Góc nhìn khác về công chức “cắp ô”: Ước mơ... được trả lương!

(Dân trí) - Công chức là đề tài rất rộng mở. Bàn về những công chức vẫn có ước mơ, khát khao cống hiến nhưng lại an phận thủ thường, có người chợt nghĩ: Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng ở VN thì có khi chỉ ước mơ thôi cũng … được trả lương (!?)

Né cả cơ hội lẫn thách thức

 

Né cả cơ hội lẫn thách thức

 

Trước đó quan điểm chung nghiêng về ủng hộ đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông nhấn mạnh: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Còn lần này, chiều hướng chung có vẻ đa dạng hóa quan điểm hơn trước phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:“Tôi nhận thức, đi từ chính bản thân mình, ai ai cũng có khát khao được cống hiến. Thậm chí những người mà đang trong diện “có cũng được không có cũng được”, có những người rất cháy bỏng được cống hiến”.

 

Đúng là con người thì ai chẳng có những hoài bão, ước mơ và khát khao được học tập, được tích lũy hiểu biết và áp dụng vào thực tế để chứng tỏ mình, để đóng góp và cống hiến cho gia đình, cho xã hội…Nhưng nếu cứ sợ rủi ro, luôn có tâm lý “an phận thủ thường” với mục tiêu an toàn cho bản thân, thì cơ hội đâu dễ dàng như từ trên trời rơi xuống? Tất nhiên, có lẽ là để bảo vệ cho thế thủ của mình, người ta cũng đưa ra cả ngàn lẻ một lý do:

 

“Cũng có chỗ này chỗ khác chứ. Nhưng nhìn chung là mọi công chức đều muốn hoàn thành tốt phần việc mình. Như ở cơ quan mình nhiều khi phải làm đến khuya, có những anh chị không nề hà cả ngày nghỉ. Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những bộ phận chưa thực sự hoàn thành nhiệm vụ mà trên giao về, còn đùn đẩy. Nhưng không phải công chức nào cũng thế. Còn nhiều người đang ra sức cống hiến đấy thôi.  Chúng ta nên cứ cố gắng hết mình, mọi sự cố gắng rồi sẽ được ghi nhận cả thôi. Vấn đề là thời gian và thực sự là chúng ta đã tự mình nỗ lực hay chưa. Hãy gắng hết mình vì một Việt Nam tươi đẹp, anh em công chức nhé!” - Lee Quang:  ltquang.qbi@gmail.com

 

“Mọi người đừng vội chỉ trích số 30%  công chức ‘cắp ô’ như vậy. Mình đồng tình với ý kiến của BT Đam. Trong số 30% đó cũng có những con người muốn được cống hiến nhưng không thể, vì nhiều lý do lắm: không được lòng sếp phòng hay cấp trên nên không được giao việc. Hoặc bị đì quanh năm ngày tháng, họ cũng có thể lâm vào số 30% như kể trên mà thôi. Nếu như có được sếp tốt biết dùng người, tôi tin sẽ không có nhân viên bị lọt vào số 30% này đâu. Thực tế là giao việc hoặc bắt làm việc chính là san sẻ bớt gánh nặng công việc cho những người khác thôi” - Trần: romeovietnam@gmail.com

 

“Tôi nghĩ công chức thì cũng có người này người nọ, nhưng nói chung tư tưởng hình thành trong đầu họ là rất sợ sự rủi ro trong công việc. Sự ổn định trong công việc thì ai cũng muốn, nhưng nếu cứ sợ hãi trước thách thức thì có khi đến một lúc nào đó cần đến sự góp sức thực sự của họ, chưa chắc họ đã dám hành động. Tôi đã được tiếp xúc khá nhiều người, họ sống trong các cơ quan nhà nước rất ổn định. Nhưng thấy môi trường không năng động, không có khả năng cống hiến cao, họ đã mạnh dạn từ bỏ công việc đó và tìm một công việc mới mà họ thấy là tốt hơn. Điều này đa số công chức ít dám làm. Cứ như vậy nhiều người trong số họ luôn luôn than phiền, bế tắc, luôn luôn chờ đợi một cái gì đó mà có khi họ cũng không biết chính xác là chờ đợi cái gì?” - Vũ Lập Hiến:  vulaphien@gmail.com
 
Nguyên nhân và hệ lụy
(minh họa từ internet)

 

Nguyên nhân và hệ lụy

 

Vâng, xưa nay phê bao giờ cũng dễ hơn rất  nhiều so với tự phê dù ai cũng hiểu “nhân vô thập toàn”. Nhưng phê và tự phê dù có tốt bao nhiêu, thì cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở chỗ phải tìm được gút thắt ở đâu, từ đó tìm ra được cách tháo gỡ mà trước hết là cần đi từ chính bản thân mình, gia đình mình. Ai cũng có được ý thức đó thì sự thể chắc chắn đã khác, đã không có chỗ cho những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, càng không thể có cảnh cán bộ quản lý nhiều hơn nhân viên…

 

“Hiện tượng này có rất lâu, có rất nhiều và cũng rất nhiều người đã nói ra. Song tôi cho là những vị có chức có quyền hãy cứ tự nhìn vào bản thân mình xem: nếu đem con, cháu hay người thân của các vị không có năng lực ra xử lý thì liệu các vị có dám làm không? Các cụ nhà ta đã có câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Tôi nghĩ, vì ai cũng muốn nếu có tinh giản thì hãy tinh giản người khác chứ không tinh giản con cháu nhà mình, nên bàn nữa và bàn mãi làm gì việc ấy? Việc mà các vị muốn làm thì hãy làm với chính những người không có năng lực  là con, cháu mình trước. Và cũng mong các vị nhớ lại thêm 1 lời dạy các bậc tiền nhân: "Tiên trị gia, hậu trị quốc" - Lâm Viêt Tuấn:  lamviettuan@gmail.com

 

“Việc cán bộ lãnh đạo nhiều hơn nhân viên ở một số cơ quan nhà nước hiện nay không phải là lạ nữa. Nó là hệ quả của việc xây dựng bộ máy tổ chức theo số lượng người hiện có, chứ không phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ mà xây dựng bộ máy. Nó thể hiện của sự "nhác làm, siêng chơi” của một phận không nhỏ cán bộ công chức hiện nay. Chính phủ cần mạnh mẽ hơn trong việc cải cách bộ máy hành chính thì mới mong có sự thay đổi tích cực thật sự được” - Minh Bạch:  nmthanh@cantho.gov.vn

 

“Như đã đề cập nhiều lần. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là mầm bệnh vẫn là từ cơ chế "xin - cho".  Khi duyệt những đợt "Xin" nhưng “Cho” lại không dựa trên nhu cầu khách quan, năng lực cán bộ mà dựa trên cảm tính, cảm tình, COCC...Từ đó dẫn đến các cuộc kiểm tra thi cử đều là hình thức. Bệnh hình thức ở ta bây giờ quá trầm trọng mà không bị ai kiểm điểm hình thức ấy là thế nào. Từ nguyên nhân này dẫn đến những hệ lụy kinh khủng. Đó là con số thất nghiệp ngoài xã hội ngày càng lớn mà vẫn ít ai lo lắng. Tôi không có số liệu xác thực, mà chỉ muốn hỏi các bác một số điều sau: Nông dân Bắc Bộ làm bao nhiêu ngày trong năm (90-100 ngày)? Con em họ nếu không được tuyển dụng đi đâu, ở nhà thì làm gì? Một số được tuyển vào khu công nghiệp, thu nhập được bao nhiêu /tháng? Nông dân Nam Bộ thu nhập từ sản xuất lúa gạo để xuất khẩu, hỏi rằng có bao nhiêu người giàu lên được chỉ nhờ SX lúa gạo? Nhưng nhìn vào đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh, mang tiếng lương ba cọc, ba đồng, nhưng chắc chắn >50% số cán bộ có ô tô (xe con) nhà lầu. Thử hỏi rằng họ tạo ra được bao nhiêu sản phẩm cho xã hội mà có được những thứ đó?

 

Nói tóm lại muốn xã hội ổn định, theo tôi nghĩ, Bộ LĐTBXH phải là Bộ chịu trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho xã hội. Dĩ nhiên để tạo được còn phải nhờ liên ngành, nhưng mang tiếng Bộ LĐTBXH thì đó phải là chỗ dựa cho dân khi hỏi đến. Nhưng tôi ít nghe thấy tác dụng của Bộ này. Còn 30% cán bộ “sáng vác ô đi, tối vác ô về” thì các bác giải quyết giúp, chứ chúng cháu chỉ biết nghe thôi, làm sao chúng cháu giải quyết được. Cháu nhất trí, chính vì 30 % số cán bộ này mà cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội ta. Và theo cháu, Bộ nào, Ngành nào tỏ ra không có trách nhiệm với nạn thất nghiệp hiện nay mới phải chịu trách nhiệm cao hơn cả về 30% số cán bộ như trên đã đề cập. Chính cái đó mới khiến ngày càng nhiều thói hư tật xấu nảy sinh trong xã hội như hiện nay” - Bùi Thành:  buivanthanh90@yahoo.com

 

“Tình trạng đó thì ai cũng thấy rồi, nhưng vấn đề phải tìm ra căn nguyên để khắc phục. Theo tôi có những nguyên nhân sau:

 

+ Việc tuyển dụng công chức chưa minh bạch, công bằng, còn có tình trạng "chạy" tuyển dụng. Nên có những người tâm huyết, có năng lực ít có cơ hội được tuyển dụng.

 

+ Nhìn nhận, đánh giá công chức còn quá phụ thuộc vào chứng chỉ, bằng cấp mà chưa đánh giá qua khả năng thực tiễn, khả năng thích ứng và tâm huyết làm việc.

 

+ Quản lý công chức nặng về quản lý thời gian, chưa quản lý hiệu suất làm việc.

 

+ Có quá nhiều cuộc họp hành chính nhưng ít nội dung được giải quyết xong.

 

+ Tiền lương, thu nhập chưa có liên hệ hữu cơ với kết quả làm việc. Công chức  làm được nhiều việc hay ít việc tới tháng cũng lãnh lương theo ngạch bậc.

 

+ Xử lý kỷ luật công chức chưa nghiêm (giống như yêu quái trong Tây du ký, sau khi bị Tề Thiên phát hiện vạch mặt thì lại được… các vị nhà trời gọi về)...” - Nguyen Van Trung:  trungunion@gmail.com

 

Chúng tôi cũng đồng ý với nhận xét của nhiều bạn đọc rằng: giống như tình hình trong XH hiện nay, giới CBCNVC đa số là những người tốt, khát khao được học tập, phấn đấu vươn lên và cống hiến ngày càng tốt hơn, nhiều hơn cho gia đình và XH. Nhưng nếu cứ an phận, cứ đổ mọi lỗi lầm cho người khác, đổ luôn cả trách nhiệm trong mọi vấn đề của XH cho ai đó miễn không phải mình, thì tình thế rất có thể đúng như  Trong Nguyễn trong_nguyenbt@yahoo.com ca khúc “nhạc chế”:

 

"... Em có một ước ao, em có một khát khao..." rồi thì sao? Tiền thuế nhân dân vẫn dùng để trả lương cho những khát khao trên bàn giấy. Có một câu nói rất nổi tiếng "không ai đánh thuế ước mơ", nhưng ở Việt Nam thì có lẽ nên nói là: "Bạn cứ ước mơ, nhân dân sẽ trả tiền cho bạn".

 

Khánh Tùng