Ý kiến chuyên gia
Đừng để thành phố Đà Nẵng như người “Đãng trí”
Thành phố có thể xây, phá và xây lại, càng về sau càng nguy nga. Tòa thiên nhiên và di sản để hoài niệm về một ký ức thật xa xôi mà cha ông đã phải đánh đổi bằng máu, xương thì không như vậy.
Ngạc nhiên khi nói chuyện với các nhà chuyên môn, với người dân ai ai cũng có ý thức vun vào cho thành phố của mình. Vun vào về đầu tư, vun vào về cái sự dám làm và cái sự mới, vun vào cho tinh thần thành phố, cho thương hiệu – một sự vun vào hệt như cho nhà mình như thế không phải nơi nào cũng thấy.
Ấy vậy, Đà Nẵng cũng đã đến lúc ngoái lại, nhìn lại chặng đường phát triển bùng phát trong những năm qua.
Hôm nay Đà Nẵng đã thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, cảng biển, thương mại, du lịch, văn hóa vv… Đương nhiên, Đà Nẵng không thể chối bỏ những động lực mà rõ ràng nó có thế mạnh, song nên chăng chọn ưu tiên, nên chăng cân nhắc kỹ việc sử dụng đất và thế đất cho đúng việc, nên chăng thấy trước những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh khi đặt các yếu tố này bên cạnh yếu tố kia, khi ưu tiên cái này đồng nghĩa với sự triệt tiêu cái kia.
Từ sự cân đối các động lực phát triển, chọn lựa khôn ngoan những yếu tố tạo thị, những người quyết định chủ trương và những người làm kiến trúc nên mường tượng, định đoạt tính chất và thị mạo cho thành phố của mình. Liệu một thành phố công nghiệp – cảng – trung tâm kinh tế lớn mà chúng ta đang tạo dựng còn có khả năng để trở thành thành phố du lịch – nghỉ mát, mang tính chất sinh thái không? Tài nguyên thiên nhiên và cảnh vật, sự phát lộ những khoảng không và chân trời trong quá trình cải tạo gần đây, gợi mở những hy vọng: Đà Nẵng có đủ điều kiện trở thành đô thị sinh thái? Núi đồi, rừng , cánh đồng, sông ngòi, vịnh, bãi biển, bán đảo và cù lao… nếu biết gìn giữ và nâng niu, Đà Nẵng sẽ là mảnh đất hứa.
Đà Nẵng đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai. Đã đến lúc đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ; kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường và những khu phố mới mở; cải thiện vun đắp hình ảnh chung đô thị. Thành phố còn thiếu những khung cảnh thành thị phồn hoa, thiếu những trung tâm của kiến trúc và cộng đồng, thiếu những công viên, vườn hoa, những điểm nhấn đô thị, thiếu một vài công trình mang diện mạo logo - nhìn vào, nhận ra Đà Nẵng …
"Ráng chiều" - Ảnh: Phan Ngọc Hợi
Ở độ tuổi hơn 100 năm, Đà Nẵng nên đặc biệt chăm chút những di sản đô thị, những di tích kiến trúc không đồ sộ và không cổ xưa là mấy, song rõ ràng là những dấu ấn trên chặng đường kiến thị, rõ ràng góp phần tạo nên bộ nhớ, những chốn cho hoài niệm ở một nơi thực tế ngự trị là chính. Đánh mất đi những dấu vết kiến trúc – kỷ niệm thời gian, thành phố y như người đãng trí.
Tòa nhà 70 Bạch Đằng,Đà Nẵng là công trình kiến trúc thời pháp thuộc ,nếu bỏ đi xây mới có nên không?
Nói về sự cần thiết dừng lại để nghĩ thêm về phát triển theo chiều sâu, muốn nhắc về việc sử dụng tài nguyên đất, cảnh sắc thiên nhiên sao cho chừng mực, sao cho khỏi quá tay, để phần và giành dụm cho con cháu. Đà Nẵng đang sở hữu một giang san đủ cho một quốc gia mà nhiều nước muốn có cũng không thể có. Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã vắt kiệt vùng đất ven biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh những khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi, hãy biết trân trọng những gì còn sót lại, giữ lấy nó bởi di sản đâu có nhiều. Thành phố có thể xây, phá và xây lại, càng về sau càng nguy nga. Tòa thiên nhiên và di sản để hoài niệm về một ký ức thật xa xôi mà cha ông đã phải đánh đổi bằng máu, xương thì không như vậy.
"Cùng đón bình minh" - Ảnh: Ngô Đình Hoàng
Cần tạo dựng cảnh quan đặc trưng, không gian đô thị truyền thống có cá tính vùng, địa phương là rất quan trọng đừng để hình ảnh của Đà Nẵng bởi sự khô cứng và vô cảm của diện mạo đô thị.
Đà Nẵng đã có thành công, nhưng Đà Nẵng vẫn phải tìm hướng mới để vươn cao, vươn xa. Đánh giá và phân tích những thành tựu không dễ. Mổ xẻ những mặt trái, những thách thức, nguy cơ của thành phố - càng khó hơn, nhưng lại mở ra cho mỗi người những suy nghĩ, những giải pháp cho sự phát triển Đà Nẵng trong tương lai.
Đà Nẵng chưa phải là những muộn màng, phải thật sự nhìn nhận tiếp cận để đánh giá những gì ta làm hôm qua nhằm nhận biết đô thị Đà Nẵng trong vai trò lịch sử của nó, xem xét nó từ các phương diện: tính chất đô thị, hình thái đô thị, diện mạo đô thị, văn hóa đô thị, tinh thần đô thị, để làm cơ sở thực hiện những lộ trình trong tương lai. Là một công dân Đà Nẵng, tôi vẫn hy vọng: Những người hoạch định chính sách và quản trị đô thị, những người thiết kế đô thị đảm nhận những trách nhiệm đích thực nặng nề trước cộng đồng xã hội. Phải luôn nghĩ rằng đồng bào mình sống hôm nay ra sao? Con cháu mình mai này sống thế nào? Tất cả đều phụ thuộc cái tầm mà chúng ta đang nghĩ, ở cách chúng ta đang làm, ở văn hóa mà chúng ta đang ứng xử. Biết hiểu thấu và giải quyết thỏa đáng những nhu cầu của cộng đồng chắc chắn sẽ tạo ra những cái đẹp cho hôm nay và để lại những di sản cho mai sau.
Nguyễn Cửu Loan
Chánh văn phòng Hội QHPTĐT Đà Nẵng