“Giải cứu” đến bao giờ?
(Dân trí) - Cũng như nhiều nông sản khác, cứ khi rớt giá, nông dân bị lỗ nặng là phải tập trung hỗ trợ, “giải cứu”. Đó là việc làm cần thiết, giải pháp tình thế, nhưng nếu cứ duy trì mãi điệp khác “giải cứu”, nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng khó phát triển nhanh và bền vững.
Nông nghiệp đã có sự phát triển khá tốt trong thời gian qua, nhằm đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Đời sống nông dân bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra điệp khúc “giải cứu” nông sản. Những năm trước là lúa gạo, dưa hấu, chuối xanh... còn năm nay là củ cải, su hào(?!).
Nhiều nông dân ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) đang khở sở vì củ cải được mùa khi thời tiết thuận lợi. Được mùa nhưng nông dân vẫn bị thua lỗ nặng do giá củ cải quá rẻ, bán thì tiếc, để lại chờ tăng giá... thì củ cải thối dần.
Chung cảnh ngộ nông sản “được mùa thì rớt giá”, nhiều nông dân ở xã Hưng Đạo và Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cũng ngậm ngùi chặt bỏ su hào để bán với giá rẻ, thậm chí còn cho không.
Cũng như nhiều nông sản khác, cứ khi rớt giá, nông dân bị lỗ nặng là phải tập trung hỗ trợ, “giải cứu” để nông dân bớt khó khăn. Đó là việc làm cần thiết, giải pháp tình thế, nhưng nếu cứ duy trì mãi điệp khác “giải cứu”, nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng khó phát triển nhanh và bền vững.
Nghịch lý mà ai cũng nhìn thấy, khi củ cải, su hào hay nông sản khác rớt giá, chặt bỏ ngay ngoài ruộng, thì trong các siêu thị, ở các chợ nội thành giá không giảm, thậm chí có khi còn tăng.
Nông sản rớt giá, có lẽ việc đổ lỗi dễ nhất là đổ lỗi do nông dân không am hiểu quy luật cung - cầu của thị trường, không biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, không biết liên kết với các nhà phân phối...
Đổ lỗi cho nông dân không hẳn đã sai hoàn toàn, nhưng hãy nhìn nhận thực tế trước mắt và xa hơn. Chúng ta có nhiều khâu từ quản lý, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển... và mở rộng thị trường sản phẩm mà nông dân tạo ra. Những câu hỏi “ trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu?” dường như phần nhiều vẫn tự nông dân trả lời!
Khẩu hiệu liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) để góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững cũng đã được nói nhiều, nhưng dường như tính liên kết vẫn còn lỏng lẻo, chưa kết dính.
Nhiều người “hiến kế”, nông dân muốn giàu, muốn không phải hỗ trợ, “ giải cứu” thì phải nuôi trồng và sản xuất theo mô hình công nghệ cao, quy mô lớn. Kế sách này cũng được sách, báo đã nói nhiều, người nông dân cũng đã hiểu, nhưng nhìn vào số đông nông dân, liệu mấy ai có đủ nguồn vốn hàng tỷ đồng để thực hiện? Không có vốn thì vay ngân hàng, rất đơn giản, nhưng hỏi rằng mấy nông dân có tài sản để thế chấp cho những khoản vay đến cả tỷ đồng! Và như vậy, có lẽ cần thêm sự liên kết của ngân hàng (nhà băng) để thành 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp- nhà băng)?
Chúng ta khởi nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp. Mọi cơ chế, chính sách với nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có cả và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chưa phát triển nhanh và bền vững. Hàng năm, nông dân ở không ít địa phương vẫn trông chờ vào sự “ giải cứu” khi “được mùa thì rớt giá”, “ được giá thì mất mùa”.
Vẫn biết ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với sự rủi ro từ thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Rủi ro do “ ông giời” khó đoán định, nhưng nhân tố con người thì định lượng được - đó là những quyết sách đúng và trúng cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó có cả sự liên kết thật bền chặt của "5 nhà"!
Theo Đăng Dương
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam