Bạn đọc viết:
Giao thông đô thị: Trước hết cần biện pháp không gây xáo trộn lớn
(Dân trí) - Về lâu dài cần một giải pháp đồng bộ cho giao thông đô thị, nhưng trước mắt cần có các biện pháp khả thi. Lâu nay, các nhà chức trách ngành giao thông đã đưa ra nhiều ý kiến giải pháp, nhưng tôi thấy vẫn kém khả thi.
Xin điểm qua một số giải pháp được đưa ra trong thời gian gần đây và quan điểm:
- Cấm xe máy vào một số tuyến phố hoặc giờ cao điểm: không khả thi vì Hà Nội cũ đã hình thành các con phố có nhiều ngõ ngách. Phương tiện lưu thông chủ yếu của người dân là xe máy trong việc sinh hoạt hàng ngày cũng như buôn bán sinh sống…
- Thu phí các phương tiện vào nội đô: thu bằng cách nào? phân định ranh giới như thế nào cho việc thu phí. Hay chúng ta đầu tư với một kinh phí khổng lồ để tạo ra hàng chục chốt thu phí? Chưa chắc giải quyết được nạn ùn tắc mà có khi lại xảy ra hỗn loạn giao thông hơn tại các chốt thu phí.
- Thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu: không phải xăng dầu chỉ dùng cho ôtô, xe máy cá nhân, nó còn liên quan đến các phương tiện giao thông công cộng khác đang cần được khuyến khích…Làm như vậy sẽ phần nào ảnh hưởng đến mục tiêu chống lạm phát của chính phủ.
- Xin tham gia một số giải pháp trước mắt:
+ Chúng ta cần kiên quyết giải phóng vỉa hè cho người đi bộ, vì tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm xảy ra gần như đương nhiên trên tất cả các tuyến phố. Vấn đề này cần phân cấp cho quận, phường yêu cầu làm triệt để. Nghiên cứu xây dựng thêm các cây cầu vượt qua đường bộ trên các tuyến phố có nhiều trường đại học, các trường phổ thông, các bến xe…
+ Có phương án kiên quyết tập trung các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố vào các khu trung tâm thương mại (Chỉ trừ một số phố cổ được quy định là phố đi bộ). Vì chính các cửa hàng, cửa hiệu này là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
+ Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, tăng chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm luật nghiêm trọng như lạng lách, đánh võng, chống người thi hành công vụ, thậm chí có hình thức tịch thu phương tiện, truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, chính lực lượng cảnh sát giao thông cần phát động phong trào gương mẫu trước dân, chống tiêu cực, học tập các tấm gương hành xử trên tinh thần “vì dân phục vụ…” Tránh tình trạng người dân bình thường thì sợ cảnh sát mà cảnh sát lại “ngại” những kẻ “coi thường pháp luật” ….
+ Chủ trương thu phí bảo trì đường bộ qua đầu xe ôtô và xe máy theo các mức khác nhau (của Bộ GTVT đã đệ trình) tôi thấy rất khả thi, vì nó mang tính giáo dục ý thức trách nhiệm của người dân tham gia giao thông rất cao. Từ đó người dân sẽ tự phải xem xét lại thái độ sử dụng phương tiện giao thông của mình. Mặt khác, với đề án này kinh phí đầu tư không tốn kém, không ảnh hưởng đến các mặt khác của xã hội, có tác dụng lâu dài. Hình thức thu có thể kết hợp với phiếu thu bảo hiểm dân sự bắt buộc theo quý hoặc năm để giảm bớt phiền hà các loại giấy tờ cho dân.
+ Đề nghị thu thêm phí môi trường cũng qua đầu xe ôtô và xe máy. Cũng có tác dụng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Loại phí này nên thu theo “thâm niên” sử dụng của các loại phương tiện (xe càng cũ mức phí càng cao). Có tác dụng hạn chế nhập xe cũ, cải thiện môi trường, đồng thời thúc đẩy được ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển.
Thực tế là nhiều nước khuyến khích việc hủy xe cá nhân quá niên hạn sử dụng để thay xe mới. Những xe này được quay lại ngành công nghiệp ô tô để đại tu hoặc tái chế lại. Với hình thức thu loại phí này có thể kết hợp với chế độ đăng kiểm định kỳ của xe ôtô. Còn đối với xe máy thu kết hợp với phí bảo trì đường bộ và bảo hiểm dân sự bắt buộc theo năm.
Cả hai loại phí trên còn có tác dụng lâu dài là thường xuyên có kinh phí cải thiện lại hạ tầng giao thông, hiện đại hóa hệ thống tín hiệu giao thông, mua sắm thiết bị để tăng cường năng lực làm giảm khói bụi, giảm ô nhiễm môi trường.
+ Tăng cường và đổi mới các phương tiện giao thông công cộng hiện nay đã quá lạc hậu và gây ô nhiễm. Tuy nhiên cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và miễn các loại phí cho các phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời cần kiên quyết chấn chỉnh lại thái độ phục vụ hành khách (nhân dân) của các nhân viên trong ngành xe buýt nói riêng và các phương tiện giao thông công nói chung.
Chỉ có như vậy thì người dân mới tin tưởng và sẽ tự giác chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng. Tóm lại, chúng ta thu các loại phí đối với các phương tiện giao thông cá nhân để đầu tư ngược lại cho các phương tiện giao thông công cộng, sẽ làm thay đổi được ý thức của người dân và tôi tin rằng sẽ được cộng đồng xã hội chấp nhận.
Góp ý về một số giải pháp lâu dài: đề nghị Thành phố kiên quyết triển khai nhanh các dự án di dời các trường đại học ra các vùng ngoại đô. Ưu tiên phát triển các khu đô thị và khu dân cư, khu sinh thái các vùng ngoại đô, các đường vành đai và các công trình hạ tầng kèm theo như trong quy hoạch thành phố đã được chính phủ duyệt. Đối với các đường phố mới cần kiên quyết giải tỏa sâu để sử dụng đất mặt đường cho các dịch vụ công cộng, cây xanh vỉa hè thông thoáng…
Tôi nghĩ rằng mỗi người có trách nhiệm khi đưa ra một giải pháp cần xét đến nhiều yếu tố, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố xã hội tức là đa số người dân. Những giải pháp căn cơ sẽ tạo được sự đồng thuận của xã hội, được người dân hưởng ứng thì các giải pháp đưa ra mới gọi là khả thi.
Nguyễn Hà
email: halinh90@vnn.vn