Bạn đọc viết

Đừng “phá cách” giai điệu Tổ quốc linh thiêng

Những ngày qua, câu chuyện về ca sĩ Mỹ Linh thể hiện bài Quốc ca bằng việc “phá cách” làm mất đi sự hào hùng ca khúc thiêng liêng của dân tộc trong buổi thuyết trình của ông Barack Obama tại Hà Nội đang làm “nóng” các diễn đàn xã hội và gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Minh họa: Ngọc diệp
Minh họa: Ngọc diệp

Rất nhiều câu hỏi đặt ra là: Vì sao một bài Quốc ca của dân tộc, lại có thể tùy tiện thay đổi giai điệu hùng tráng trong sự kiện mang một ý nghĩa chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước như vậy? Vì ca sĩ muốn thể hiện sự độc đáo cá nhân hay “đây là một tai nạn nghề nghiệp”?

Có thể nói dù cho biện minh thế nào, thì đúng là rất khó chấp nhận. Bởi mỗi chúng ta đều biết: Bài hát Quốc ca không phải là tác phẩm nghệ thuật thuần tuý, mà đã được quy định trong Hiến pháp của nước ta và đã trở thành biểu tượng linh thiêng của Tổ quốc.

Hơn 70 năm qua, giai điệu hùng tráng của bài ca ấy đã đi theo không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử dân tộc. Mỗi sự kiện chính trị của đất nước, mỗi một nghi lễ, khi những giai điệu của bài Quốc ca vang lên, ấy là hồn nước vang lên, trầm hùng, tha thiết và tự hào khôn xiết. Âm hưởng ấy, giai điệu ấy không hề đổi thay, hao khuyết dù là chiến tranh hay thời bình.

“Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền” không chỉ ngân rung trên những chặng đường đánh giặc, sau từng trận đánh khốc liệt, trong mỗi chiến thắng vang dội và trên mỗi đau thương mất mát to lớn mà dân tộc ta phải chịu đựng, gánh gồng... mà còn dấy lên một thứ tình cảm thân thuộc, thiêng liêng, trào dâng niềm tự hào về tình yêu Tổ quốc.

Chắc chắn trong tim mỗi người Việt Nam luôn in đậm hình ảnh lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Bác trong một buổi sớm tinh khôi, thanh bình. Hay hình ảnh lá Quốc kỳ tung bay trên sóng biển Trường Sa, Hoàng Sa cùng những ca từ, giai điệu Quốc ca hào hùng trong lễ chào cờ của những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ canh gác biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Rồi những người chiến sĩ hát khi tuyên thệ trước Quốc kỳ, người thương binh hát trên giường bệnh, hát trong ca mổ không có thuốc gây mê. ..Và hình ảnh 1.300 người hát Quốc ca trong một MV ca nhạc cách đây 2 năm khi chủ quyền lãnh thổ biển đảo của nước ta bị thế lực ngoại bang ngang nhiên xâm phạm… chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn của giai điệu hào hùng, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị thời đại của Quốc ca luôn tỏa sáng và thiêng liêng đến vậy!

Có lẽ chính bởi cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi hát Quốc ca mà có biết bao người dân đất Việt dù sống xa Tổ quốc vẫn kiên trì dạy con em mình học hát Quốc ca để giáo dục về nguồn cội, về Tổ quốc, để khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và tự hào dân tộc...

Rõ ràng giai điệu hùng tráng của bài Quốc ca đã gắn bó với người dân Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua, nó đã trở thành hồn thiêng, sông núi, là tiếng gọi non sông, là niềm tự hào của Tổ quốc. Đó chính là những giai điệu mang âm hưởng hùng tráng của một ca khúc mang tầm thời đại, hết sức thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân thuộc, gắn bó làm bừng lên tận đáy lòng, từ sâu thẳm trái tim nồng nàn của mỗi người dân đất Việt về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và càng thấy rõ hơn cái sức mạnh vô song của tinh thần đoàn kết cộng đồng, càng thấy rõ hơn trách nhiệm công dân với Tổ quốc.

Hay nói một cách khác, hát Quốc ca cũng là để biểu thị tình cảm yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nên đừng xúc phạm những điều thiêng liêng, mà hãy thể ý thức công dân bằng hành động tiếng hát Quốc ca cùng với tinh thần thực sự nghiêm túc, thể hiện đúng giai điệu bài hát và hát với tất cả bầu máu nhiệt huyết.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm