Doanh nghiệp “sống khỏe” vì không có rào cản, không “chi phí gầm bàn”!

28.582 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2016. Đây là con số cấp báo, nếu không có chiến lược “tiếp sức” cho doanh nghiệp, Việt Nam khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Doanh nghiệp “sống khỏe” vì không có rào cản, không “chi phí gầm bàn”! - 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: dantri.com.vn)

Theo số liệu thống kê vừa công bố, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349.500 tỷ đồng, tăng 24,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%.

Cũng theo số liệu thống kê, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2016 là 28.582 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 10.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 17.788 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Dù số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, nhưng nó vẫn phản ánh sự không bình thường. Vì sao 28.582 doanh nghiệp sống “thoi thóp” khi kinh tế vĩ mô ổn định, đó là vấn đề cần “mổ xẻ”.

Sự không bình thường không chỉ xảy ra hôm nay, bởi năm 2015 cả nước có hơn 71.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động (15.649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký).

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, đa phần là doanh nghiệp ngoài nhà nước, thuộc loại nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia thị trường, trở ngại lớn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đất đai, tài nguyên, năng lực cạnh tranh cả trong nước lẫn quốc tế. Khi lệ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm xuống đến mức không có khả năng trụ vững.

Không chỉ “gồng mình” với chi phí chính thức (chiếm khoảng 40,8% tổng số lợi nhuận), doanh nghiệp còn phải chịu cả “chi phí gầm bàn” (chi phí không chính thức). Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp thỉnh thoảng gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước là 43%, thường xuyên là 5%. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 0,72-1,02 lần lợi nhuận. Nghĩa là doanh nghiệp làm ra 1 đồng thì họ phải chi ít nhất 0,72 đồng cho “bôi trơn”, thậm chí phải chịu phí “lót tay” vượt quá lợi nhuận đến 0,2 đồng.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp còn gặp không ít trở ngại từ chính sách chưa minh bạch, chưa nhất quán, giữa các Bộ, ngành với nhau, giữa các địa phương và giữa các cơ quan trên địa bàn địa phương.

Khó khăn, thách thức của doanh nghiệp dường như đã được cơ quan quản lý nhìn thấu, vấn đề còn lại là “tiếp sức” cho doanh nghiệp bằng cách nào?

Và hàng loạt giải pháp vừa được Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 như: Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai; đơn giản hóa thủ tục vay vốn; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự; v.v.

Các giải pháp “tiếp sức” cho doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài đã được Chính phủ cụ thể hóa và giao trách nhiệm đến từng địa chỉ cụ thể.

Chính sách đúng và trúng là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ lại phụ thuộc vào sự tận tâm, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức. Hy vọng, với chủ trương nhất quán lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không phải là việc quá khó!./.

Đăng Dương

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm