Doanh nghiệp nghĩ và nghĩ về doanh nghiệp
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 diễn ra ngày 17/5 vừa qua, trước các ý kiến chân tình, thẳng thắn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, nhiều doanh nhân giãi bày những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà họ vướng phải bấy lâu.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Mở đầu khai mạc thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cách đây hơn một năm, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TP.HCM và nhấn mạnh: “Hội nghị đó không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cả chính phủ, chính quyền địa phương trong bối cảnh mọi thứ còn mới mẻ.” Còn gì thẳng thắn và cảm động hơn sự chân tình của người đứng đầu chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, đó chỉ là những bước đầu tiên còn khiêm tốn, bởi hiện vẫn còn nhiều rào cản, ngăn trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ này để cùng bàn với nhau chương trình hành động một cách thẳng thắn nhất.
Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đề cập không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp bị quá tải vì kiểm tra. Có doanh nghiệp ở Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần, hay doanh nghiệp ở địa phương khác một năm bị kiểm tra tới 12 lần.
Có lẽ, trước các ý kiến chân tình, thẳng thắn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, nhiều doanh nhân mạnh dạn giãi bày những bức xúc bấy lâu.
Thừa 50% cán bộ, công chức?
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – phát biểu: “Tôi mừng khi Thủ tướng có món quà cho cộng đồng doanh nghiệp năm nay là tránh, và không được thanh tra, kiểm tra chéo. Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện một phần do có tình trạng trên bảo dưới không nghe.” Dù rằng, “không được thanh tra, kiểm tra chéo” là thông điệp được nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều lần, nhưng do “trên bảo dưới không nghe” khiến đến bây giờ vẫn là bức xúc của DN. Đặc biệt, ông Lộc cũng bày tỏ: “DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa.”; “Một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách...” Đó là nỗi lo rất thực, bởi không ít chính sách bị chi phối bởi nhóm lợi ích.
Theo điều tra của VCCI trong nhiều năm cũng cho thấy xu hướng nghịch lý là cứ DN quy mô càng lớn, càng phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra nhiều. Cái này là phi kinh tế. Bởi vì với DN có quy mô càng lớn, làm ăn càng bài bản, thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra đáng lẽ phải giảm. Khảo sát của VCCI cho biết, còn khoảng 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Nhưng, không chỉ DN, mà dư luận rất bức xúc, bởi dù kiểm tra nhiều, chồng chéo như vậy nhưng nhiều sai phạm lớn, cực lớn vẫn lọt lưới dù thanh tra, kiểm toán vào liên tục. Vậy, thực sự hiệu quả thanh, kiểm tra đến đâu vẫn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Còn với DN, họ giãi bày cụ thể hơn những bức xúc lâu nay và phản ánh để Thủ tướng thấy được rõ hơn những gì mà cấp dưới của mình đã, đang triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Hữu Đệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hội bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu: "Theo tôi nhận định thì hiện nay phải thừa khoảng 50% cán bộ, công chức. Họ đi chơi quá nhiều, họ ngồi bói chữ nhiều hơn là làm. Tránh mua quan bán chức thì chúng ta mới chọn người tài có năng lực như tinh thần Thủ tướng đã nêu." Và những tràng vỗ tay không ngớt vang lên trong khán phòng khoảng 2.000 khách tham dự trước những ý kiến tâm đắc.
Ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch doanh nghiệp vừa và nhỏ VN đã thẳng thắn nêu lên tình trạng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng những chi phí chính thức và cả không chính thức. Ông Thân nhấn mạnh, chi phí không chính thức chủ yếu rơi vào các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai, thuế, hải quan… Không chỉ vậy, theo VCCI, Trong đó, chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu của VN gấp 4 lần so với Singapore và 3 lần so với Philippines. Một ví dụ không thể không bức xúc là chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội hay ở chiều ngược lại đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc hay Hàn Quốc về VN.
Từ những con số này đã cho thấy một số thực trạng bất cập trong đời sống kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, một trong những lo ngại rất chính đáng của nhiều DN là, vẫn còn hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch công ty cổ phần BRG nhấn mạnh, “chúng tôi mong muốn phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, khi thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng gần 40% GDP”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra. Tuy nhiên, các doanh nhân mong muốn rằng, nó phải được triển khai trong thực tế, bởi họ rất lo ngai tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
Vương Hà