Đôi lời trao đổi về bệnh nghề nghiệp của giáo viên!

(Dân trí) - Là một giáo viên với 34 năm công tác, 53 tuổi đời. Ở cái tuổi “trẻ đã qua, già chưa tới”, tôi cũng đã “trải nghiệm”, “nếm mùi” một số bệnh nghề nghiệp của giáo viên hay mắc, xin có mấy lời trao đổi.

Một số bệnh thường gặp của giáo viên

Trước đây, hồi còn học phổ thông, tôi vẫn thắc mắc tại sao các thầy cô giáo của tôi rất mẫu mực, đạo mạo nhưng không ai béo tốt như những người làm ngành khác. Khi bước chân vào trường sư phạm, tôi cũng rất “mù mờ” thông tin về các bệnh nhà giáo hay mắc phải. Chỉ thấy các thầy cô giáo thỉnh thoảng lên lớp trong tình trạng viêm họng, khản tiếng (nhất là khi thay đổi thời tiết), nhưng cũng không thầy cô nào nói cho chúng tôi biết về những bệnh nghề nghiệp của ngành sư phạm và cách phòng tránh.

Sau này, khi ra trường đi dạy, tôi mới được “nếm mùi” của bệnh viêm họng. Những tiết dạy đầu tiên, bằng sự nhiệt huyết của mình, tôi đã truyền đạt đến học sinh rất say sưa trong 4 tiết dạy của buổi đầu tiên và cảm thấy hài lòng. Nhưng tối về, cổ họng bắt đầu đau rát, và sáng hôm sau tôi không thể nói rõ thành tiếng. Mẹ tôi bảo tôi bị “mất tiếng”, phải súc miệng nước muối vào sáng sớm và trước khi đi ngủ, đồng thời thường xuyên ngậm chanh muối.

 Đi dạy được khoảng 5-7 năm, tôi thấy mình hay bị ho. Bác sĩ bảo tôi bị ảnh hưởng bởi bụi phấn. Trao đổi với các đồng nghiệp lớn tuổi, họ bảo không chỉ ho do bụi phấn, mà sẽ còn mắc nhiều bệnh khác nữa như giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh bẹt bàn chân do đứng nhiều. Họ còn nói sau này sẽ bị đau cổ và mỏi vai gáy do ngồi chấm bài, soạn bài lâu. Nhà giáo mắt cũng nhanh bị mờ hơn do hay phải đọc sách, viết giáo án. Nhiều năm đứng lớp, tôi nghiệm lại thấy những điều đó rất đúng.

Nhưng gần đây, có một cô bạn là giáo viên mầm non thổ lộ thêm: ngoài các bệnh đó, giáo viên mầm non còn hay bị nguy cơ lây bệnh hô hấp từ trẻ nhỏ. Mỗi khi dịch cúm bùng phát, các cô giáo mầm non là người mắc đầu tiên. Rồi bệnh đau mắt đỏ, bệnh chân tay miêng… cũng dễ lây từ trẻ nhỏ.

Tôi thì thấy ngoài các bệnh trên, giáo viên phổ thông còn chịu nhiều áp lực của công việc, của nỗi lo cơm áo gạo tiền (mà vẫn phải giữ gìn, không thể làm thêm những công việc nặng nhọc, “bô nhếch” như các ngành khác. Bởi không thể để học sinh thấy thầy giáo chạy xe ôm, hay đi bán hàng rong, hoặc làm phục vụ bưng bê cho cửa hàng ăn uống…). Giáo viên vẫn phải “đẹp” từ nhân cách đến tâm hồn trong mắt học trò và phụ huynh, giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, đường ăn ý ở không được buông thả…vừa phải lo cuộc sống thường nhật, vẫn phải bảo chuyên môn. Bao nhiêu tình huống “dở khóc dở cười” xảy ra bên lũ học trò tinh nghịch, giáo viên vừa là bạn, là người mẹ, người thầy.

Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin, bất cứ cái gì cũng có thể đưa lên mạng… Mà để kiểm chứng xong, “minh oan” rõ ràng thì đã lan truyền chóng mặt những thông tin thất thiệt, khiến nhiều thầy cô rơi vào tình trạng “sửa được vạ, thì má sưng”… Thế nên mắc chứng Streess là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp nào?

Để giảm thiểu những bệnh nghề nghiệp hay mắc ở giáo viên đòi hỏi sự quan tâm của nhiều cấp ngành.

Giọng nói là công cụ chính để giáo viên truyền đạt kiến thức đến học trò và rất cần được giữ gìn. Để bảo vệ giọng nói, các nhà quản lý nên đưa phần “giữ giọng nói, bảo vệ thanh quản” vào nghiệp vụ trong trường sư phạm. Qua đó có thể giúp những thầy cô giáo tương lai có những biện pháp, một số “mẹo”, bài thuốc dân gian hay để giữ gìn giọng nói.

Ngoài ra cũng nên tổ chức cho giáo viên khám sức khỏe định kỳ, và tư vấn hợp lý cho giáo viên cách khắc phục bệnh về mắt, bệnh bẹt bàn chân hay giãn tĩnh mạch chi dưới... Để giữ gìn thanh quản, ban giám hiệu các nhà trường cũng nên sắp xếp giờ dạy của giáo viên sao cho mỗi buổi không quá 3 tiết, xen kẽ để được nghỉ ngơi, đảm bảo cho thanh quản phục hồi.

Giáo viên là những người lao động trong môi trường độc hại khó có thể nhìn thấy, bởi bụi phấn vốn rất độc cho hệ hô hấp, do vậy họ có được tiền phần trăm đứng lớp (cấp Tiểu học là 35%, THCS và THPT là 30%). Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về  chế độ chính sách. Nhưng với cơ số giờ như hiện nay (Cấp THCS và THPT là 19 tiết/ tuần, Tiểu học là 20 tiết tương đương 5 buổi lên lớp/tuần) là cao, giáo viên không được nghỉ ngơi giữa các tiết học khiến thanh quản làm việc liên tục, số thời gian đứng lớp lâu (khoảng 4 tiếng/ buổi) sẽ ảnh hưởng nhiều đến tĩnh mạch chi dưới. Mong các cấp các ngành nghiên cứu về chế độ làm việc cũng như chính sách đãi ngộ đặc biệt với nhà giáo trực tiếp đứng lớp.

 Bệnh nghề nghiệp nói chung và bệnh của nhà giáo nói riêng đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Thiết nghĩ, để giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho nhà giáo, không phải chỉ có ở các cuộc hội thảo mà cần sự chung tay góp sức của tất cả chúng ta, đặc biệt là các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp. Mỗi chúng ta cần ý thức được việc bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, học hỏi nhau để hạn chế mức thấp nhất sự ảnh hưởng của các bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong môi trường sư phạm.

Diễm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm