Bạn đọc viết:
Đưa lời “xin lỗi”, “cảm ơn”... quay trở lại
(Dân trí) - Thông thường làm sai thì phải xin lỗi, nhận được sự giúp đỡ cần cảm ơn. Là người văn minh thanh lịch, hãy bắt đầu từ “xin lỗi” và “cảm ơn” sao cho đúng chỗ, đúng lúc. Điều là bình thường ở các nước này, với VN mình lại đang cần... đưa trở lại.
Chẳng hạn khi đi đường va chạm nhau dù vô ý thôi, ứng xử hợp lý hợp tình nhất là người vi phạm phải xin lỗi người kia. Khi nhận được sự giúp đỡ, nên cảm ơn để bày tỏ lòng biết ơn của mình và người lớn cần làm gương trong ứng xử. Nói thì ai cũng cho là như vậy, nhưng thực tế nhiều khi lại không.
Nhiều người cho rằng người lớn không cần xin lỗi, cảm ơn trẻ em. Đó là một sai lầm! Có những người lớn biết mình sai với con trẻ nhưng cậy thế mình lớn hơn, không những không xin lỗi mà còn lấn át theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Đôi khi ta còn phải chứng kiến cảnh có người thay vì “xin lỗi” lại sử dụng bạo lực, nhẹ thì bằng nắm đấm, tệ hơn thì bằng gạch đá, dao kiếm… chỉ vì những vụ va chạm nhau trên đường. Có lẽ bởi những người đó cho rằng xin lỗi là tự làm giảm giá trị bản thân, hoặc “ai cảm ơn là người hâm, việc gì phải làm thế”…??? Đặc biệt là những bạn trẻ đang rất muốn khẳng định mình theo cách... đi ngược lại với nền văn minh nhân loại như vậy!
Cũng có khi chẳng cần va chạm, mà chỉ một ánh mắt nhìn bị người đối diện cho là “đểu” (???) cũng có thể dẫn đến những hành vi bạo lực, thậm chí dẫn tới chết người. Có những thanh thiếu niên sẵn sàng gây sự đánh nhau dẫn đến án mạng chỉ vì lý do rất không đâu như cho rằng đối phương “nhìn đểu” mình, tảng lờ không trả lời là coi khinh mình…nên phải "dạy cho nó một bài học về lễ độ". Thế là chuyện xô xát đáng tiếc xảy ra và đích đến cuối cùng nhiều khi là tuổi xuân phơi phới bị chôn vùi chốn lao tù.
Với thực trạng giao thông chẳng khác gì mê hồn trận của VN hiện nay, mỗi khi tham gia giao thông, do phố chật đường đông, người người chen chúc… rất dễ xảy ra va chạm, lời qua tiếng lại càng đẩy sự việc đi xa hơn. Nhưng nếu mọi cư dân đều được giáo dục tốt để có ý thức, có văn hóa trong ứng xử, văn minh trong lối sống thì làm gì có những chuyện đáng tiếc hoàn toàn không đáng xảy ra như thế?
Những lời xin lỗi đúng chỗ, đúng lúc chắc chắn ít nhiều cũng làm dịu được cơn “bốc hoả” trong đầu những người… nóng tính, dẫn tới có được những hành xử thân thiện, ngăn chặn được những câu chửi tục dẫn đến ẩu đả và nguy cơ “cái sảy nảy cái ung”, sự việc bé xé ra to…
Các cụ nhà ta từ xưa đã dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chỉ cần 2 âm tiết “xin lỗi” được cất lên từ miệng người mắc lỗi, cùng với một thái độ thân thiện (chẳng hạn đỡ người bị ngã dậy, nhặt giúp họ đồ khi ta vô ý đánh rơi…) thì chắc bao nhiêu bực tức trong đầu người kia sẽ được giải toả và hoà khí sẽ thay thế cho “mồi lửa chiến tranh” .
Đặc biệt trong giới trẻ hiện nay, càng cần những lời xin lỗi đúng chỗ, vì vừa tỏ ra là người văn minh thanh lịch, vừa tự biết mình có lỗi để rút kinh nghiệm lần sau không tái phạm nữa. Có như vậy mới mau tiến bộ.
Khi nhận được sự giúp đỡ của người khác (dù việc nhỏ nhặt nhất, là cấp dưới đối với cấp trên, hay trẻ em đối với người lớn…) thì cũng nên biết nói lời cảm ơn. Những lời đó không nên bị coi là sáo, là khách khí mà là sự thể hiện tấm lòng, tình cảm… giữa những con người với nhau. Tôi tin chỉ cần nói lời “cảm ơn” mà đâu cần tới có “vật chất” kèm theo, ít nhiều ta cũng được đánh giá ta là biết điều và càng không phải là kẻ vô ơn.
Với trẻ em, cần nhớ rằng: Khi người lớn thanh lịch văn minh thì trẻ em sẽ văn minh thanh lịch. Nếu người lớn là những tấm gương… mờ, thì chắc là trẻ em không thể ngoan được. Mà bây giờ, ai dám khẳng định 100% người lớn đều không “hư” nhỉ? Có văng tục cãi lộn nhau không - có. Có chen lấn nhau không – có. Có bạo lực với nhau không - có…
Nguyễn Thị Diệp