Bạn đọc viết:

Góc nhìn người Thầy với các Thủ khoa

(Dân trí) - Tôi là giảng viên Đại học của một trường cũng có danh tiếng tại Hà Nội. Tôi muốn gửi đến quý báo bài viết theo một góc nhìn khác về Thủ khoa, với mong muốn chia sẻ cùng độc giả, đặc biệt là với giới trẻ để cùng có một cái nhìn đúng đắn hơn…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Có lẽ chúng ta đều biết rằng kiến thức phổ thông chỉ dùng để nâng cao tính tư duy và làm nền tảng để ta có thể tiếp thu tốt chương trình đại học (ĐH). Vậy mà xã hội (XH) hiện nay hình như lại quá chú trọng vào phần này mà sao lãng phần quan trọng hơn?

 

Ngay từ khi rời lớp mẫu giáo nhiều em học sinh bị buộc phải đi học thêm. Rồi thì tình trạng chạy trường chạy lớp và nói chung càng lên cao mật độ học thêm càng dày đặc.

 

Mục đính chính của các em học sinh  phổ thông là được học ĐH và học tiếp lên cao, nhưng đến khi vào được ĐH rồi thì XH và bản thân nhiều em hình như lại bỏ rơi cấp học này. Mặc dù rõ ràng đây mới là cấp học chính, là cái cần câu cơm, học để có kiến thức nghề. Sau này kiếm tiền cả đời chủ yếu nhờ vào cấp học này đây.

 

Tôi là giảng viên cũng có đã nhiều năm kinh nghiệm nên tôi biết những em học giỏi hồi cấp 3 chưa chắc vào ĐH đã học giỏi. Thậm chí có những em thủ khoa đầu vào, nhưng khi vào ĐH lại nợ môn liên tiếp. Phải chăng chúng ta đã có “con mắt lệch lạc” về vấn đề học tập của giới trẻ?

 

Đấy các bạn xem, phải luyện thi toát mồ hôi trẻ mới vào được lớp 1. Phụ huynh nhiều khi phải chạy chọt ngược xuôi thì con mới học được cấp 2, cấp 3. Nói chung học sinh phải ôn luyện liên tục 12 năm để rồi vào ĐH, nhưng ra trường  nhiều khi lại… thất nghiệp (!?)

 

Trường học ở các cấp 1, 2, 3 gần như lúc nào cũng quá tải. Còn không ít trường cao đẳng, ĐH hiện nay phải mời gọi mà vẫn không có mấy học sinh theo học. Vậy liệu bộ GD&ĐT đã chọn được hướng đi đúng đắn chưa?

 

Lật lại vấn đề, tại sao khi học phổ thông đa số học sinh luôn nỗ lực để đạt được ước mơ là đỗ ĐH, thế mà vào được ĐH rồi thì nhiều em lại bỏ bê học hành?

 

Theo tôi, vấn đề là ở chỗ các em đã ước mơ chưa đúng. Các em cần ước mơ dài hơn 1 chút chứ đừng dừng lại ở việc đỗ ĐH, khi đạt được ước mơ rồi thì các em đâu còn động lực để phấn đấu nữa?

 

Muốn vào ĐH thì khó, chứ ra thì cũng không khó lắm. Vậy là sinh ra tâm lý chủ quan, tâm lý ảo tưởng rằng mình đã đỗ thủ khoa thì mình sẽ học tốt ở ĐH. Lại có cả tâm lý rằng mình có tấm bằng ĐH thì mình phải làm… sếp, ra trường lương cao rồi giàu có, sẽ có thể phụng dưỡng cha mẹ...

 

Việt Nam có cả trăm trường ĐH cũng có nghĩa là có cả trăm thủ khoa, có cả những thủ khoa chỉ đỗ với hơn 20 điểm, thậm chí còn thấp hơn. Vậy có nên viết quá nhiều về các em không? Tôi nghĩ điều đó chưa chắc đã tốt cho các em đâu.

 

Bản thân tôi đã từng dạy qua khá nhiều thủ khoa, nhưng tôi chưa bao giờ phân biệt em ấy là thủ khoa hay không là thủ khoa. Và khi vào trường ĐH rồi thì mong các em cũng đừng “ngủ quên” trên chiến thắng.

 

Tóm lại, đạt thủ khoa ĐH cũng chỉ là một đích đến ngắn hạn mà thôi. Cái chúng ta cần là cái đích cuối cùng kìa.

 

Chúc các thủ khoa học tốt trong ĐH và ra trường phát triển được sự nghiệp. Đừng để việc đỗ thủ khoa ĐH là cái đích đến cuối cùng nhé !!!

 

Mai Văn Chiến:  maivanchien01@gmail.com