tin của người dân vào các nỗ lực quốc gia về PCTN.

Phó GĐ tổ chức Hướng tới Minh bạch Conrad F Zellmann cho rằng, nâng cao minh bạch trong hoạt động của khu vực công cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền và đội ngũ công chức ở cả cấp TƯ và địa phương là những giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục mở rộng quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, báo chí và khu vực tư nhân trong PCTN cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Tham gia cuộc họp báo công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (đưa ra ngay trước Đối thoại PCTN do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng BCĐ PCTN TƯ và ĐSQ Anh với tư cách nhà tài trợ tổ chức ngày mai, 6/12), bà Fiona Lappin, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Anh tại Việt Nam cho biết, cần phải xử lý vấn đề tham nhũng một cách khôn khéo hơn.

Cách thức đưa ra là sử dụng các dữ liệu bằng việc tập trung vào những điểm nóng và bằng việc quảng bá các ví dụ điển hình ở cấp địa phương, trung ương và quốc tế. “Đồng thời cần có những chính sách động viên, khuyến khích những điển hình tốt và những lãnh đạo gương mẫu. Quy chế minh bạch trong tuyển dụng và đề bạt cũng là một phần của các chính sách này và việc thưởng cho những người làm tốt cũng rất quan trọng” - bà Fiona Lappin nhấn mạnh.

Hội thảo tại các tỉnh thành, địa phương trước đó cho thấy, nhiều tỉnh thành đang nỗ lực thực hiện các giải pháp và đã thành công trong việc khuyến khích đầu tư vào tỉnh mình thông qua việc tăng cường minh bạch và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể dễ dàng thành lập và hoạt động có hiệu quả.

Tại tỉnh Ninh Thuận, chính quyền địa phương đã thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế để tối giản các thủ tục hành chính. Nỗ lực này không chỉ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho các doanh nghiệp mà còn giảm những nguy cơ dẫn đến tham nhũng. Chính quyền tỉnh Lào Cai đã đạt được những yêu cầu đảm bảo tính minh bạch bằng việc cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho các công dân và doanh nghiệp tham gia quá trình hoạch định chinh sách, phản hồi và giám sát…

Bài học từ chương trình Thành phố Minh bạch tại Slovakia đã được đưa ra thảo luận như một kinh nghiệm cho thấy việc chống tham nhũng không phải là một giấc mơ không tưởng.

P.Thảo