Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm bàn giao: Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hiện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 100% công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị. Nhưng chưa một hạng mục nào được nghiệm thu vì nhiều yêu cầu của đơn vị tư vấn Pháp đưa ra thì tổng thầu không đáp ứng được. Do đó, tuyến đường vẫn chưa thể đưa vào khai thác theo thời hạn chốt là trước 31.12.2019. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang nằm chờ ngày vận hành thương mại. Ảnh: ĐT
Lỡ hẹn, công nhân “dài cổ” chờ việc
Với lợi thế chạy trên đường riêng, không giao cắt đồng mức với hệ thống giao thông đường bộ trong thành phố nên đường sắt đô thị loại bỏ hoàn toàn xung đột với các phương tiện giao thông khác. Cùng với khả năng chuyên chở khối lớn, tốc độ khai thác cao và ổn định gấp hơn 2 lần so với xe buýt, đường sắt đô thị sẽ đem lại cho người dân một dịch vụ đi lại nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Việc phát triển tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhằm đáp ứng các tiêu chí trên, với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD), được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10.2008. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam. Nhưng sau hơn 10 năm thi công, đến nay tuyến đường này vẫn chưa được bàn giao để đưa vào khai thác thương mại.
Tại lễ Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 2.1.2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp thành phố Hà Nội tập trung tháo gỡ vướng mắc tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vì hiện chỉ còn vướng thủ tục nhỏ, cơ bản là trách nhiệm và thẩm quyền của bộ nên sớm giải quyết để đưa vào khai thác thương mại phục vụ người dân. Trước đó, vào tháng 9.2019 trong chuyến thị sát tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng đã yêu cầu tổng thầu Trung Quốc và yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong năm 2019 phải đưa vào khai thác thương mại. Nhưng đến thời điểm đầu năm 2020 này vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính do chưa hạng mục nào được nghiệm thu.
Theo Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, hiện 681 nhân viên làm việc tại tuyến Cát Linh - Hà Đông đang phải nghỉ chờ việc và hiện đời sống rất khó khăn. Được biết, để duy trì hoạt động của toàn tuyến mỗi ngày rất lớn và đoàn tàu chạy thử thấp nhất là 5.000km, có đoàn chạy đến 10.000km đã vượt tiêu chuẩn chạy thử. Trong đó tiền điện mỗi ngày khoảng 100 triệu đồng, nếu cắt điện không duy trì hệ thống cũng sẽ dẫn đến hỏng hóc thiết bị và tổn thất sẽ lớn. Theo tính toán, mỗi ngày, chi phí cho dự án khoảng 80.000USD.
Tổng thầu không đủ hồ sơ
Nguyên nhân chính của việc chậm bàn giao do tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ an toàn của 13 đoàn tàu, chưa có các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất khiến tư vấn chưa thể hoàn tất đánh giá an toàn theo yêu cầu cầu của ACT. Trong khi đó Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống mới nhận bàn giao.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án, vừa qua Cục Đăng kiểm đã cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho đoàn tàu để đủ điều kiện vận hành thử toàn hệ thống. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tư vấn rà soát phương thức đánh giá an toàn hệ thống, xem xét cấp tạm thời làm cơ sở vận hành thử và đưa vào khai thác. Nhưng tổng thầu cho rằng dự án đã hoàn thành xong và đề nghị bàn giao ngay.
Được biết, hợp đồng đánh giá an toàn hệ thống này được ký giữa chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và ACT của Pháp đánh giá, công tác đánh giá an toàn hệ thống thì trách nhiệm chính là của Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án. Nguyên nhân vướng mắc chính do thời gian tiếp cận dự án của đơn vị đánh giá an toàn với dự án quá muộn, theo quy định phải được đánh giá từ khi triển khai dự án. Cùng đó nhiều hồ sơ theo yêu cầu không có vì năm 2018, đơn vị tư vấn đánh giá mới vào.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu. Đại diện tổng thầu ông Đường Hồng thừa nhận đơn vị đánh giá là của Pháp đã đưa ra cách đánh giá và yêu cầu hồ sơ theo tiêu chuẩn Châu Âu mà có những tiêu chuẩn, tổng thầu Trung Quốc cũng chưa bao giờ được biết. Do đó, tháng 11.2019, Tổng thầu dự kiến vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày, nhưng mới chạy thử được 5 ngày, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) yêu cầu tổng thầu hoàn thiện một số thủ tục cần thiết nên việc vận hành thử phải tạm dừng. Do tổng thầu không thể và không có hồ sơ để cung cấp.
Theo Minh Hạnh
Báo Lao động