Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó

Đấy cũng là những kỉ niệm không bao giờ phai trong trái tim mỗi người Hà Nội đã từng sống qua những năm tháng ác liệt mà hào hùng đó…

66 năm trước, ngày 10/10/1954, khi 5 cửa ô Hà Nội đón chào đoàn quân về tiếp quản Thủ đô thì cũng là ngày cuộc sống mới bắt đầu với người dân Hà Nội. Hôm nay ôn lại ký ức xưa cũ, tôi xin kể lại những câu chuyện đời thường: Chuyện củi lửa, đun nấu của dân Hà Nội thuở ấy.

Bếp dầu, lá vàng rụng rơi và thảo thơm cơm mẹ nấu

Gia đình tôi sống trong một biệt thự Pháp cũ ven hồ Trúc Bạch. Giống như những ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội khác, từ cổng đi vào, sau ngôi nhà 3 tầng chính là một sân giời, bể nước. Tiếp đến là gian nhà ngang làm bếp rộng 35m2, trên là sân thượng và buồng ở của người giúp việc , dưới là chỗ đun nấu và tích trữ củi.

Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó - 1

Xếp hàng mua chất đốt tại cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. (ảnh sưu tầm)

 Trong bếp có một bệ bếp xây gạch cao khoảng 80 phân, kéo dài hơn 2 mét, có thể đặt được vài chiếc kiềng gang và bếp đun mùn cưa. Trên trần bếp có thêm chiếc máng thu khói hình chóp chữ nhật làm bằng nan gỗ trát vôi rơm. Trên đỉnh máng là ống khói xây gạch chọc thẳng lên sân thượng cao khoảng 3m.

Khi tôi lên 5, lên 6, vào đầu những năm 1960, tôi nhớ củi đun ở 4 khu phố trung tâm cũ Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được bán phân phối theo Bìa mua chất đốt gia đình. Tiêu chuẩn tuỳ theo nhân khẩu mỗi nhà, và củi bán kèm mùn cưa. Những cửa hàng chất đốt ngày ấy thuộc Công ty vật liệu kiến thiết HN, nằm rải rác ở nhiều phố, đa số gần các chợ, thường bán ra củi tạ đã được cưa ngắn , cân trên chiếc cân bàn câm đặt ngay trước cửa hàng.

Dù được mua theo phân phối nhưng củi đóm ở thành phố vẫn luôn thiếu. Người Hà Nội phải tận dụng tất cả những thứ có thể đun nấu được. Người lớn trẻ con mỗi khi có cơn bão về là lao ra phố nhặt cành cây rơi. Lá vàng rụng trên đường phố, ngoài công viên cũng có những người quét về đun nấu.

Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó - 2

Một bà mẹ đèo con về sau giờ tan ca thời bao cấp. (Ảnh sưu tầm)

 Có một bà mẹ đơn thân nhà trên phố Thụy Khuê đoạn gần dốc La-Fo, ngày nào cũng ra thu gom lá rụng trên đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Quán Thánh, rồi bán cho các hàng nấu "nước sôi 2 xu/lít" hoặc các hàng quán khác. Tích cóp mấy năm, bà mẹ ấy cũng mua được cho cậu con trai cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô, thuở ấy gọi là xe "con cóc"- giấc mơ của bọn trẻ chúng tôi. Đúng là tiền từ trên trời rơi xuống, có điều không phải ai cũng chăm chỉ và cần mẫn như bà mẹ HN ấy mà đón nhặt lấy...

Nhà tôi không đun mùn cưa, nhờ có bà chị tôi làm Kế toán ở Cty VLKT HN, nên củi đủ dùng do thời ấy cũng đã có"cửa sau" bán hàng nội bộ. Nhưng theo mọi người kể lại, nhất là các nhà Hà Nội thì bếp đun mùn cưa là loại bếp củi người Hà Nội sáng chế ra chưa lâu lắm. Chỉ mới từ ngày những xí nghiệp mộc nhà nước đi vào hoạt động sản sinh ra lượng mùn cưa lớn có thể bán cho người dân làm chất đốt.

Trước khi nấu ăn, người ta đặt cái chai làm cốt dồn mùn cưa vào bếp cho đủ chặt. Lỏng tay chưa chín nồi cơm bếp đã sụt tắt. Chặt tay quá đun hết bữa vẫn còn cháy phí phạm. Dồn được cái bếp mùn cưa vừa vặn có khi còn là bài toán khó. Đến bữa chỉ cần nhìn miếng cháy đánh ra từ nồi gang nấu cơm là có thể biết được bếp mùn cưa hôm ấy dồn thừa hay thiếu.

Tôi nhớ ông anh trai tôi, ngày ấy tuổi đôi mươi, vì dầu hoả nhiều khi cũng thiếu, anh lại ngúc ngoắc cái xe đạp chở tôi ngồi sau ôm cái can nhựa 20 lít, xuống mãi vùng Lủ, qua Ngã Tư Sở, cạnh khu Cao- Xà- Lá (Thượng Đình) cách nhà hơn chục cây số để mua những can dầu ma-dut do cánh lái xe tuồn ra bán lậu cho các hàng thu gom, mang về nhà trộn thêm với dầu hoả, đun tuy khói nhưng bù lại ít tốn dầu hoả hơn.

Bếp củi còn thịnh hành ở Hà Nội cho đến đầu những năm 1970 mới chấm dứt. Đơn giản vì lúc ấy cũng bắt đầu hết củi. Các xí nghiệp mộc cũng đình đốn sản xuất vì hết gỗ. Thời đun củi chấm dứt thì thời bếp dầu hoả lên ngôi.

Những cái bếp dầu bằng sắt sơn xanh hoặc tráng men xanh có nhãn hiệu Thăng Long, Đồng Tháp trở thành một trong những vật dụng quan trọng nhất của mỗi gia đình HN. Thậm chí, nó còn là một món quà cưới quý giá mà người thân dành tặng cho các cặp uyên ương Hà thành ngày lên xe hoa.

Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó - 3
Cái bếp dầu quen thuộc một thời bao cấp. (Ảnh sưu tầm)

 Tôi nhớ mẹ tôi, sáng ra trước lúc các con dậy đi học, đi làm, Người thường dậy sớm từ trước 5 giờ, đun bếp dầu để rang cơm cho cả nhà ăn. Tôi chẳng thể nào quên cái mùi khói bếp dầu khét lẹt sáng sáng xộc vào mũi , quyện với mùi cơm rang thơm lừng. Cơm nguội thừa hoặc cố tình nấu dôi ra từ bữa tối hôm trước , rang với tóp mỡ và dưa muối, hành lá... rưới thêm ít nước mắm hay xì dầu là ấm bụng đi học, đi làm cho đến tận trưa.

Khi có xe máy xuất hiện ở HN, một số gia đình có xe máy lại mua xăng dự trữ trong các cái can cất trong nhà. Và tai hoạ từ các can xăng ấy đã gây ra nhiều vụ cháy đau thương cho Hà Nội. Vụ cháy trong Khu tập thể ngõ Văn Chương tại gia đình nhà điêu khắc Lê Văn Điều vào năm 1977 là một ví dụ.

Buổi sáng dậy nấu cơm sáng, đèn đóm thì tối om om, ông Điều đã lấy nhầm can xăn đổ vào bếp dầu. Khi vừa châm bếp thì lửa bùng lên, thiêu cháy cả nhà điêu khắc cùng mọi vật dụng trong ngôi nhà tập thể cũ kỹ ấy. (Nhà điêu khắc Lê Văn Điều chính là tác giả bức tượng đài Chiến thắng Sông Lô nổi tiếng).

Rồi vụ cháy rụi cả mấy dãy nhà tập thể trong Khu văn công Cầu Giấy năm 1974., cũng do bếp dầu bị đổ nhầm xăng xe máy. Tuy không có ai thiệt mạng nhưng vụ cháy cũng khiến bao nghệ sĩ nổi tiếng thuở ấy như Trần Hiếu, Trần Chất, Ngọc Dậu, Thúy Huyền… bỗng lâm cảnh màn trời chiếu đất ko ít ngày, gia sản người nghệ sĩ vốn đã nghèo lại sạch trơn sau đám cháy.

Chú bé "cảm tử quân" và bao mùn cưa

Tháng 8/1964, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Quãng 1965-1967 cuộc chiến tranh ấy trở nên khốc liệt và lan ra tới Hà Nội. Chiến tranh, những vẫn phải nấu nướng, ăn uống, vẫn lại phải lo chất đốt. Và có lại nhiều câu chuyện đáng nhớ diễn ra liên quan đến củi lửa của người Hà Nội thời bom đạn ấy.

Một chiều hè năm 1967, nóng bỏng nắng quái chiều hôm. Nóng bỏng tiết trời, nóng bỏng đạn bom. Còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn rú liên hồi ghê rợn. Những tốp máy bay Mỹ quần đảo rạch nát bầu trời Thủ đô xanh ngắt.

Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó - 4
Cầu Long Biên, Hà Nội. (Ảnh sưu tầm)

 Một tốp nhằm thẳng cầu Long Biên - cây cầu duy nhất thời đó nối thủ đô với phía bắc và đông bắc đất nước - trút điên cuồng hàng loạt rocket. Súng cao xạ phòng không từ trận địa An Dương - Phúc Xá, từ ngay các ụ pháo trên nóc cầu, nhằm máy bay địch xối xả nhả đạn. Mặt cầu không một bóng người. Trên nóc cầu là các chiến sĩ phòng không. Hai đầu cầu là công an, tự vệ, dân phòng và những người phục vụ chiến đấu.

Vậy mà đúng lúc trận chiến đang diễn ra đầy khốc liệt và nguy hiểm, khói súng khét lẹt, mảnh đạn vãi như trấu cắm xuống mặt cầu, bỗng xuất hiện trên mặt cầu một cậu bé trạc 13-14 tuổi, đầu đội mũ rơm, đang mải miết gò lưng đạp chiếc xe Phượng Hoàng từ phía Gia Lâm sang HN, sau xe là một bao tải lặc lè. Cậu bé đạp đến quá nửa cầu thì 2 chiến sĩ công an đầu đội mũ sắt từ phía ga Long Biên lao tới. Một người bế thốc cậu bé chạy tiếp qua cầu, người kia đẩy vội chiếc xe đạp cùng cái bao tải đổ kềnh ra mạn cầu…

Trận chiến đấu kết thúc, còi báo yên gióng giả vang lên. Lúc ấy, mọi người mới có thời gian quan tâm đến cậu bé, lúc này mặt mũi vẫn đỏ gay vì nắng nóng, nước mắt lưng tròng vì lo mất xe và bao tải hàng. Một anh tự vệ dắt chiếc xe đạp tới, cậu bé líu lưỡi: "May quá, may quá..! Cả xe và bao tải vẫn còn nguyên… Cháu xin các chú".

Một chiến sĩ công an hỏi, giọng gay gắt đầy cảnh giác (thời chiến mà): "Này, thằng bé kia, bao tải đựng hàng gì đấy?". Mắt chợt sáng long lanh, cậu bé nhanh nhảu: "Mùn cưa chú ạ" - "Cái gì, mùn cưa á?". "Vâng, mùn cưa đun bếp ạ. Nhà cháu hôm qua hết sạch không còn gì để đun rồi. Mẹ cháu ốm, chị cháu học ca chiều, cháu học sáng nên chiều nay phải đi mua mùn cưa ạ…" - "Thế bố đâu mà không đi mua?". "Dạ, bố cháu đi B chiến đấu đã hơn 3 năm rồi…".

Nghe đến đấy, anh công an dịu giọng: "Sao cháu không để báo yên rồi hẵng qua cầu. Nguy hiểm quá, vì mỗi bao mùn cưa mà chết như chơi đấy nhá…". "Lúc báo động cháu cũng sợ, nhưng cháu lo đánh nhau lâu, tối muộn mẹ cháu không có gì nấu cháo, đã ốm lại đói thì tội lắm, nên cháu liều đạp qua cầu ạ". "Mà này, nhà cháu ở đâu nhỉ?". "Ở ngay phố Kim Mã ạ. Gần ngay nhà cháu cũng có cửa hàng bán mùn cưa, nhưng cháu sang tận Trâu Quỳ mua, đạp xe cả trưa mới tới, vì thấy mọi người bảo là sang bên ấy mua mùn cưa, cứ mỗi bao tải 30 cân lại được cho thêm một thanh củi giát giường để buộc vào poóc-ba-ga chở hàng cho chắc ạ…".

Hà Nội: Những chuyện củi lửa một thời gian khó - 5

Phiếu mua chất đốt thời bao cấp. (Ảnh sưu tầm)

 Trời ạ! Để thêm được vào bếp lửa nhà mình chỉ mấy thanh củi giát giường bé tẹo mỏng tang, cậu học trò cấp 2 gầy gò khẳng khiu ấy đã phải đạp xe hơn 2 chục cây số cả đi lẫn về giữa nắng nóng gần 40oC như thế.

Để mang kịp về mỗi một bao tải mùn cưa cho mẹ có chất đốt nấu bữa cháo chiều, đứa con trai duy nhất của người lính đang biền biệt ngoài mặt trận phía Nam đã phải liều lĩnh đội cả trận mưa rocket và mảnh đạn cao xạ, vượt cầu Long Biên như thế.

Nếu chẳng may dính mảnh đạn, bao mùn cưa chiều ấy chắc sẽ thấm đẫm máu của một chú bé HN thời gian khổ, thiếu thốn đủ đường, trong đó có chất đốt ấy...

"Kho báu" dưới đáy hồ Trúc Bạch

Người Hà Nội không ai không biết hồ Trúc Bạch. Nhưng có thể ít ai biết rằng, dưới đáy cái hồ đẹp như một tấm gương soi chứa bao huyền thoại lịch sử và chiến công hiện đại ấy, từng có thuở chứa đựng cả một "kho báu" chất đốt khổng lồ cho dân Hà Nội.

Chuyện là thế này. Nhà máy Điện Yên Phụ nằm ngay đầu dốc Cửa Bắc, chỗ đất bây giờ xây tòa cao ốc nguy nga trụ sở EVN. Từ sau tiếp quản Thủ đô 1954, nhà máy điện này vẫn là nguồn cung cấp điện duy nhất cho toàn thành phố.

Máy móc từ thời Pháp để lại cũ kỹ và lạc hậu, thi thoảng có sửa chữa, chắp vá thêm máy móc Liên Xô, Trung Quốc viện trợ, nhưng công nghệ cũng kém cỏi, nên ngày ngày, cái nhà máy điện này vẫn cứ đều đặn thả lên trời Hà Nội cuồn cuộn khói than và thải xuống hồ Trúc Bạch hàng tấn xỉ than qua đường cống bảo dưỡng chạy ngầm dưới lòng phố Phạm Hồng Thái, Châu Long, rồi đổ ra chỗ mép hồ cạnh chợ Châu Long.

Sau nhiều chục năm trời, cái lượng xỉ than, bụi than đều đặn hằng ngày hằng giờ thải từ Nhà máy Điện Yên Phụ ra ấy, sau khi ngâm mình trong nước ấm hồ Trúc Bạch, đã biến thành một "mỏ" than bùn khổng lồ dưới đáy hồ, giúp dân Hà Thành vượt qua những ngày "than châu, củi quế" thời bao cấp đói nghèo.

Thế là một thứ chất đốt mới ra đời: Than bùn Trúc Bạch (Thiết thực và nổi tiếng hơn cả bia Trúc Bạch rất nhiều năm). Thế là một nghề "sản xuất năng lượng" mới xuất hiện: Nghề làm than bùn. Những rổ than bùn được các thợ lặn không chuyên, chủ yếu là dân ven hồ, lặn vét lên bờ, chờ ráo bớt nước thì nhào nặn, nắm vắt thành những cục than, rồi phơi khô ngay ven bờ hồ, trông na ná như những chiếc bánh bao Tàu trên phố Hàng Buồm, tuy sắc màu trắng đen tương phản tột cùng!

Những nắm than bùn Trúc Bạch theo những người đội thúng trên đầu nước than bùn chảy nhễu che kín mặt, chỉ còn thấy mỗi hàm răng lập cập vì ngâm nước suốt ngày và đôi mắt đỏ ngầu vì dặm than, hoặc người oách hơn có cái xe thồ, kẽo kẹt đi khắp hang cùng ngõ hẻm, cấp than bùn cho mọi bếp nhà khắp thành phố.

Lại nói chuyện những người làm nghề vắt than bùn. Phàm đã là một nghề thì bao giờ cũng có "sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Nghề làm than bùn cũng vậy. Có ông chết đuối trong đói rét dưới hồ vì lặn vét than bị chuột rút từ đêm, sáng ra vớt xác tay vẫn nắm chặt chẳng rời cục than bùn, thậm đau đớn!

Cơ khổ là nhóm lò đun bằng than bùn ấy. Làm gì có điện sẵn như bây giờ mà nhóm lò bằng quạt máy. Nên cứ là quạt rã tay, rách cả cái quạt nan mà bếp chưa đỏ lửa. Than ít, bùn nhiều đã đành. Lại còn làm vội, bán vội, nước hồ còn chưa ráo, nhưng để có cái mà đun vẫn cứ bán cướp, tranh mua, cho dù khói xông hơn cả đầu xe lửa chạy than ngoài ga Hàng Cỏ.

Nhà ai vung nồi không khít, nấu xong, bưng bát cơm lên ăn, bát canh lên húp, cứ thấy quanh mâm thoang thoảng mùi khen khét của khói, váng vất mùi thum thủm của bùn, rõ thảm!

Có cậu thanh niên phố tôi, từ dân vét bán than bùn, sau dăm năm có vốn chuyển qua phe dầu hỏa, rồi phe xăng, cứ loanh quanh thậm thụt với mấy cô mậu dịch viên cửa hàng chất đốt chợ Châu Long mà phất lên vùn vụt. Rồi sau đó ông chuyển qua sắm xe bò kéo chở than, xe tải chở củi, nay đường đường là chủ một hãng taxi danh giá có trụ sở trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, đường đường là một trong những đại gia thời nay ở đất Hà thành! 

Đấy là đôi ba câu chuyện đời thường về một thời củi lửa nơi Hà thành bao cấp gian khổ, chiến tranh hiểm nguy...

Đấy cũng là những kỉ niệm không bao giờ phai trong trái tim mỗi người Hà Nội đã từng sống qua những năm tháng ác liệt mà hào hùng đó…