Đừng phòng dịch theo kiểu nửa vời

(Dân trí) - Đã quyết định không về quê ăn Tết để chung tay phòng dịch thì đừng dao động, đừng kêu chán để rồi lại lấp chỗ trống bằng việc tụ tập ăn uống, đổ ra phố du xuân mà không thực hiện quy định phòng dịch

Năm nay, khu chung cư tôi sinh sống có một số hộ ở lại đón Tết. Có nhà ở tâm dịch, có nhà thì gần vùng dịch nên đều có nguy cơ lây nhiễm Covid, vì thế họ quyết định ở lại Hà Nội.

Ban đầu, các bác hồ hởi rằng ở đâu cũng là Tết và ưu tiên phòng dịch là số 1. Cả khu không tổ chức tất niên và quyết tâm ăn Tết theo kiểu 5K.

Nhưng càng gần đến Tết, khi dòng người hối hả về quê sum họp gia đình, không ít người ở khu lại dao động tâm lý. Có nhà thì hai vợ chồng không vui vẻ, thậm chí to tiếng chỉ vì chưa thống nhất quan điểm ở hay về. Có nhà thì ông chồng thở dài thườn thượt kêu buồn, cuồng chân vì lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, không có bố mẹ bên cạnh khiến bà vợ phải nín nhịn lựa cho yên cửa yên nhà. Vì thế, điều này làm cho Tết trở nên nặng nề, giống như một sự chịu đựng cho qua ngày. Bao nhiêu năm sinh sống ở Hà Nội, nơi họ gọi là nhà nhưng khi Tết đến thì coi đó như là nơi ở tạm và chỉ có về quê mới là Tết đích thực.

Khác với cảnh yên bình sáng mồng 1 Tết thường thấy, từ đầu giờ chiều mùng 2 Tết năm nay, nhiều đường phố quanh khu vực Hồ Gươm nhộn nhịp, thậm chí có lúc còn đông hơn cả ngày thường. Bởi lẽ, không ít trong số những người ở lại Hà Nội muốn trải nghiệm một thủ đô vắng lặng ngày Tết nên đổ lên phố, khiến tình trạng đông đúc xảy ra.

Đừng phòng dịch theo kiểu nửa vời - 1
Ảnh: Nhiều người xếp hàng mua kem Tràng Tiền vào chiều mùng 3 Tết (Ảnh Yến Anh-Người Lao động)

 Ngay từ chiều 30 Tết, nhiều người dân Hà Nội xếp hàng mua kem trên phố Tràng Tiền. Một vài quán cà phê còn mở cửa ở xung quanh khu phố Cổ cũng luôn trong tình trạng kín chỗ. Có những khách hàng vẫn vô tư ngồi sát nhau không đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách theo quy định phòng dịch.

Trươc đó, Hà nội đã có chỉ thị đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát, là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp, cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người. Giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Chiều mùng 3 Tết, tôi vào một siêu thị nhỏ, vẫn bắt gặp cảnh một gia đình hồn nhiên vào mua đồ mà không một ai đeo khẩu trang, tuy nhiên, họ cũng không bị nhân viên siêu thị nhắc nhở.

Ngoài đường phố, tôi cũng thấy nhóm bạn trẻ đang say sưa trò chuyện, chụp ảnh mà không đeo khẩu trang.

Trong ngày mùng 2 Tết, dòng người đổ xô tới Văn Miếu Quốc Tử giám xin chữ đầu xuân, trong đó rất đông trẻ em. Khi vào cổng, mọi người phải xếp hàng giãn cách, nhưng sau đó, khó tránh khỏi tình trạng đứng san sát nhau hình thành nên các đám đông.

Hà Nội vừa ra thông báo thực hiện đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2. Điều này sẽ giúp hạn chế việc nhiều người tới các quán ăn như bún ốc, bún riêu, bún cá…để "chống ngán" sau Tết.

Năm nay, gia đình tôi cũng ở lại Hà Nội đón Tết vì trong bối cảnh này cần đặt vấn đề phòng chống dịch nên trên hết. Tôi đã không ngại từ chối những lời mời ăn uống tụ tập của bạn bè, hàng xóm dù có người không vui vì điều đó nhưng mong rằng mọi người sẽ hiểu, thôi đành "mất lòng trước, được lòng sau".

Năm đầu ăn Tết xa quê, chúng tôi có nhiều trải nghiệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị Tết, trang hoàng nhà cửa… Dẫu biết rằng, ai cũng mong muốn Tết được sum họp cùng đại gia đình nhưng khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành thì chúng ta cần biết thích nghi với hoàn cảnh, cần đặt sự an toàn lên trên hết.

Mong rằng người dân ở các địa phương chưa bùng phát dịch Covid chú ý sát sao hơn đến vấn đề phòng bệnh để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng, để chúng ta có những cái Tết thật sự yên bình.

Tuấn Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm