Kon Tum:
Gần 1.000 dân “náo loạn” di dời trước ngày thủy điện tích nước
(Dân trí) - Dù công trình thủy điện Đăk Đring sắp tích nước nhưng gần 1.000 người dân xã Đăk Nên (Kon Plong, Kon Tum) vẫn sống trong bất an dưới lòng hồ. Chỉ khi Ban chỉ đạo Tây Nguyên họp yêu cầu di dân khẩn cấp, người dân mới được tạm an toàn.
Di dân khẩn cấp!
Chủ đầu tư của công trình thủy điện Đăk Đring là Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đring (đóng ở Sơn Tây, Quảng Ngãi), quá thờ ơ với sinh mạng của người dân khi công trình chỉ còn gần 2 tháng nữa (31/8) sẽ tích nước mà gần 1.000 người dân vẫn sống trong lòng hồ.
Những ngày này, 217 hộ dân (gần 1.000 nhân khẩu người dân tộc Ca Dong) đang có 1 cuộc di dân “khẩn cấp”. Điều đáng nói, cuộc di dân này không phải do chủ đầu tư hay chính quyền địa phương chủ động tiến hành mà nó chỉ được thực hiện khẩn cấp sau khi Ban chỉ đạo Tây Nguyên có chuyến đi khảo sát các công trình thủy điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên và phát hiện ra việc sinh mạng của gần 1.000 người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng dưới lòng hồ thủy điện. Chiều ngày 1/7, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành chức năng, chủ đầu tư và tỉnh Kon Tum, yêu cầu “phải khẩn cấp di dời dân”.
Nếu người dân không được chuyển đến nơi ở mới, lũ về bất ngờ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng công trình tái định cư vẫn còn ngổn ngang, phần lớn các ngôi nhà mới được thực hiện xong việc xây móng. Sáng ngày 8/7, chính quyền huyện Kon Plong cùng toàn bộ lực lượng xã Đăk Nên, đoàn viên thanh niên đã được huy động bắt đầu công cuộc giúp người dân di chuyển đến nơi ở mới. Để có chỗ trú mưa, che nắng, người dân buộc phải dỡ những ngôi nhà sàn mang theo để dựng ở tạm.
Dù mọi thứ còn dang dở, nhưng mọi người dân đều mong được đi tới nơi an toàn, để không bị “quả bom” thủy điện đe dọa. Dự kiến cuộc di dời khẩn cấp này sẽ hoàn thành trong vòng 20 ngày.
Chủ đầu tư "quan tâm tới sinh mạng người dân"?
Thủy điện Đăk Đring có công suất 125 MW, vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, là công trình có phạm vi rộng gần 2.000 ha nằm giữa 2 địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plong, công trình thủy điện Đăk Đring được khởi công từ năm 2007, công trình có lòng hồ thuộc địa phận xã Đăk Nên, huyện Kon Plong. Sở dĩ công trình được khởi công từ năm 2007 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc tái định cư cho dân ở Kon Tum vì công trình nằm ở 2 tỉnh, chủ đầu tư đã thi công một số hạng mục ở tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2011, công trình "đụng" đến đất Kon Tum trong việc thi công đập dâng, chủ đầu tư mới bắt đầu phối hợp với chính quyền huyện Kon Plong để bàn đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa đi đến thống nhất nên sự việc kéo dài cả năm trời. “Tại chủ đầu tư rất làm căng vấn đề đền bù giá. Chủ đầu tư quá cương, không nhiệt tình phối hợp với chính quyền địa phương trong việc triển khai dự án”, ông Hùng giải thích nguyên nhân việc chậm trễ về việc xây dựng khu tái định cư cho người dân. Nói về trách nhiệm của chính quyền với người dân, ông Hùng cho biết, trước đây UBND tỉnh Kon Tum đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên.
Hiện tại, việc xây dựng tái định cư cho người dân mới chỉ thực hiện được 50% công trình, nên mãi đến đầu năm 2013, các công trình tái định cư của người dân xã Đăk Nên mới bắt đầu được triển khai thi công và dự kiến đến cuối năm 2013 mới hoàn thành. Không chỉ vậy, diện tích đất canh tác của người dân trước đây là hơn 333 ha nhưng bây giờ chỉ được đền bù 211 ha lấy từ đất lâm nghiệp và dự kiến thì đến cuối năm nay việc tái định cư cũng mới hoàn thành.
Nếu không có cuộc họp yêu cầu di dân khẩn cấp của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đến lúc nào huyện mới thực hiện đưa người dân đến nơi ở mới? Ông Hùng cho rằng, việc di dân đã nằm trong phương án của huyện và chắc chắn người dân sẽ được di dời trước ngày tích nước là 31/8 (!).
Làm việc với phóng viên, đại diện Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, công trình thủy điện Đăk Đring do Bộ quản lý. Theo quy định, trước khi khởi công bất kì công trình thủy điện nào, chủ đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư, định canh cho người dân.
Tuy nhiên, công trình thủy điện này nằm ở 2 tỉnh, hầu hết các hạng mục được thi công ở Quảng Ngãi và giấy phép thi công cũng do tỉnh Quảng Ngãi cấp. Vì vậy khi thi công, chủ đầu tư “cần gì phải xin phép tỉnh Kon Tum”, chỉ đến khi đụng đến việc xây dựng cái đập ở nước dâng thì Công ty này mới đặt vấn đề với chính quyền tỉnh Kon Tum.
Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết thêm, chủ đầu tư báo cáo là công trình thủy điện khởi công năm 2011, nhưng thực chất công trình đã được khởi công từ năm 2007.
Trái ngược với thông tin của chính quyền tỉnh Kon Tum, ông Vương Quý Thạch- Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đring - cho rằng, công ty đã rất nhiệt tình phối hợp với chính quyền huyện Kon Plong trong vấn đề tái định cư, định canh cho người dân. Thực chất năm 2007 công ty mới động thổ nhưng mãi đến đầu năm 2011 mới bắt đầu khởi công xây dựng (?!). Và song song với khởi công, công ty đã nhiệt tình phối hợp với chính quyền địa phương để tiến hành việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, định canh cho người dân!
Ông Thắng còn cho cho rằng, quan điểm của công ty ông là khi triển khai dự án này thì vừa xây dựng dự án như thế nào để dự án hoàn thành đúng mục tiêu tiến độ, đạt hiệu quả cao; đồng thời luôn luôn nghĩ tới quyền lợi, lợi ích của người dân. Công ty không lơ là với sinh mạng người dân. Ông Thắng dẫn chứng: Người dân của huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi “dính” đến công trình này cũng mới được lên khu tái định cư (!).
Thiên Thư