Đốt vàng mã: Chuyện nói rồi lại để đó

(Dân trí) - Những nét đẹp truyền truyền thống tự thân đã có sức sống lâu bền, nhưng cái gì thái quá cũng mất đi ý nghĩa thực sự. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, sự lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, tệ nạn núp bóng lễ hội…lại được xới xáo lên để rồi… vẫn thế.

Đốt đồ mã gây lãng phí lớn (minh họa: PLVN)
Đốt đồ mã gây lãng phí lớn (minh họa: PLVN)

 

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…

Tết ông Công ông Táo có thể coi là màn dạo đầu cho thời kỳ Tết với đủ các sắc màu cuộc sống. Đó có thể là những gam màu sáng sủa với những ai thích Tết - có lẽ chủ yếu là lứa tuổi từ bé đi nhà trẻ tới teen teen và lớp thanh niên vô lo vô nghĩ, cứ được nghỉ, được đi chơi, được lì xì… là “vui nhất quả Đất”. Hoặc những bậc cao niên mong ngày tư ngày Tết muốn có dịp con cháu sum vầy, cùng thực hiện  những nghi thức truyền thống như cúng bái, lễ lạt, nấu bánh chưng, làm cỗ. Ấm lòng nhất là quây quần 2, 3, 4 thế hệ cùng chuyện trò, hàn huyên, chúc thọ ông bà, mừng tuổi con cháu…

 

Những nét đẹp văn hóa nếu vẫn đậm chất dân gian, lấy tấm lòng và những nghi thức giản đơn nhưng rất ý nghĩa làm trọng thì đã chẳng có gì phải nói. Song cùng với đà phát triển của xã hội, mức sống của người dân nói chung cũng được nâng cao hơn, thì tâm lý sính hình thức (hay nói cách khác là "phú quý sinh lễ nghĩa") cũng dần dà bị đẩy lên tới những mức rõ ra là thái quá, dẫn tới những tranh luận trái rất chiều nhau.

 

Vẫn biết tín ngưỡng tự do, hơn nữa dân ta thường quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng trước những cảnh phản cảm cứ lặp đi  lặp lại, năm sau có khi còn tệ hơn năm trước, thì những người xem ra khá chừng mực cũng chẳng thể “mũ ni che tai” được mãi bởi hậu quả do môi trường thiên nhiên và văn hóa bị hủy hoại đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa chính con người chúng ta.

 

“Theo tôi nghĩ, đây chỉ là lối suy nghĩ và mức độ duy tâm của mỗi gia đình, không phải hiện tượng tràn lan. Việc các gia đình chuẩn bị kỹ càng trong Tết ông Công ông Táo cũng không có gì lạ. Việc nên tránh duy nhất trong vấn đề này là đổ tro, rác thải ở sông, hồ gây ô nhiễm. Theo tôi nghĩ, các cơ quan chức năng có thể đưa ra một vài quy định và thực thi thật nghiêm túc để tránh những hệ lụy như thế này. Còn nếu nhà nước vào cuộc ngăn cản người dân sắm vàng mã đốt dịp lễ Tết thì e là sẽ vấp phải phản ứng, vì cần tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân…” - Linh:  gakuen_alice_95@yahoo.com.vn

 

“Nếu ngày Táo quân là nét đẹp văn hóa của nhân dân, thì mọi người chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa của nét đẹp văn hóa này. Nhưng nhìn những hình ảnh (xả rác bừa bãi, ném tro hóa vàng, thả cá từ độ cao hàng chục mét xuống sông…) trên đây chỉ cho thấy sự kém văn hóa, thiếu ý thức của người dân. Không biết những người đi thả cá có đọc và tìm hiểu thông tin để biết rõ về ngày Táo quân không? Hay họ chỉ biết đại khái phong tục và cứ mang tro hóa vàng ra sông hồ vứt, xả...? Hiện trạng này diễn ra nhiều năm nay rồi, bao giờ người dân Việt mới thôi không hủy hoại môi trường nữa đây???” - Nguyễn Văn Giáp: nguyengiapkgb@gmail.com

 

“Nét đẹp văn hóa của người Việt từ ngàn xưa để lại, đó là vào ngày ông Công ông Táo về trời,  người ta đi thả cá phóng sinh - một việc làm rất có ý nghĩa. Nhưng bên cạnh đó 1 số người kém ý thức lại đánh bắt cá ngay dưới chân cầu bằng kích điện? Không biết các cơ quan bảo vệ môi trường có biện pháp nào hay không, mà cứ để những cảnh đó diễn ra ngày càng công khai?” – Mr. Hoang: mrthovq@gmail.com

 

“Cần có biện pháp ngăn chặn chứ năm nào cũng như năm nào, nhiều người dân cứ đem tro bụi và rác thả xuống sông như thế này thì ô nhiễm nặng dòng sông và môi trường. Thả cá thì được, chứ thả rác thì quả là…???” - Trần Nam Dân:  langtuxanhavodanh@yahoo.com

 

“Nét thanh lịch của người Tràng An đây sao??? Thế mà lúc nào cũng tự hào là người Thủ đô văn minh (!) Các vị chức năng đâu cả rồi? Sao không vào cuộc quyết liệt để xóa bỏ tình trạng thiếu ý thức trầm trọng này?” - Ha Giang: ninhphonui@gmail.com

 

Ta cũng tự hành nhau là chính

 

Chúng tôi cũng không tin rằng tất cả những người thực hiện các nghi thức lẽ ra rất đẹp, nhưng lại bị làm méo mó khiến mất ý nghĩa đích thực đó đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, sung sướng...  Chưa nói tới những người phải lo xử lý hậu quả. Nếu hiểu rõ và hiểu đúng, không ai lại muốn làm theo cách bức tử môi trường sống như vậy, dù có viện lý do phải kiếm sống, kích cầu sản xuất và tiêu dùng...

 

“Hôm ông Công ông Táo, mình đi qua đường ven hồ Tây còn được tận mắt chứng kiến cảnh 2 mẹ con nhà kia: con đứng cầm vợt để vợt cá vừa được thả rồi chạy mang lại cho mẹ ở phía ngoài để bán. Thôi thì 2 mẹ con ấy vì mưu sinh, năm có 1 lần không nói làm gì. Nhưng tệ hại hơn là mọi người thả cá, thả luôn cả đống tro đen sì cùng với bao nhiêu túi ni lông, bàn thờ cũ, chân hương....đầy mặt hồ. Khiếp quá!!!! Các cụ nhà ta cứ quan niệm là không được vứt chân hương, tro bát hương... ra thùng rác, mà thả xuống nước cho mát mẻ. Nhưng chắc chẳng mấy ai biết được sau khi mình thả xuống nước xong chưa về kịp đến nhà,  thì công nhân vệ sinh đã vớt hết những thứ ấy lên khỏi mặt hồ và … chất vào thùng rác rồi. Thế thì đằng nào chả là bỏ vào thùng rác, làm sao lại cứ phải hành nhau thế nhỉ??? “Tạo điều kiện” cho nhau có thêm việc để làm ư???”  - Bich Nhu:  bich.12a8@yahoo.com.vn

 

“Chiều nay tôi đã được tận mắt chứng kiến cảnh này: nhìn xuống dòng sông toàn là túi bóng, bao tải to nhỏ (có thể đó là những bao tải khi đã hóa thành tro tiền, mũ cho ông Táo)  do nhân dân xung quanh hai bờ sông và cùng lân cận đem ra đổ… Đến tận 8h tối đi qua vẫn còn thấy rất nhiều xe mang cá ra đổ, không chỉ đổ cá mà cả túi bóng người dân cũng đem vứt đầy cả trên cầu và dưới sông... Thủ đô Hà Nội mà người dân chưa làm gương được về bảo vệ môi trường, thì tình trạng ô nhiễm nói chung và ô nhiễm nguồn nước thải, nước sông nói riêng xem ra vẫn ngày càng trầm trọng!” - Van:  vanqhqt.vn@gmail.com

 

“Tôi còn nhớ ngày xưa bố mẹ tôi có bảo con cái phải đổ tro sau khi hóa vàng xuống nước đâu? Nhưng từ khi lớn lên cho tới lúc này một vợ hai con, sao năm nào tôi cũng thấy báo đăng những cảnh đó? Đây là sản phẩm của trình độ dân trí chưa cao đây mà. Nhưng vợ tôi bắt buộc làm vậy, chồng thì chỉ thấy… khổ dã man!!!” – AC/DC:  cuongtnt1977@gmail.com

 

“Hôm nay mình đi tình nguyện vớt rác ở sông, nhưng càng vớt rác càng nhiều. Sợ cái ngày này quá đi mất!!!” - Hà Quang Vinh:  hoanghonbanggia_ls@yahoo.com

 

“Cá vàng mà bị đánh bằng điện thế này thì ông Táo về trời bằng… xe buýt rồi :@@ . Các chú đánh cá dưới sông kia cứ bảo sao cả đời không giàu được... Nhưng thôi, có lẽ đành cứ để các chú ấy kiếm cái Tết nhờ vào ngày 23 vậy?” - Nguyễn Mạnh Hùng:  thach_ai_lay_dc_trai_tim_anh_90@yahoo.com

 

“Có lẽ chính quyền nên mở rộng các hình thức tuyên truyền hoặc có hình thức hạn chế đốt vàng mã, vì vừa lãng phí lại nhiều khi khiến con người ta cứ nuôi ảo vọng…Nhà tôi hôm rồi đi tạ mộ bà nội, mọi người ai cũng mua tiền vàng, đôla mã…Tôi tính sơ sơ nếu quy ra tiền thật chắc 1 lần đốt vậy nếu bà tôi nhận được chắc phải…giàu nhất thế giới. Chẳng biết có được điều gì tốt lành không, nhưng hậu quả với môi trường sống, với kinh tế của mỗi gia đình cũng như xã hội… thì đã thấy rõ” – Tam Nguyen:  tamhoasy@yahoo.com

 

“Tôi thấy ý thức của những người dân Thủ đô này quá kém, lẽ nào họ không biết chúng ta đang tự hủy diệt môi trường sống quanh ta? Đừng chỉ đổ lỗi cho các cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm, vì nếu nhiều người dân vẫn kém ý thức với môi trường như thế thì nhà quản lý nào làm cho hết việc được? Sao có thể chạy theo giải quyết hậu quả nổi?...” - Nguyen Tour:  vanlongtravel@gmail.com
 
(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Hãy sống văn minh! 

Tục đốt vàng mã không phải của người Việt:
Tục đốt vàng mã là của người Trung Hoa, bắt đầu từ thời nhà Hán. Thực hiện lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vua sau khi băng hà yêu cầu phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để Vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước Vua và rồi dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Đạo tặc biết vậy nên đào trộm mồ những người giàu có, như mộ Vua Hán Văn Đế bị kẻ trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra cách dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục (theo PLVN).
 

Lời kêu gọi thiết thực đó được nick Người yêu nước patricktristan38@yahoo.com nêu cụ thể hơn: “… Nên tiến tới không đốt vàng mã nữa, vì như vậy sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Hãy từ bỏ những thói quen không đẹp mà lại là du nhập từ nước ngoài…”

 

Luân vatjsc@gmail.com nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, cách tốt nhất là đừng mua cá nữa, đốt cá giấy là được rồi, mà cấm đốt luôn vàng mã nữa thì càng hay! Sống đến nay 40 năm rồi chưa đốt lấy 1 tí vàng mã nào mà vẫn thấy may mắn, khỏe mạnh, gia đình yên ấm, con cái ngoan ngoãn. Phật tại tâm, sống sao đúng với lương tâm và pháp luật, sống luôn phấn đấu, luôn vui vẻ là sẽ có mọi thứ. Cầu nhiều mà làm gì đâu… Điều duy nhất mọi người khi thắp hương tưởng nhớ đến những người đã khuất là hãy mong cho họ được bình an và yên tâm về mình là đủ”.

 

Thanh Lê sweethome99vn@yahoo.com cảnh báo: 

 

“Thật là tệ hại khi một số người thiếu ý thức xả cả tro, rác xuống dòng sông hiền hòa đang lững lờ trôi…. Chính quyền TP Hà Nội cần tăng cường vận động, tuyên truyền sao cho hiệu quả hơn để người dân chấm dứt làm ô nhiễm con sông Hồng, có thể bằng cách lập các chốt chặn ở đầu cầu và xử phạt nặng hành vi này. Chỉ có làm như vậy thì mới mong có được con sông gọi là sông, chứ không thì có lẽ chỉ ít năm nữa phải đổi tên nó thành…’cống Hồng’ thì nguy to!”

 

Nick Bác Bần sonngahuy@yahoo.com “gióng” tiếp “hồi chuông”:

 

“Chả biết đốt nhiều vàng mã  được gì, nhưng tận mắt thấy hậu quả thật kinh khủng! Chưa kể thi nhau bỏ tiền thật mua tiền âm phủ và đồ hàng mã ‘khủng’. Vừa lãng phí lại ô nhiễm môi trường. Có tiền sính lễ nghĩa cũng nên nghĩ lại, nhiều nhà còn khó cũng phải cố mà đốt… Khổ thật!!!”

 

Khánh Tùng