Đội vốn và “thành phố ma” ở dự án sân bay Long Thành

Đó là sự băn khoăn lo lắng của một số ĐB Quốc hội liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Nỗi lo ngại này là hoàn toàn chính đáng.


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lo ngại: Quá nhiều dự án lớn không phải là “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu chuột đuôi voi”

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lo ngại: Quá nhiều dự án lớn không phải là “đầu voi đuôi chuột” mà là “đầu chuột đuôi voi”

Triển khai xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là vấn đề không còn phải bàn cãi. Vấn đề là làm sao tốt nhất, nhanh nhất và đặc biệt không được đội vốn.

Việc đội vốn, kéo dài thời gian thực hiện không có gì lạ lẫm với nhiều dự án ở Việt Nam. Nhưng, dư luận vẫn thực sự sốc khi Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sốc bởi, dù đây mới chỉ là một dự án Giải phóng mặt bằng (GPMB), mọi việc đều rất rõ ràng nhưng vì sao cứ đội vốn liên tục sau mỗi lần báo cáo. Mà, sau hai lần đội vốn, tổng số vốn đã tăng gần gấp đôi. Cụ thể, ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo hơn 13.000 tỉ đồng, sau đó hơn 18.000 tỉ và hiện nay là hơn 23.000 tỉ đồng - đây cũng chỉ là con số ước tính tại tháng 7.2017.

Về vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc cảnh báo: Cần giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, bởi thực tế đã có quá nhiều dự án khi đưa ra rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra ghê gớm, tạo nợ công rất lớn.

Nhìn lại ba dự án Đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, chúng ta sẽ thấy tình trạng đội vốn khủng khiếp thế nào. Tại Hà Nội và TP.HCM, hình ảnh các tuyến đường sắt đô thị hay còn gọi là những tuyến metro không còn mấy xa lạ với người dân. Đây được kỳ vọng là một giải pháp giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc cho hai thành phố này.

Nhưng việc thực hiện thì sao? Tất cả đều chậm tiến độ và đội vốn. Nếu ở Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 50% và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã 2 lần tăng giá, thì tại TP.HCM, tuyến metro số 1 từ Bến Thành đi Suối Tiên, tổng mức đầu tư đã tăng hơn 3 lần. Hiện cả ba dự án này vẫn đang thiếu vốn khi triển khai thực hiện và có nguy cơ tiếp tục chậm thời hạn đi vào sử dụng dù đã liên tiếp… lùi thời gian đi vào vận hành.

Điều đó cho thấy công tác dự toán của chúng ta có vấn đề. Quan trọng là, đó là vấn đề gì: Do trình độ hay do nguyên nhân khác? Câu hỏi đặt ra bởi, sao tổng mức đầu tư có thể đội lên đến 2- 3 lần. Chẳng nhẽ trình độ tính toán của cán bộ kém đến vậy?

Quay trở lại tổng dự toán của dự án GPMB sân bay Long Thành. Nếu các dự án đường sắt đô thị còn có thể biện minh là nó quá mới, còn với dự án này, thuần túy là GPMB, tái định cư thì ngược lại, mọi thứ đều quá quen thuộc và cụ thể. Vậy mà, báo cáo vốn vẫn có thể đội lên gần hai lần. Không thể hiểu nổi.

Điều đáng nói là, với số vốn 23.000 tỉ đồng đã làm nhức óc ngành tài chính và các ĐB Quốc hội. Nếu chỉ dao động quanh mức 10 % như dự phòng thì việc thu xếp vốn dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện được. Còn nếu ngược lại, tổng vốn đầu tư lại tiếp tục tăng cao thì khác, khả năng kéo dài thời gian thực hiện dự án là điều dễ xảy ra và nợ công lại tiếp tục tăng.

Chúng ta nên nhớ, đây mới chỉ là dự án GPMB cho Sân bay quốc tế Long Thành. Sau đó, là cả một dự án khổng lồ, ngốn còn không ít ngân sách.

Mặt khác, theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai, có khoảng 50,9 ha tại xã Bình An để làm nghĩa trang. Trong đó, 20 ha phục vụ nghĩa trang nhân dân, còn lại để Cty TNHH Hoa Viên Bình kinh doanh. Về quy hoạch này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhắc lại bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội: Chưa đến 2 ha nhưng đã và đang là vật cản rất lớn trong thu hút đầu tư xuống phía nam Hà Nội. Ông Cường lo ngại, với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt là xã Bình An: “Nếu quy hoạch và tầm nhìn dự án như vậy, Long Thành rất khó trở thành TP sân bay mà rất có thể sẽ thành TP nghĩa trang” – một cảnh báo hữu ích và rất đáng quan tâm.

Vương Hà