Giải quyết từ gốc tình trạng ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Trước hết tôi rất hoan nghênh bài viết của TS Nguyễn Quang Đức về các giải pháp cơ bản để giảm ùn tắc. Bài viết này nêu lên hướng giải quyết phù hợp với xu thế phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị trên thế giới.

Giải quyết từ gốc tình trạng ùn tắc giao thông - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
 
 Tôi thấy ở Pháp người ta xây dựng đô thị, kết cấu hạ tầng từ cách đây hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn không lạc hâu. Nước Pháp là 1 nước châu âu điển hình cho việc qui hoạch đô thị và phát triển đô thị. Những thành phố mà tôi đến đều có cấu trúc như TS Đức đã nêu. Tôi có thời gian sống ở châu Âu khoảng 10 năm, đã từng sống hoặc ghé thăm các nước Pháp, Thụy sỹ, Ý, Đức…. thì thấy đều rất ấn tượng về sự phát triển đô thị có những nét tương đồng  như sau:

1. Trung tâm thành phố chỉ là các cơ quan đầu não của thành phố và Trung ương, ngoài ra có thêm 1-2 trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia và 1 số điểm văn hóa đặc thù

2. Ngoại ô bao gồm các trường Đại học, Cao đẳng, các siêu thị bình dân, các nhà ga tàu lửa, xe khách…

3. Cũng ở ngoại ô là các khu dân cư theo thứ tự xa dần thì giảm dần về giá trị được xây dựng cơ bản, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà trường, bệnh viện và khu vui chơi giải trí đảm bảo cuộc sống cho người thu nhập trung bình và thấp…

4.  Một việc hết sức quan trọng là hệ thống giao thông và phương tiện đi lại phù hợp để có thể di chuyển vào thành phố mà không cần nghĩ đến phương tiện cá nhân vì nó thuận lợi và rẻ tiền hơn nhiều làn. Ví dụ hiện nay chúng ta có tuyến đường cao tốc dài và đẹp nhất nước là Đại lộ Thăng Long nhưng hiệu quả sử dụng quá thấp. Nếu tới đây chúng ta đưa các trường đại học và 1 số bệnh việc lên Đường Láng Hòa Lạc thì hệ thống xe buýt và thậm chí 1 tuyến tàu điện nổi (tramway) là việc làm cần thiết và phù hợp.

Tôi rất đồng tình với TS Đức là chúng ta không tập trung kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng mà nên tập trung kinh phí để giải quyết các vấn đề này cho triệt để. Đây là những việc rất căn bản cần sự giúp đỡ mạnh mẽ và quyết liệt của chính phủ. Có thể chúng ta cần 5 năm để ổn định kinh tế và phát triển thủ đô trong nhiều năm tới thì cũng nên làm vì những giải pháp dài hơi và bền vững.

Trước mắt, các giải pháp đang được xúc tiến chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời chứ không giải quyết được những vấn đề căn bản; hơn nữa,  còn gây ra những hệ lụy khác. Thí dụ việc đổi giờ học và giờ làm gây ra nhiều khó khăn cho đối tượng tham gia giao thông là trẻ em thì đó việc làm thật không nên vì các em cần được ưu tiên theo ý nghĩa nhân đạo cũng như các em là tương lai của đất nước, của mọi gia đình.

Theo tôi suy nghĩ,  trước mắt, chúng ta nên tiếp tục xúc tiến việc phân làn đường một cách hợp lý, tăng cường giaó dục và kiểm tra việc chấp hành luật lệ giao thong; cũng có thể  điều chỉnh  2 đối tượng là các trường đại học cao đẳng và Ngân hàng. Thí dụ: Các trường đại học và cao đẳng sẽ học và làm việc ngày Thứ 7 và Chủ nhậtnghỉ 2 ngày là Thứ 2 và Thứ 3. Các ngân hàng sẽ làm việc ngày Thứ 7 và Chủ nhậtnghỉ 2 ngày là Thứ 5 và Thứ 6.

Các vấn đề  khác TS. Đức đã nêu khá rõ và chi tiết nên tôi không nhắc lại như cấm xe, đổi giờ, quy định ngày cho đi biển số chẵn, biển lẻ, thuế lưu hành ….là những việc làm cần cân nhắc thêm xem có vi phạm  quyền của con người và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, gây ra những tác động tiêu cực hay không.

                                                              Trịnh Văn Tuấn

                                                                 (CASRAD)

LTS Dân trí - Tư duy theo kiểu manh mún vốn là căn bệnh của những xã hội nông nghiệp lạc hậu. Tuy đất nước ta đã có quá trình đổi mới hơn ¼ thế kỷ, nhưng vẫn còn rớt lại tàn dư của lối tư duy này, cho nên xây dựng và mở rộng hàng loạt đô thị với kết cấu hạ tầng chưa hợp lý, thiếu sự tính toán toàn diện cũng như thiếu nhìn xa trông rộng, dẫn tới hậu quả phải khắc phục nạn ùn tắc xe cộ một cách bị động và bằng những biện pháp chắp vá.

     Vì vậy, muốn khắc phục từ gốc tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần giải quyết một cách căn bản, toàn diện từ việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến việc phân bố mật độ dân cư và các biện pháp xây dựng kết cấu hạ tầng có tầm nhìn lâu dài.

       Bài viết trên đây cũng như bài viết trước đây của TS. Nguyễn Quang Đức đã đề cập những giải pháp cơ bản đó. Mong rằng những ý kiến đề xuất này được Chính phủ và thành phố Hà Nội xem xét và sớm cho thực hiện những giải pháp cơ bản để tiến tới giải quyết từ gốc tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn.