Gió lùa tổ ấm

Câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thời nay chắc chỉ đúng một phần. Xây nhà hay tổ ấm, ai làm mà chẳng được.

Tổ chức Y tế thế giới từng đưa ra lời cảnh báo, đang có hàng trăm triệu người bị khủng hoảng tâm lý do tác động của suy thoái kinh tế. Không những thế, cuộc khủng hoảng còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến rường cột của mỗi gia đình vì nghèo đói, thất nghiệp.

Khi mọi mắt quay về “ổ dịch” nợ công châu Âu, mọi tai hướng đến Wall Street, suy thoái kinh tế, vách đá tài chính, vực thẳm nợ nần…, truyền thanh, truyền hình đưa tin mỗi ngày, mỗi giờ; dân chúng cũng hoang mang mỗi ngày, mỗi giờ. Chưa kể tin nóng giật gân khủng bố, cướp biển, tận thế… khuyến mại đúng giờ cơm tối!

Dường như xã hội càng tiến tới nấc thang nào đó, nền tảng gia đình càng có vấn đề. Có học giả đã suy tư, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ châu Á? Không những càng ngày dân phương Tây càng tìm hiểu, học hỏi, theo đòi những giá trị cổ truyền phương Đông, mà hầu như tất cả các ngân hàng trung ương còn làm điều mà dân ta áp dụng từ nhiều thế kỷ: mua vàng phòng thân.

Nhưng liệu nền tảng gia đình châu Á, hay nói hẹp hơn là ở Việt Nam chúng ta có “miễn dịch” trước những điều được cho là giá trị hiện đại? Trong khi càng ngày, con người, với những bộ óc vốn thích phức tạp hóa những điều đơn giản, càng “sáng tạo” ra cả tá những giá trị và định nghĩa bổ trợ để “làm mới” cuộc sống của mình. Mải miết với cuộc chạy đua vô tận đến những mục đích bất định, người ta nhiều khi vô thức, buông mình vào tầm ngắm của những tấn công tự nhiên vô hình. Và vì thế dễ vỡ về mặt thể xác.

Gió lùa tổ ấm


Những con người dễ vỡ. Làm nên những gia đình dễ vỡ và những gia đình dễ vỡ tạo nên một xã hội dễ vỡ.

Và khi ngày càng tiến tới những nấc thang quyền và tiền mà nhiều người cho là thành đạt, người ta càng bị cầm tù trong khu rừng bê tông lạnh ngắt và vô tri vô giác.

Chuyện thật như đùa khi có những đứa bé thành phố đã dăm bảy tuổi mà chưa một lần được ngắm ông trăng. Bởi thứ ánh sáng bàng bạc diệu kỳ ấy làm sao mà ken qua nổi những tòa nhà chọc trời, làm sao đọ được với ánh điện neon bao trùm cả thành phố.

Sáng ra, bước chân ra đường là cả một biển người với nào là xe máy, ô tô, xe buýt, nào bụi bặm, còi xe… Với một không gian sống như thế, thật khó để cho những người làm cha làm mẹ nào dám rời con trẻ khi bước chân ra đường. Sáng mở mắt thì đã ngồi lọt thỏm trên xe của bố mẹ, với đủ kính bụi rồi khẩu trang, đến lớp thì ngồi trong bốn bức tường học kín mít đến tối mịt mới về. Ngoài kia mặt trăng lẻ loi khuất lấp sau những tòa tháp bê tông, trong này những đứa trẻ cũng đơn độc trong bốn bức tường.

Nhưng những "người lớn" bây giờ cũng đâu khác gì trẻ con. Sống trong đô thị hiện đại, nhịp sống nhanh đến nghẹt thở, cái gì cũng ào ào đi qua không để lại một chút lắng đọng, người lớn cũng chẳng qua chỉ là những đứa trẻ con lớn tuổi, sống lầm lũi trong những căn nhà tự xây của tâm hồn mình.

Có thể nhiều người cho rằng, đó là cái việc ôn nghèo kể khổ, hoài niệm những giá trị cũ xưa. Nhưng có lẽ hầu hết chúng ta đều có những lúc cảm thấy nhàm chán trong cuộc tranh đua để sống, ăn, toan tính, mưu mô và lọc lõi. Chúng ta chi phối nhiều thứ và để nhiều thứ chi phối lại. Sở thích chi phối và bị chi phối theo thời gian không ngừng tăng lên, cuối cùng không ai thoát khỏi vòng xoáy gắng gượng càng ngày càng tăng dần. Nhưng nếu suốt ngày lặn ngụp trong vòng xoáy đó thì hẳn bất cứ ai thần kinh thép cũng phát điên. Cái ta cần để cân bằng chính là những phút giây về với tổ ấm của mình.

Ông bà ta thường nói, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", câu này nghe quá quen thuộc. Vậy khi một gia đình tan vỡ có phải là do đàn ông không biết xây nhà, hay là do đàn bà không biết xây tổ ấm? Câu trả lời quá khó. Nói về thời nay, để đàn ông xây được nhà, nhất lại là nhà ở thành phố thì không phải ai cũng làm được. Một chuyên gia tính toán, để mua một căn hộ chung cư giá khoảng 1,5 tỷ đồng, người có thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng có thể phải làm việc và tích lũy từ… thời Lý. Cỡ như mình, lương gấp đôi gấp ba thế thì thời điểm tích lũy cũng không thể muộn hơn thời… ông Bảo Đại để có thể trở thành “đàn ông xây nhà” giữa đất thủ đô.

Vế còn lại “Đàn bà xây tổ ấm” còn có vẻ mơ hồ hơn. Thế nào là ấm đây? Có người lý giải: chỉ cần mùa đông không lạnh, cửa đóng then cài, vợ chồng con cái rí rủm với nhau là ấm. Có người bảo, chỉ cần vợ chồng con cái ăn uống, học hành đầy đủ là ấm. Có người lại muốn, chồng (vợ), chiều đi làm về, tay phải là rau dưa thịt cá, tay trái là… hoa hồng thì mới ấm cúng… vân vân và vân vân...

Mình thì nghĩ, cứ kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, ai còn có chỗ để muốn về thì đấy là tổ ấm rồi. Tất nhiên, nếu có từ hai chỗ muốn về trở lên thì nhiệt độ sẽ không chỉ tăng lên theo cấp số cộng và khả năng trở thành… tổ nóng là nhãn tiền.

Đấy, nói thế mới nhớ đến chuyện những anh (chị) đa mang. Xã hội dễ vỡ sản sinh ra những con người dễ vỡ nên hình như người ta có nhu cầu được trao gửi, tâm sự. Còn phương tiện trao gửi? Bạn bè, người thân ư, quá cổ. Chị Thanh Tâm, anh Kiến Càng, tư vấn và gỡ rối… càng xưa như diễm. Ngày nay, chỉ một dòng status trên facebook, Twitter… âu sầu một tí, thương cảm một tí, giật gân một tí là bạn sẽ được còmmen tới tấp hoặc ít nhất là ăn đòn “Như like thần chưởng” túi bụi.

Khi xa lộ internet thẳng băng một dải, những khuôn mặt vàng online luôn luôn cười mỉm lại khiến ta cảm thấy thân thiết, dễ sẻ chia hơn người trong nhà. Ở nhà, quần quật với cơm nước, với trăm thứ thường ngày buồn tẻ đến phát khóc, người ta thấy cần sự giải thoát và thế giới mạng đã đến, đã giải đáp cho ta điều ấy.

Trong cõi ảo, ta hiện lên hoàn hảo, không một chút khiếm khuyết. Nào có mất gì đâu khi trước màn hình lập lòe những vuốt ve, ta tự tưởng tượng ra những điều ta không có trong đời thực. Nếu ta tự nói thật về mình thì lại được “đối tác mạng” cho là khiêm tốn; nói tục một chút, chửi bậy một chút thì càng được cho là mạnh mẽ, cá tính… vân vân và vân vân… Mạng đã thành tai, mắt, miệng của ta, thành các giác quan tiếp xúc. Những câu hỏi thường ngày chồng hay vợ ta cấm có hé răng ra dành cho ta, nay bật ra từ những dòng chữ trên cửa sổ chat một cách dịu ngọt… Những tình công sở, những ong bướm ầu ơ khiến gia đình - tổ ấm càng trở nên nhạt nhòa. Đã bao người chặc lưỡi, thà nếm quả đắng một lần còn hơn liếm mép mãi vị ngọt tưởng tượng. Dù đời thực thì không như mạng. Những tình cảnh trớ trêu len lén lủi ra khi “tình online” xuất hiện trước mặt, ta đã nghe không chỉ một lần. Hay dăm bữa nửa tháng ầu ơ mới thấy, “cô ấy” thực ra cũng chẳng bằng người nhà mình, “anh chàng” chung quy cũng chỉ như con chim muốn kiếm chỗ nghỉ chân trong cái hành trình tha mồi về tổ!

Chung quy cũng là bởi ta đã đi quá nhanh, trong khi đích đến thì mơ hồ. Để đi nhanh hơn, ta sẵn sàng gạt bỏ dần những “vật dụng” trong hành trang cuộc sống của mình cho nhẹ gánh. Rồi càng đi, ta càng thấy lẻ loi, đơn độc…

Vậy thì sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một tổ ấm? Có người bảo rằng: "Sống một kiếp, bình an là được. 2 bánh 4 bánh, đi được là được. Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được. Người xấu người đẹp, dễ coi là được. Người già người trẻ, miễn khỏe là được. Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được. Ông (bà) xã về trễ, miễn về là được...". Sẽ có người cho là an phận, nhưng cả nước mình cũng đang chọn đi chậm lại cho chắc đấy thôi!

Còn cái câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thời nay chắc chỉ đúng một phần. Xây nhà hay tổ ấm, ai làm mà chẳng được. Cứ gì phải rạch ròi chồng vợ. Miễn sao cửa rả che chắn cho kỹ. Đừng để gió lùa!

Theo Phí Trọng Hiếu
ĐTCK