Giáo viên bỏ hàng trăm triệu “chạy” việc: Giáo dục sẽ về đâu?

Vụ việc hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lộ thông tin có những người đã phải bỏ hàng trăm triệu để “chạy” việc.


Nhiều giáo viên khẳng định phải chi tiền mới được vào biên chế.

Nhiều giáo viên khẳng định phải chi tiền mới được vào biên chế.

Đến nay, cơ quan chức năng chưa có kết luận về vụ việc, nhưng những thông tin giáo viên bỏ hàng trăm triệu "chạy" việc mà các “khổ chủ” cung cấp là có cơ sở. Những thông tin hé lộ góc khuất đáng buồn liên quan đến nghề giáo, vốn được xem là nghề cao quý.

Thông tin cho hay, một số cán bộ quản lý giáo dục, và cả quan chức cũng dính líu đến những hành vi “chạy” việc, tiêu cực. Trong đó, GV hợp đồng là nạn nhân khốn khổ nhất. Họ bị lợi dụng hoàn cảnh khó khăn trong công việc để bị “làm tiền” và lừa đảo. Thậm chí có Hiệu trưởng còn ăn chặn cả đồng lương còm cõi của GV hợp đồng.

Thực ra, chuyện không chỉ xảy ra ở Đắk Lắk, mà những nơi khác cũng có những hiện tượng tương tự.

Đã có những “cò” chạy việc bị phát hiện, bị xử lý hình sự, nhưng những quan chức có “quyền sinh quyền sát” vẫn vô can. Bởi vì họ đã khôn khéo lường trước hậu quả nên không để lại bằng chứng.

Và để bảo đảm bí mật, cả người đưa và kẻ nhận hối lộ đã nghĩ ra rất nhiều cách tinh vi. Việc truy cứu hành vi “Nhận hối lộ” do đó gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quy định của pháp luật, hành vi “Đưa hối lộ” cũng là phạm pháp, với mức hình phạt tương đương tội “Nhận hối lộ”. Nếu không cẩn thận, có thể ngay cả GV cũng vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự cũng quy định: “Người đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

Do đó, nếu người đưa hối lộ chủ động khai báo, tố giác thì hậu quả pháp lý sẽ rất khác biệt. Do quy định này, một số người nhận hối lộ, sau khi thấy nguy cơ bị phát giác đã tìm cách trả tiền lại cho “khổ chủ”.

Điều rất đáng băn khoăn nữa là khi nhà giáo phải chấp nhận phạm pháp để có việc làm thì còn đâu sự mẫu mực, tôn nghiêm và làm tấm gương cho học sinh. Và tương lai nền giáo dục sẽ “đi đâu về đâu”?

Theo Hải Đăng

Báo Lao động