Bạn đọc viết:

Điệp khúc "chuyện thật như đùa" vẫn tiếp diễn!

(Dân trí) - Tôi chẳng bất ngờ gì và cũng chả tin lời ai đó vẫn nói rằng cán bộ là công bộc của dân, lo cho dân, vì dân... Báo chí đã tốn nhiều giấy mực phản ánh nhưng có chuyển biến gì đâu? Điệp khúc những "chuyện thật như đùa" vẫn tiếp diễn!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Bao nhiêu con số đẹp rồi đó mà gần đây nhất là cải cách hành chính công được 80 % dân ủng hộ...?  Dân đồng tình được như thế là tốt nhưng... các vụ tham nhũng càng về sau càng lớn hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì sao đây? Nếu thu hồi được các khoản bị "sâu bự" tham nhũng làm thất thoát ấy lại thì có mà… tha hồ tăng lương!

 

Cứ nhìn tấm gương mờ của vị cựu quan chức ngành Thanh tra là thấy: khi làm việc thì tỏ ra thanh liêm, lúc về hưu thì xây biệt thự nguy nga ở tỉnh… “Phút 89” còn tranh thủ đưa vào biên chế 60 người nữa!  Còn chủ tịch của một tỉnh mà sở hữu tới 20 ha đất cao su thì thử hỏi nông dân còn tấc đất nào mà cắm dùi? 
 
Quốc hội kêu gọi giảm biên chế nhưng dân toàn thấy ngược lại. Riêng tôi thấy biên chế phải phình đến 50 % chứ nói 30% là còn ít. Có chỗ trước kia chỉ cần 4 người nay đông vui hẳn lên với những 10 người…Tình trạng làm việc không vì thế mà hiệu quả hơn, thậm chí còn ngược lại. Điệp khúc quen thuộc là: Tám rưỡi đến cơ quan, mắc áo, túi xách lên để... trình diện. Rồi trà lá, bình phẩm váy áo, chuyện trên trời dưới bể.... Sau vài tiếng làm việc lớt phớt, mười một giờ lại kéo nhau đi ăn trưa và cứ thế, cứ thế... 

 

Mỗi vị ở các tỉnh được đề bạt về Hà Nội lại kéo theo nào vợ con, anh em để hợp lý hoá… Thế là có bộ, có vụ không còn chỗ để kê thêm bàn ghế! Mà cán bộ công chức thì cứ tiếp diễn dài dài cảnh: sáng cắp ô đi tối cắp ô về, chờ hết tháng lĩnh lương mà không cần biết mình đã làm được gì (thực sự) cho xã hội, cho đất nước? Nhưng nếu giảm biên chế thì giảm ai, hay lại chỉ khổ những cán bộ mẫn cán không có ô dù che chở?

 

Còn uy tín và lòng tự trọng ư? Ở cơ quan tôi trước đây có bốn vị cấp vụ được phân đất và lẽ tự nhiên là phải trả lại nhà. Nhưng đất phân rồi nhà vẫn không trả, công đoàn họp bàn mãi mà họ vẫn không trả. Để lâu .. hoá bùn! Đấy! Vì tiền họ đâu cần uy tín và lòng tự trọng.

 

Chỉ khổ công chức quèn, công nhân và nông dân đủ thứ khó thêm vì cái gì cũng tăng giá: nào tiền lương thực thực phẩm,  tiền thuốc men, viện phí, nào tiện điện, tiền xăng dầu… Cứ đi chợ thì biết, 200 nghìn một ngày nên lương 3,4 triệu ở thành phố là ei hẹp lắm rồi!
 

Các doanh nghiệp thì lại khốn đốn vì hàng nhập lậu tràn lan. Tình cảnh đó ai cũng thấy vì hàng hóa cứ chảy vào nội địa ùn ùn. Trong khi hải quan, quản lý thị trường… rõ ra là làm ngơ (chỉ giỏi phạt dân) !? Ngày lễ, ngày tết các vị ấy còn diễn đi diễn lại màn “vác rá đi “xin ủng hộ” thật không biết xấu hổ là gì!?

 

Doanh nghiệp nhiều khoản không biết chi vào đâu vì nay thanh tra, mai kiểm tra. Không "xì" ra thì tha hồ mà bị nhũng nhiễu, cơ khổ cho các doanh nghiệp nhỏ và dân nghèo thấp cổ bé họng!

 

Mức chênh lệch giàu - nghèo ở Việt Nam ta nay càng giãn ra quá xa. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều đồng bào và trẻ em quá khổ! Lại cũng câu chuyện về lòng tin, bây giờ nhiều tổ chức từ thiện chọn cách vất vả hơn là tự tổ chức đi xa, trực tiếp đến tận nơi giúp xây trường học, tặng quà tận tay cho con em đồng  bào bởi lòng tin đã giảm sút vào các khâu trung gian tự  làm mất uy tín.

 

Còn chuyện ở một số khu công nghiệp nữa, lẽ nào không đáng lo trước cảnh công nhân “nước ngoài” đông đúc, sáng sáng mặc quần… đùi chạy thể dục đầy đường. Đã có không ít cô gái Việt bỏ bạn trai và kể cả chồng chạy theo họ, khiến dư luận lại nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo: Việt Nam cẩn thận, không lại bị đồng hoá!?

 

Đấy! Toàn chuyện thật… như đùa!!! Mà các vị giới chức nhà ta thì cứ họp, họp nữa, họp mãi! Có vị còn đi họp "xô" ngày hai ba hội nghị…
 
Theo tôi, đấy cũng là một kiểu tham nhũng, tốn thêm tiền ngân sách, tiền đóng thuế của dân! Chỉ chết dân Việt đóng thuế thôi, còn doanh nghiệp nước ngoài thì nợ thuế hàng trăm tỷ đồng liệu có thu được không?

 

Biết vậy nhưng dân không quyền, không chức thì làm được gì?
 
Chỉ đành góp thêm tiếng nói với mong muốn các cấp quản lý nghe dân, gần dân, hiểu dân để dân được nhờ.

 

 Lê thảo Nhung