Giật mình với đề xuất “Ngày Trí thức Việt Nam”

(Dân trí) - Gần đây trên một số trang mạng nêu lại ý kiến của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đề xuất: nên có “Ngày trí thức Việt Nam”. Điều đó lại khiến nhiều người đọc …thêm một phen giật mình...

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)
 

Còn nhớ, cách đây không lâu đã xuất hiện đề xuất của một cá nhân là nên có “Ngày Quan chức Việt Nam”, làm nhiều người buồn cười…hết nổi. Tuy nhiên, bình tĩnh lại thì thấy đề xuất này nhiều phần… cũng có lí.

 

Quan chức là một nghề. Họ là ai? Giám đốc, Tổng Giám đốc, Thứ trưởng, Bộ trưởng…Tóm lại là những người có quyền, có chức đã kinh qua nhiều khóa đào tạo, giữ nhiều chức vụ từ thấp đến cao. Họ làm lãnh đạo. Lãnh đạo là nghề. Phải là một nghề. Chẳng thế, chúng ta không còn lạ khái niệm “nhà kỹ trị”. Vì thế, nếu có “Ngày Quan chức” xem ra không có gì đến nỗi…buồn mà cười không nổi.

 

Những người lao động trên toàn thế giới có ngày 1/5, phụ nữ thế giới có ngày 8/3, phụ nữ Việt Nam có ngày 20/10, ngành Giáo dục có ngày 20/11, Quân đội có ngày 22/12, Báo chí có ngày 21/6…Hầu như nghề nào, ngành nào, cơ sở nào cũng có Ngày của mình. Kể ra chắc một trang A4 không hết.

 

Có lẽ không nơi nào trên thế giới có nhiều "Ngày" như Việt Nam mình???

 

Có những Ngày ấy để làm gì? Để tôn vinh. Nhưng hình như càng tôn vinh bao nhiêu, người trong cuộc càng… bớt vui bấy nhiêu vì thường chỉ là hình thức, giả tạo, tốn kém, chẳng mang lại mấy hiệu quả, ít nhất là hiệu quả giáo dục.

 

Khổ nỗi nhiều người Việt mình thích hư danh, nên cứ bị cuốn theo “người sao. mình vậy”.  Đấy cũng chính là nguồn gốc của mọi sự “chạy” nọ, chạy kia. Chạy để có cái mác công chức, viên chức. Chạy để có danh hiệu nọ danh hiệu kia. Chạy để có giải thưởng N giải thưởng H. Chạy để có học hàm, học vị.  Chạy để có quyền chức (từ chức trưởng thôn trở lên)…vân vân và vân vân…

 

Bây giờ lại “Ngày Trí thức”?

 

Trước hết cần đặt câu hỏi: Trí thức là ai? Ai được gọi là trí thức? Trí thức có phải là một nghề? Việt Nam đã có một tầng lớp trí thức (đúng nghĩa) chưa ?....

 

Những câu hỏi này đã được trả lời bởi nhiều chục bài viết sâu sắc, đậm tính học thuật của hàng chục trí thức tên tuổi, và cả của không ít anh Hai Lúa trên nhiều diễn đàn, mà người viết bài không thể kể ra đây.

 

Trí thức phải là người có tư duy phản biện, dám dấn thân vì tiến bộ xã hội, nghĩ và làm những điều mà những người khác chưa nghĩ đến, chưa dám làm. Là người không hám danh lợi, họ làm việc vì khoa học, cho khoa học, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trí thức không thể là người “ăn theo, nói leo”, không thể là kẻ “trùm chăn”…

 

Trí thức còn nhiều tư chất khác nữa.

 

Trí thức Việt Nam có thể chưa thực sự là một tầng lớp (đúng nghĩa), nhưng từ khi được coi là một tầng lớp trong xã hội, họ đâu cần một Ngày cho mình. Họ cần có môi trường tốt để làm việc, để cống hiến. Những cái tên Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Võ Văn Kiệt, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc…đủ cho thế hệ trí thức hôm nay suy nghĩ nên làm gì.

 

Trí thức là thức tỉnh mình và thức tỉnh cộng đồng.

 

Nhưng hình như ngày nay, trí thức nhiều mà ít. Trí thức đúng nghĩa thì ít. Trí ngủ thì nhiều.

 

Và có lẽ, trong trạng thái nửa tỉnh, nửa ngủ nên VUSTA mới có đề xuất nên có “Ngày trí thức” chăng? Thật là… buồn cười!

 

Giang Sơn