Doanh nghiệp còn “thờ ơ” với việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ
Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến hoặc vẫn còn "thờ ơ" với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các tài sản trí tuệ của mình.
Theo ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Như vậy có thể thấy, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo là rõ ràng. Chỉ một vài thập kỷ trước, phần lớn tài sản của các doanh nghiệp của Mỹ là hữu hình. Các tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ chiếm gần 20% tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình và hữu hình của doanh nghiệp về cơ bản đã bị đảo ngược; giá trị thị trường của S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty giao dịch) là gần 80% tài sản vô hình và đến năm 2015 con số này là 87%.
Tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực trạng chung đó là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Đôi khi điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường không nắm được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo tiến sỹ Trần Lê Hồng, Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của start-up. Tuy nhiên, lại có một số nhóm khởi nghiệp xác định không đúng thời điểm để xác lập quyền sở hữu trí tuệ; không làm rõ về sản phẩm, dịch vụ của mình trong chuỗi giá trị liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ; không chú trọng tới việc đăng ký nhãn hiệu ngay từ đầu để phát triển thương hiệu…
Tiến sỹ Trần Lê Hồng cho rằng, để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo định hình và giải quyết các vấn đề về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ nên được bắt đầu từ các trường đại học. Hiện việc giảng dạy lĩnh vực này đã được quan tâm, bắt đầu hình thành môn học đổi mới sáng tạo hoặc sở hữu trí tuệ.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ có một số ít trường Đại học có quan tâm về sở hữu trí tuệ đã đưa một số môn về sở hữu trí tuệ, một số chủ đề về sở hữu trí tuệ vào quá trình đào tạo. Nhưng để nhận thức rõ ràng, chính xác và hiểu sâu về quyền sở hữu trí tuệ, có thể khai thác và ứng dụng được những quyền đó, xa hơn nữa là có ý thức sáng tạo ra các tài sản trí tuệ và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác lại chưa được đầu tư đúng mức.
Khởi nghiệp sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn trẻ chú trọng đến sở hữu trí tuệ vì đây là công cụ rất tích cực trong việc tạo ra giải pháp mới, áp dụng những ý tưởng chưa có ở Việt Nam... Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý thực hiện một số dự án liên quan tới đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, trong đó có dự án nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Các dự án này thực hiện thành công thì vấn đề nhân lực sở hữu trí tuệ sẽ đáp ứng được nhu cầu từ thực tế.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy – Hiệu phó Trường Đại học Ngoại thương cho biết, sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp được nghiên cứu và giảng dạy như là hai lĩnh vực độc lập tại Đại học Ngoại thương tương đối sớm. Các hoạt động triển khai dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau (hội thảo, nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, hợp tác doanh nghiệp, gameshow…) nhưng được biết đến rộng rãi vẫn chủ yếu là gameshow của sinh viên. Các hoạt động gắn kết hai lĩnh vực này đã triển khai từ phía đội ngũ giảng dạy sở hữu trí tuệ của trường nhưng còn đơn lẻ và chưa được cộng đồng khởi nghiệp đón nhận do quá mới, câu chuyện cấp thiết của startup vẫn là làm thế nào có được sản phẩm tốt chứ chưa nghĩ đến thương hiệu hay sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các hoạt động sở hữu trí tuệ tại trường vẫn kiên trì gắn với đổi mới sáng tạo và thương hiệu.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy cũng cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn đối trong hoạt động sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp đó là nhân sự mỏng, nhận thức của các trường, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp chưa cao… Bởi vậy, muốn phát triển lĩnh vực này tại các trường đại học, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể đưa nội dung sở hữu trí tuệ đến với các trường đại học, xây dựng lực lượng giảng viên nguồn về sở hữu trí tuệ./.
Theo Bích Liên
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam