Đoạn trường ô tô trước đề xuất “cấm 5x5”
(Dân trí) - Số phận chiếc ô tô sẽ ra sao trước giải pháp cấm ô tô cá nhân 5 giờ/ngày và 5 ngày/tuần (5x5) của cựu phi công quân sự Mai Trọng Tuấn? Dư luận lại rộ lên dù đề xuất này còn đang được Chính phủ giao Hà Nội và TP.HCM nghiên cứu.
Tình hình có vẻ cũng tương tự như với đề xuất về “đường bay vàng” trước đây, cũng ngay khi thông tin vừa được đăng tải trên báo chí, lập tức vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối thậm chí cả bằng những lời lẽ khá gay gắt. Trái lại, cũng có không ít người ủng hộ hoặc đưa ra những nhận xét dung hòa cả hai bên như kiểu "hai trong một"…
Làm hơn nói
Phía ủng hộ một mặt nêu rõ cần mạnh dạn xem xét những đề xuất mới, kể cả các biện pháp tình thế. Rồi trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn sẽ rút ra được những bài học cần thiết, tiến tới đúc kết thành giải pháp lâu dài.
“Giải pháp nào mà chẳng có điều bất hợp lý, vấn đề là bất hợp lý đến đâu, còn giải pháp nào ưu việt hơn hay không?” - Nguyễn Thanh Trúc: truc.nthp@yahoo.com
“Khi có bất kỳ một thay đổi nào cũng đều có những ý kiến trái chiều nhau. nhưng thay vì ngồi một chỗ kêu than thì chúng ta hãy nghĩ hãy ra cần làm 1 cái gì đó đí. Tôi thấy 5x5 cũng là 1 giải pháp tình thế, nếu thấy khả thi hơn các biện pháp khác thì cứ cho tiến hành thôi. Sau khi mở rộng đường thông hè thoáng, di dời bớt công sở, trường học, bệnh viện ra ngoại thành, tuyên truyền phổ biến sâu rộng về ý thức tham gia giao thông, ta lại cho xe bon bon mà. Có cấm hẳn đâu mà lo!” - DC: cuonghaimy@gmail.com
“Tôi ủng hộ phương án 5x5. Theo tôi, cứ nên cho áp dụng thử thời gian 3 tháng nếu hiệu quả tốt thì tiếp tục duy trì. Tôi thấy đối với những người có ôtô cũng không ảnh hưởng nhiều vì chỉ cấm 5 ngày trong tuần, và mỗi ngày chỉ cấm 5 giờ. Còn ngoài giờ đó ra, việc sử dụng ôtô vẫn bình thường. Những người đi công tác ngoài thành phố cũng không chịu ảnh hưởng gì. Các vị trên phản biện chắc theo bản năng thôi, chứ lý lẽ tôi thấy chưa thuyết phục” - Trần Công Mạnh: manhtc@narime.gov.vn
“Khi người dân không tự giác chấp hành luật và quy định thì CẤM là ĐÚNG! Sẽ ĐÚNG hơn nữa nếu áp dụng chế tài thật NGHIÊM. Tôi thấy giải pháp 5x5 cực kỳ hợp lý. Bản chất là giãn mật độ lưu thông giờ cao điểm, trực tiếp tăng diện tích mặt đường lưu thông. Số người được hưởng lợi từ quy chế này cao hơn rất nhiều số người "cảm thấy" bất lợi” - Hồng Thành: ooo_nice_dragon_ooo@yahoo.com
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, chủ trương này rất đúng, vì cấm những giờ cao điểm, còn ngoài thời gian đó có thể đi thoải mái. Đúng là tôi cũng thấy rất khó thực hiện nhưng không thể không làm được, vấn là nếu mọi người đều biết hy sinh vì cái chung. Như nhiều người nói, nâng cao dân trí là quan trọng, nhưng cái yếu nhất của Việt Nam là làm sao để nâng cao "quan trí". Mà quan điểm này sẽ liên quan tới "quan trí" nhiều hơn, và cả những người có khả năng sử dụng ô tô. Nhưng nếu không kiên quyết thì e rằng bình đẳng và dân chủ khó có thể thực hiện được” - Người dân: loinoidau77@yahoo.com
“Mấu chốt của vấn đề là chúng ta không thể mở rộng đường vì không có kinh phí và chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Hơn nữa, hầu hết người dân đều phải sử dụng xe máy là phương tiện đi lại nên không thể cấm xe máy được, mà cấm rồi thì lượng xe máy đó sẽ chuyển đi đâu? Cũng không thể trông chờ vào ý thức của người dân sẽ được nâng lên ngay, hay áp dụng 1 cách máy móc phương pháp chống ùn tắc của nước ngoài (như của Trung Quốc hoặc nước nào đó) vào Việt Nam. Theo tôi, có 2 giải pháp chính: 1 là cấm ô tô, 2 là toàn dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt. Riêng tôi rất ủng hộ giải pháp 5x5” - Hoang Thanh Hieu: hieupht@yahoo.com
“Chính phủ giao cho thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí minh nghiên cứu đề xuất của ông Tuấn là hoàn toàn đúng. Các vị có ô tô riêng cũng như các vị GS.TS ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, mong hãy bình tĩnh suy xét cho thật thấu tình đạt lý, chớ vội phản bác. Nếu các cơ quan chức năng cứ nói và làm theo các vị thì tôi chắc là sẽ lại chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn…. Tôi đề nghị 2 thành phố cứ nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của ông Tuấn vì đấy là ý kiến tâm huyết, có lý mà lại rất có tình.Và đương nhiên đây là biện pháp tình thế, tạm thời để tiến tới một thành phố không xe máy, mà chỉ còn toàn ô tô như các nước phát triển” - Nguyễn Văn Hậu: Haunguyen46@gmail.com
Quy luật cung – cầu
Phía phản đối viện lý do không thể cứ nay thế này, mai lại thế khác. Càng không nên cái gì cũng lấy cớ là cần đưa vào thực tế để thử nghiệm với chính… người dân được, vì sẽ gây ra những xáo trộn tới cuộc sống của nhiều người, dẫn tới nhiều thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của nhiều người.
“Mình thấy những đề xuất đưa ra dường như không được nghiên cứu kỹ lưỡng, cứ cách này không được thì lấy cách khác mà nói đúng hơn là cứ như lấy người dân ra làm…thí nghiệm ấy? Một biện pháp đưa ra thì phải nghiên cứu kỹ mọi mức độ ảnh hưởng cũng như hậu quả của nó như thế nào, chứ không thể nói khơi khơi như thế rồi đem ra thử được!” - Lê Tấn Toàn: kukang1212@gmail.com
“Tôi là một người đi xe máy, nhưng thấy đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn không thuyết phục và nói thẳng là tôi phản đối. Việt Nam mình không nhẽ chỉ biết 1 từ CẤM sao? cái gì không quản lý được thì cấm, cấm và cấm ư?
Theo tôi, ùn tắc giao thông chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông. Xe buýt thì đi lấn đường, xe máy đi sang đường xe ô tô… Mỗi người chịu nhường nhau và cùng đi đúng làn đường của mình xem có ùn tắc không? Tôi khẳng định là không ùn tắc. Nhưng ý thức thì phải được chú trọng giáo dục từ khi con trẻ còn ngồi ghế nhà trường và sự giáo dục của gia đình cũng cần được xem là yếu tố cốt lõi.
Tôi có 1 đề xuất thế này: người tham gia giao thông bất kỳ là đi xe máy, ô tô to nhỏ biển màu gì mà đi sai làn đường đều bị lập biên bản, thu hồi và xử lý xe thật nghiêm khắc (không được xin - cho…) Tôi dám chắc chắn 1 điều là ý thức người tham gia giao thông sẽ tăng rất cao và chuyện ùn tắc sẽ giảm đi tới được giải quyết hoàn toàn” - Nguyễn Danh Hải: nguyendanhhai79@yahoo.com
“Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông trên tôi thấy đều chưa hợp lý, mà lại tạo sự mất bình đẳng giữa những người tham gia giao thông. Mong Chính phủ đề ra được cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo tôi, giải pháp trước mắt là nên làm những cây cầu vượt (nhẹ) ở các điểm nhạy cảm như ngã ba, ngã tư và bỏ một số đường ngược chiều để cho người dân được đi lại, giảm bớt lượng người đi trên trục đường chính. Lâu dài nên chuyển dần các trường đại học và các bệnh viện ra các tỉnh lân cận hoặc ngoại thành, thì chắc chắn sẽ giảm được ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn” - Nguyễn Lương: luongyenlac@Gmail.com
“Hiến pháp đã nêu rõ: mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Không thể không làm được thì lại Cấm (Cấm là chỉ với những việc làm vi phạm đến Hiến pháp và pháp luật).Vấn đề ùn tắc giao thông ở quốc gia nào cũng có, nhưng ở các nước phát triển, trình độ dân trí, văn hóa giao thông của người dân nói chung cao hơn, nên tháo gỡ dễ hơn. Còn ở Việt Nam thì....Tôi thấy ở những quốc gia cũng đang phát triển nhưng nhanh hơn như Ấn Độ chẳng hạn, ôtô, xe máy của họ còn đầy đường hơn ta (dân số họ hơn 1 tỷ kia mà). Sao họ vẫn xử lý được tệ ùn tắc giao thông tốt thế, tài thật đấy. Có lẽ chỉ cần các giới chức GT sang Ấn Độ học kinh nghiệm sẽ nhanh hơn...” - Thanh Toan: nttoan74@gmail.com
“Theo tôi, với thực trạng giao thông của nước ta, tất cả mọi hình thức cấm hay hạn chế đều là thể hiện sự yếu kém trong công tác quy hoạch, tổ chức và quản lý giao thông mà thôi. Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. HCM là bài toán có rất nhiều ẩn số phải giải, chứ nguyên nhân không chỉ là do ôtô đâu mà cấm? Tôi thấy xe ôtô tham gia giao thông thường trật tự, đúng luật hơn. Phần lớn nguyên nhân gây tắc đường là do xe máy: cứ mỗi khi có hiện tượng ùn ứ là xe máy lại nêm vào, bất cứ khe hở nào kể cả đường ngược chiều, vỉa hè... xe máy cũng lao vào ... thế là nêm cứng lại, gây ùn tắc giao thông. Theo tôi, nếu áp dụng phương án 5 x 5 thì nên áp dụng đối với xe máy mới đúng. Nếu chỉ riêng ôtô lưu thông, chắc chắn hiếm khi ùn tắc nếu không có sự vụ gì đặc biệt” - Hà Tuấn Sơn: hasonap@gmail.com
“Hình thái phát triển xã hội cũng giống như sự cân bằng sinh thái, nó như một quy luật bất biến. Sự phát triển của xã hội là sự cân bằng giữa Cung và Cầu về tất cả mọi mặt. Cái Cung và Cầu ở đây được hiểu không đơn thuần về mặt kinh tế. Một khi làm mất cân bằng giữa nó, chúng ta sẽ thấy ngay hậu quả. Tôi nghĩ, nếu cấm xe ô tô kiều 5x5 vô hình trung sẽ làm cho mọi sự trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Các vị hãy đi sâu hơn vào bản chất vấn đề - đó là cần ưu tiên cải tạo cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức của người dân. Mà những việc này không làm ngày 1, ngày 2 được. Nhưng vẫn mong các vị hãy nhìn xa hơn để đất nước có thể tiến nhanh hơn và xa hơn nữa..." - Phạm Sĩ Thạc: Thacpham8888@gmail.com
“Theo quan điểm của tôi, mọi hình thức cấm đoán đều phi thực tế. Việc cấm ô tô cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm, tôi thấy vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn. Muốn giảm ùn tắc GT cần có giải pháp đồng bộ từ phát triển cơ sở hạ tầng đến nâng cao ý thức tham gia GT và phổ kiến luật GT đến từng người dân…” - Nguyễn Linh: nguyenlinh1964@gmail.com
“Sao cứ đưa ra giải pháp cấm…. Tôi nghĩ đây là thói quen thể hiện sự thiếu tầm nhìn, vì làm vậy là chỉ nhìn trước mắt, không thấy lâu dài. Ô tô, xe máy ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Các bạn có thấy nền kinh tế nào phát triển mà ngành ô tô không phát triển không? Như các nước Âu, Mỹ khi người dân không mua ô tô nữa là nền kinh tế “sổ mũi” ngay, và chính phủ phải đưa ra biện pháp kích cầu ô tô ngay đấy thôi” - Nguyen Hai: haind@msn.com
“Hai trong một”
Đứng trung hòa ở giữa là những ý kiến không thiên hẳn về bên nào, đồng thời đề xuất cả cách thức có thể thực thi.
“Theo tôi nghĩ là nên dung hòa các ý kiến. Việc thu phí các xe và hạn chế xe vào nội thành giờ cao điểm, theo tôi nên theo hình thức sau:
Bán các vé theo tháng hoặc theo quý như dạng kiểm định xe (đồng thời có thể kiểm tra để hạn chế các xe có hệ thống khí thải không đạt chuẩn, nhằm giảm ô nhiễm đô thị). Với các xe công vụ (dạng xe biển xanh) thì không cần vé lưu hành nội đô. Các xe ngoại tỉnh nếu đi vào nội đô thì mua vé ngày (tổ chức các trạm bán vé này tại các cửa ngõ Hà Nội). Việc làm này áp dụng với cả ôtô và xe máy.
Nếu làm như vậy sẽ có thể hiện thực hóa việc thu phí nhằm giảm áp lực cho giao thông đô thị, tức là đi trong thành phố phải trả tiền. Vì nếu thu phí như đề xuất trước đó của Bộ GTVT, tức là đánh phí trên đầu xe thì không công bằng với những xe ít di chuyển hoặc ít vào nội thành. Ở đây tôi cũng không có điều kiện để trình bày hết ý tưởng, nhưng nếu các ban ngành chức năng thực sự quan tâm thì có thể mở diễn đàn trước khi thực hiện một chính sách nào đó.
Còn về phản biện của mấy ông tiến sĩ ở trên, thì đọc xong tôi thấy… buồn cười ghê… Cứ thấy nói là nguy hiểm, hậu quả gì gì... mà chẳng chịu phân tích rõ cho mấy nông dân như em hiểu gì cả. Đành về nhà, vắt tay lên trán nghĩ: Hậu quả có lẽ là mấy ông có ôtô lại phải đi xe máy, thế thì khổ quá nhỉ!” - Duong Tat Thang: tatthang80@yahoo.com
Bác lại nhiều nhận xét hầu như phản đối tất cả mọi thứ được đề ra, một số bạn đọc một lần nữa nhắc nhở:
“... Sao một số vị kiểu gì cũng nói được :( Nếu giỏi mong các vị hãy bắt tay vào làm xem. Không nên cứ đứng ngoài "soi" rồi luôn tìm ra cái này, cái khác để phê phán. Cứ vậy thì ai chẳng làm được việc cả. Mà các vị có muốn phê bình thì cũng vừa vừa thôi, cần mang tính xây dựng chứ. Nói như các vị thì ai có thể quản lý được đây, trong khi ý thức của nhiều người dân ta còn kém như vậy...?” - Trần Sơn Trường: superdeam22h9_9119@yahoo.com.vn
“Tôi thấy ông Tuấn rất trăn trở với vấn đề giao thông ở VN và luôn tìm mọi cách để có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ông ấy đã đưa ra các ý kiến và được không ít người ủng hộ. Trong khi đó, có những vị hình như cứ vừa nghe đến ý kiến của người khác là có thể phản bác ngay. Tại sao không chịu khó ngồi với nhau lại mà phân tích, xem xét ý kiến của người ta thế nào? Theo tôi, mỗi sáng kiến đều có thể dẫn tới những sự đồng thuận và phản đối. Vấn đề đặt ra là những người có trình độ, trách nhiệm hãy ngồi lại với nhau để đi cùng bàn bạc để đi đến được cái chung nhất” - Hr.build: hr.build@vnn.vn
Người xưa đã có những câu thể hiện những tình thế tương tự như thế này kiểu như: đẽo cày giữa đường, làm dâu trăm họ… Song trên hết, đối với những vấn đề nan giải như bài toàn giao thông ở nước ta này, điều được nhiều người dân trông chờ nhất hiện nay là các cơ quan chức năng một mặt huy động tổng lực các nguồn chất xám để tìm ra lời giải tốt nhất có thể. Mặt khác cũng cần lắng nghe để có thêm được những ý kiến đóng góp mang ý nghĩa thực tế hơn từ dư luận, từ những “chuyên gia chân đất” trong dân. Nếu không rất có thể lại xuất hiện thêm một giải pháp… trên giấy nữa và rồi lại chịu chung số phận “âm thầm” tự biến mất như một số việc đã làm trước đây.
Kiều Anh