Đừng vuốt ve cái tủ áo ông nghè
Phát triển kinh tế đất nước không phải dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là nguồn lực con người. Nhiều quốc gia thịnh vượng trên thế giới đã chứng minh thuyết phục về điều này. Nhật Bản, một nước không xa Việt Nam kể cả địa lý, văn hoá và quan hệ hợp tác là trường hợp rõ nhất.
Việt Nam được xem là dân số vàng, lao động trẻ nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại quá thấp
Nếu xét về tài nguyên con người, Việt Nam thuộc hàng giàu có, được xem là dân số vàng, lao động trẻ. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lại quá thấp. Có mỏ nhưng không phải mỏ kim cương, mỏ vàng, mà là mỏ đồng, mỏ thiếc. Những báo cáo mới nhất về nguồn nhân lực cho thấy mối nguy của đất nước, một mối nguy thực sự không thể không đối mặt và tìm biện pháp giải quyết khẩn cấp.
Hiện có 2 triệu lao động làm việc cho 400 khu chế xuất, khu công nghiệp, nhưng được đánh giá tay nghề của công nhân còn yếu kém, không đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp. Thợ như vậy, còn thầy thì sao? Quý I/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Có hai lý do dẫn đến thất nghiệp, một là do đất nước không có nguồn việc làm, hai là có việc nhưng làm không được.
Khả năng thứ hai là rất lớn, vì chất lượng đào tạo của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chất lượng đại học của các quốc gia tiên tiến. Vấn đề này không cần chứng minh, người Việt Nam gom góp được đồng nào thì ưu tiên cho con cái du học, bởi vì họ không tin cậy sản phẩm giáo dục trong nước.
Mối nguy của đất nước mà người viết đặt ra trên chính là mối nguy tụt hậu, yếu thế. Chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp trong nước vay ngân hàng lãi suất cao, công nghệ phải nhập khẩu, thiết bị cũng mua từ nước ngoài, chịu những chi phí tiêu cực làm mất sức cạnh tranh. Thêm vào đó, nguồn nhân lực kém, công nhân tay nghề yếu, năng suất lao động thấp, kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trình độ thua các nước, vậy thì cạnh tranh được ai, thắng được ai trong thời đại toàn cầu hoá. Nói điều này ra ắt nhiều người có học hàm học vị cao không hài lòng, nhưng chúng ta không thể vuốt ve cái tủ treo áo mão ông nghè mà quên đi hiện thực.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phải xuất phát từ nền tảng giáo dục. Cuộc cải cách mang khẩu hiệu “trận đánh lớn” chưa thấy mang lại thắng lợi gì. Hãy đánh trận nhỏ thôi nhưng có hiệu quả, cho ra lò những ông cử ông nghè nên cơm nên cháo.
Tiếp theo là công việc của ngành khoa học công nghệ, hãy ưu tiên những đề tài, công trình ứng dụng, tuy nhỏ nhưng cuộc sống đang cần, còn hơn là những thứ to tát nhưng chỉ nằm chật trong tủ kính để trang hoàng cho thói chuộng hư danh.
Lê Thanh Phong
(Theo báo Lao động)