Đừng để những bộ cánh làm mất giá trị con người

(Dân trí) - Chúng ta cứ nói rằng văn hóa không nằm ở chiếc váy, thế nhưng không thể vì thể mà tùy tiện mặc hai dây đi phỏng vấn, ra mắt các cụ, dự đám tang hay xuất hiện trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ...

Chuyện váy áo không chỉ là đề tài bất tận của chị em mỗi khi ngồi "tám", mà nó cũng là đề tài muôn thuở để không ít người đánh giá về một con người khi lần đầu gặp gỡ.

 

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng: ngày nay dường như cụm từ “trông mặt mà bắt hình dong” đã không còn chuẩn như trước, bởi sự du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới đã làm con người thay đổi tư duy và có những cách nhìn thoáng hơn về cuộc sống.

 

Đúng là trong thời đại hiện nay, chúng ta không nên và cũng chưa thể đánh giá một cô gái diện quần soóc siêu ngắn, áo hai dây sở hữu một hình xăm to chảng trên ngực dạo quanh khu mua sắm là "vô văn hóa". Bởi nếu tìm hiểu thêm, có thể sẽ thấy bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ của cô ấy, thậm chí cô ấy vừa hoàn tất xong một khóa đào tạo thạc sĩ bên trời Tây. Với những con người ấy, đơn giản quần áo dạo phố phải thoải mái, phù hợp với môi trường mình xuất hiện... 

 

Nhưng điều nhiều người trong chúng ta có lẽ muốn nhấn mạnh ở đây là: quần áo sẽ chỉ đẹp và tôn lên dáng dấp khi chủ nhân khi biết lựa chọn trang phục phù hợp với không gian, thời gian, lứa tuổi...
 
Đừng để những bộ cánh làm mất giá trị con người  - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bộ cánh mà ca sĩ trẻ Minh Hằng diện trong một đêm nhạc từ thiện gần đây đã bị dư luận lên án mạnh mẽ, cho rằng phản cảm, thiếu tôn trọng khán giả cũng như không phù hợp với một chương trình từ thiện. Tất cả những lời chỉ trích đó tôi đều cảm thấy rất đúng và không hề thấy khắt khe hay cổ hủ chút nào (tôi cũng thuộc thế hệ 8X), bởi tôi cũng nghĩ: Minh Hằng sẽ đẹp và nổi bật nếu như chương trình từ thiện đó thay bằng buổi party, hay lễ hội hóa trang nào đó. Nhưng cô ấy đã hoàn toàn đánh mất giá trị con người cũng như hình ảnh trong mắt khán giả khi chọn một bộ cánh như vậy trong một chương trình từ thiện.

 

Nick LIFE - Nam - 43 tuổi - Từ Hà Giang nhắn gửi các nghệ sĩ: “Nên chăng giới nghệ sĩ, những người luôn được công chúng quan tâm, thì càng cần biết suy nghĩ trước sau. Để biết đâu là cái đẹp, biết đâu là sự phản cảm, để mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Bản thân toát lên cái đẹp, chứ không phải là sự lố bịch, hay tạo scandal. Bởi sau cụm từ “nổi tiếng” là cả 1 vấn đề, 1 giá trị thực sự, chứ không phải ở những “bộ cánh” không đâu vào đâu”.

 

Nguyen Thanh Son - Nam - 30 tuổi - Từ Quảng Trị cho rằng các cơ quan chức năng không thể đứng ngoài, mà cần vào cuộc nhằm chấm dứt tình trạng bắt khán giả yêu nghệ thuật phải chịu đựng thêm những điều không mang lại giá trị gì đáng có: “Trường hợp như thế này ngày càng xảy ra nhiều ở Việt Nam. Vấn đề là chúng ta nói nhiều nhưng kết quả không như mong đợi, những ngôn từ nặng nhẹ đều được khán giả bộc bạch ra chỉ mong những điều tốt đẹp hơn, nhưng tất cả đều đi ngược lại. Vậy các cơ quan chức năng đang ở đâu khi mà khán giả cứ phải chịu đựng những điều thiếu văn hóa khi đi xem văn hóa?”

 

Với những hi vọng về một môi trường nghệ thuật lành mạnh, đúng nghĩa Thành Trung - Nam - 41 tuổi - Từ Bình Dương bày tỏ: “Mong rằng những “sao” nào nếu muốn tên tuổi của mình đi vào lòng công chúng một cách lâu dài, thì nên đi lên bằng chính tài năng - phẩm chất của mình.

 

“Đúng là xã hội hiện tại cũng có không ít người đi lên bằng những “con đường tiểu ngạch”, nhưng đồng thời cũng còn nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ họ lao động một cách chân chính - sáng tạo và luôn sống trong lòng người hâm mộ. Tôi chỉ mong rằng những người đi "không đúng con đường" nên kịp thời suy nghĩ lại, đừng để một lúc nào đó có hối hận cũng đã muộn rồi” – bạn đọc này không quên nhắn nhủ.

 

Trong khi đó, Nguyen Thi Van - Nữ - 26 tuổi - Từ Bắc Ninh đặt câu hỏi cũng như đưa ra những minh chứng cụ thể từ các nghệ sĩ chân chính: “Tôi không hiểu một bộ phận trong giới nghệ sỹ bây giờ nghĩ gì? Phải chăng khi đã là người của công chúng họ không còn coi các giá trị văn hóa của dân tộc là gì. Đành rằng con người ai cũng muốn hướng tới cái đẹp, nhưng cái đẹp đó phải đi liền với bản sắc của dân tộc. Không biết khi mặc những bộ quần áo đó họ có biết mình đang vô tình đánh mất các giá trị của NGƯỜI VIỆT trong con người mình? Hãy nhìn những lớp nghệ sỹ đàn anh, đàn chị như Thu Hiền, Anh Thơ, Trọng Tấn, Tùng Dương và cả những ca sĩ trẻ như Lê Cát Trọng Lý.... Họ đã và đang cố gắng gìn giữ những nét đẹp trong nhạc Việt bằng chính giọng ca đẹp của mình. Đâu phải cứ khoe da thịt là hát hay...

 

Genie - Nữ - 24 tuổi - Từ Ninh Bình hi vọng những ai đang và sắp có ý định mặc những bộ cánh thời trang kiểu này hãy dừng lại: “Mình nghĩ qua bài báo này, tác giả muốn gửi lời đến tất cả những ai đã, đang có ý định ăn mặc kiểu như vậy ra đường, coi như là 1 lời thỉnh cầu hãy tôn trọng mọi người xung quanh mình thôi. Còn đối với 1 số nghệ sĩ sẵn lòng mặc những bộ đồ này, khác nào cổ vũ họ, vì họ đâu có được tài năng cũng như cái tâm của nghề, họ lấy đấy làm cái hay mà . VN có lẽ là môi trường dễ dãi đối với nghệ thuật nhất ấy nhỉ ? Hay chỉ đơn giản là tạp nham ?? Rồi có ngày làm ca sĩ phải được cấp giấy phép, phải thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe trước hết là về đạo đức . Cảm ơn tác giả  đã phỏng vấn chị Quần Ren nhiều lắm!”

 

Dẫu biết rằng văn hóa không “nằm” ở chiếc váy, nhưng không phải ai cũng có thể kiểm chứng được điều đó. Vì vậy có lẽ trước khi bước ra đường, chúng ta hãy dừng lại một chút, ngắm mình trong gương kỹ một chút để biết mình đang mặc gì và sắp xuất hiện ở đâu. Xin cảm ơn!

 

Linh Nhã