Ý kiến Luật sư

Góc nhìn luật sư về vụ cá chết ở Vũng Áng

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và cuộc sống của bà con ngư dân.

>> Cá chết la liệt, dân "cạch" cá biển, thịt lợn tăng giá vẫn thiếu hàng

Qua kiểm tra các cơ quan chức năng cho biết "Bước đầu, kết quả kiểm tra của ngành chức năng địa phương ghi nhận độ pH trong nước biển tăng cao, trong khi hàm lượng ôxy lại thấp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ôxy. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết". Như vậy, việc quan trọng trước mắt là các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó chặn đứng nguồn gây ô nhiễm và thực hiện các biện pháp xử lý các chất độc hại trong môi trường nước, ngăn chặn quá trình lan rộng của sự ô nhiễm. Quá trình này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương và sự phối hợp của các ngành chức năng. Càng chậm trễ trong việc giải quyết, hậu quả để lại càng nặng nề, nguồn nước ô nhiễm không được xử lý, số lượng cá chết tăng lên sẽ trở thành một nguồn gây ô nhiễm khác và rất khó để xử lý.

Góc nhìn luật sư về vụ cá chết ở Vũng Áng - 1

Luật sư Trương Anh Tú

Hiện nay, mọi nghi vấn về nguồn gây ô nhiễm đều hướng đến khu công nghiệp Vũng Áng đặt tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bởi hiện tượng cá chết hàng loạt khởi phát ở bờ biển sát với khu kinh tế Vũng Áng rồi lan dần đến Thừa Thiên - Huế. Việc kiểm tra đối với hệ thống nước thải của các nhà máy thuộc khu công nghiệp này là điều không thể tránh khỏi. Nếu phát hiện đúng sai phạm là do tác động của con người thì cần xử lý vi phạm theo Điều 160 Luật bảo vệ môi trường, theo đó:“1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” Hiện nay, hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được hình sự hóa theo quy định tại Điều 182, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009.

Song song với việc thanh kiểm tra và tìm phương án khắc phục ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đánh giá thiệt hại mà người dân ven biển phải gánh chịu, môi trường bị tác hại nghiêm trọng về lâu dài, để buộc chủ thể gây ô nhiễm phải bồi thường tương ứng dựa trên căn cứ “1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra”.

Bên cạnh đó, khuyến cáo đến các tổ chức cá nhân không vì mục đích lợi nhuận mà đưa các sản phẩm cá chết do ô nhiễm này ra thị trường tiêu thụ và người dân cần hạn chế sử dụng các loại cá này để chế biến thức ăn. Bởi đây là sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ nhiễm độc cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dùng.

Để xảy ra, vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy, cần phải điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu xác định đúng có sai phạm về xả thải trong khu kinh tế Vũng Áng, phải xử lý nghiêm những đối tượng có liên quan, không nên thiếu sự quyết tâm xử lý vì họ là nhà đầu tư nước ngoài, sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu về gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta tôn trọng chào đón những nhà đầu tư đến Việt Nam nhưng cũng sẽ xử lý theo quy định đối với những nhà đầu tư không chấp hành pháp luật Việt Nam, không tôn trọng đất nước con người Việt Nam.

1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Luật sư Trương Anh Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm