"Gánh" dân số đã nặng càng oằn vai

(Dân trí) - Ai đó bảo 90 triệu dân là một nguồn nhân lực dồi dào, là một ưu thế về lực lượng lao động mà nhiều nước không dễ gì có được. Vâng, đúng thế ! Nhưng mà nói một thì cũng phải nghĩ đến hai. Rõ ràng dân số đông mà diện tích nhỏ là một bất lợi lớn.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Vậy là công dân thứ 90 triệu của VN đã chào đời lúc 02 giờ 45 phút ngày 01.11.2013. Với bố mẹ cháu thì đó là một niềm vui đặc biệt và sau này lớn lên chắc cháu cũng sẽ tự hào vì mình là công dân thứ 90 triệu của đất nước. Mọi người chia vui với cháu và gia đình.
 
Để đón chào sự kiện đặc biệt này, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức chương trình diễu hành đi bộ với chủ đề: "90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng" vào sáng 2/11 tại đường Trường Sa - Hoàng Sa (Q.3, TP.HCM) và đêm nhạc hội "90 triệu trái tim yêu VN" tổ chức vào lúc 20 giờ tối cùng ngày tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhưng có lẽ, tôi nghĩ, niềm vui này chẳng thể tày gang bởi nỗi lo đã choáng ngợp trước mặt. Ai đó bảo 90 triệu dân là một nguồn nhân lực dồi dào, là một ưu thế về lực lượng lao động mà nhiều nước không dễ gì có được. Vâng, đúng thế ! Nhưng mà nói một thì cũng phải nghĩ đến hai.

 
Về dân số, nước ta hiện đứng thứ 14 nhưng về diện tích lại ở vị trí khiêm tốn: thứ 65 thế giới. Mật độ dân số nước ta gấp đôi Trung Quốc, gấp 8 Mỹ, gấp 34 Nga. Rõ ràng dân số đông mà diện tích nhỏ là một bất lợi lớn. Đất nước chẳng khác gì một gia đình đông con, nhiều người ăn, người làm nhưng ruộng nương lại ít. Để nuôi được 90 mươi triệu dân không phải dễ, để 90 triệu dân ấy có cuộc sống sung túc lại càng khó.

 

Cách đây hai ba chục năm, đi dọc Tây Nguyên theo quốc lộ 14 từ Kon Tum đến Bình Phước có đoạn cả trăm cây số xe cộ như đi trong rừng, thỉnh thoảng mới gặp đồng bào đi nương, đi rẫy. Bây giờ thì khác, rừng không còn nữa, thay vào đó là những khu dân cư nhà cửa san sát. Đại ngàn chỉ còn trong cổ tích. Đất không thể sinh sôi, còn con người cứ thế hệ nối tiếp thế hệ chào đời.

 

Hơn một trăm năm trước, câu thơ của Tú Xương trong bài thơ Chúc Tết chỉ là hài hước: “Phố phường chật hẹp, người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non” thì ngày nay đã thành sự thật. Mà non bây giờ cũng chật chội lắm rồi. Để có chỗ cho 90 triệu con người, đất nước dường như không còn khoảng trống.

 

Nguồn nhân lực dồi dào chưa hẳn đã là lợi thế trong phát triển kinh tế. Trong cơ cấu dân số nói chung và nguồn nhân lực nói riêng thì nông dân và công nhân chiếm đại đa số. Thế nhưng “nguồn nhân lực dồi dào” ấy hiện đang có mức thu nhập từ công sức do chính mình bỏ ra như thế nào?

 

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động VN) công bố ngày 9/11/2012 thì công nhân trong khối DNNN có tiền lương trung bình là 3,56 triệu đồng; doanh nghiệp FDI hơn 2,67 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh 2,83 triệu đồng.

 

Số liệu từ cuộc điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: hiện nay mức thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt  48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người (một cặp vợ chồng và hai con) thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Tổng thu nhập một năm, mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD.  Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa của cả nước, nhưng thu nhập bình quân của nông dân cũng chỉ đạt 535.000đ/người/tháng, tương đương một nửa lương tối thiểu của công nhân lao động.

 

Từ những con số nói trên, có thể thấy giá trị nhân công ở ta thật rẻ mạt. Người lao động bỏ công sức ra mà thu nhập vẫn chưa đủ đáp ứng những nhu cầu bức thiết hàng ngày. Thu nhập của công nhân tuy có cao hơn nông dân nhưng chí phí cho đời sống sinh hoạt lại tốn kém hơn. Đồng lương của họ không đủ để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu như ăn uống, nhà ở, đi lại, học hành của con cái…

 

Như vậy có thể thấy đang có mâu thuẫn giữa nguồn nhân lực dồi dào và giá trị lao động sản sinh ra từ nguồn nhân lực ấy. Cho nên, đánh giá tiềm năng của nguồn nhân lực không chỉ căn cứ vào số lượng mà còn phải chú ý các yếu tố: chất lượng (sức khỏe, trình độ chuyên môn, kĩ thuật), việc làm và giá trị nhân công. Ba yếu này là những bài toán hóc búa đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp giải quyết tốt, thì nguồn nhân lực dồi dào về số lượng kia mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 

Nguyễn Duy Xuân