Phiếm đàm
Đi xe sang cũng “chết”, mà xài xe cũ cũng “chết”
(Dân trí) - Hóa ra vấn đề không phải cái xe sang hay cái xe cũ, mà là cách con người sử dụng nó như thế nào để hình ảnh con người đó được tỏa sáng hay bị lụi tàn trong con mắt nhân dân.
Cái sai lầm “chết người” của ông Trịnh Xuân Thanh với cương vị là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là không thuộc diện bố trí xe công đưa nhưng lại đi chiếc xe Lexus 570 sang trọng trên đường phố Cần Thơ gắn biển xanh để trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Từ đó, "cái sẩy nẩy cái ung", bị phát giác về nguồn gốc chiếc xe, chuyện làm lỗ hơn 3000 tỷ ở PVC mà vẫn thăng tiến kỳ lạ của con người ngồi chiếc xe đó dẫn đến sự nghiệp chính trị của ông ta tan thành mây khói.
Chuyện đấy khiến tôi mở lại cuốn Kinh dịch của cụ Phan Bội Châu biên soạn, đọc lại quẻ Lôi Trạch Quy Muội Qui là về, muội là em gái; qui muội là em gái về nhà chồng.Cụ Phan bình: “Vua cho em gái về nhà chồng, khi rước dâu, y phục của nàng lại không đẹp bằng y phục mấy cô phù dâu. Như vậy là đức hạnh rất cao, không hợm mình địa vị cao quí, lại coi thường phục sức. Đức như vậy thật đẹp. “Lại đọc lời bình của cụ Phan ở quẻ Địa Sơn Khiêm: “Đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm. Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được. khi rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên nhún nhường, nên Khiêm. Nhún nhường, sẽ giữ được trọn vẹn tới cuối.”
Phẩm chất ấy của con người từ cổ kim đến Đông Tây đều được khen ngợi. Thì đấy, năm ngoái Thủ tướng Phần Lan và phu nhân đã có kế hoạch đi Oulu từ trước, nhưng bị lỡ mấy chuyến bay, cuối cùng chỉ còn một chuyến bay, nhưng chuyến này lại chỉ còn một chỗ ngồi. Thủ tướng Phần Lan đã quyết định ngồi trong toilet để nhường chiếc ghế duy nhất cho vợ mình. Lại nhớ cách đây 10 năm, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sau khi dự hội nghị thượng đỉnh APEC đã từ Hà Nội về nước bằng vé máy bay giá rẻ, và không hề đòi hỏi sự ưu đãi nào của Tiger Airways. Bộ Ngoại giao Singapore đã “săn” vé từ hàng tháng trước để ông Lý và 10 tùy tùng có được giá vé khuyến mại này. Một giờ đồng hồ trong toilet hoặc đi máy bay giá rẻ, không làm hình ảnh của 2 vị Thủ tướng này bị hạ thấp, trái lại dân đều ca ngợi hành động ấy của 2 ông “hơn cả văn minh”, “hơn cả đẹp”. Ông Trịnh Xuân Thanh chơi trội, thích xe sang hơn người, không biết đến câu ngạn ngữ phương Tây: “Cái áo không làm nên thầy tu” nên từ chuyện xe sang dẫn dắt đến con đường thăng tiến và sự nghiệp chính trị của ông Thanh bị sụp đổ.
Nhưng có người không dùng xe sang, mà dùng xe cũ vẫn “chết”. Ấy là chuyện Công ty đường sắt Hà Nội định mua 164 toa tàu cũ đã qua sử dụng 20 năm của Trung Quốc chưa được nhập về Việt Nam, nhưng về cơ bản thì các công tác chuẩn bị được cho là gần như đã xong xuôi. Nói về công nghệ của Trung Quốc thì đến thời điểm hiện nay còn thua xa Nhật và các nước phương Tây. Vậy hà cớ gì lại nhập đồ cũ Trung Quốc sản xuất và sử dụng cách đây đã 20 năm? Phải chăng đường sắt Việt Nam lại định đi thụt lùi, trong khi đáng lẽ phải nâng cấp đi tới hiện đại. Việc làm của Công ty đường sắt Hà Nội khiến dư luận nhớ lại lại vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở Vinalines, Dương Chí Dũng cùng đồng bọn đã nâng khống giá trị ụ nổi cũ M83 lên hàng triệu đô la để chia nhau tiền tiêu xài. Không phải không có lý khi dư luận nghi ngờ đặt câu hỏi: Công ty đường sắt Hà Nội muốn mua hơn 100 toa tàu cũ của Trung Quốc về sử dụng, phải chăng là định lặp lại kịch bản của Vinaline. Đừng tưởng dùng xe cũ kiểu đó được coi là tiết kiệm mà không bị pháp luật xử lý.
Hóa ra vấn đề không phải cái xe sang hay cái xe cũ, mà là cách con người sử dụng nó như thế nào để hình ảnh con người đó được tỏa sáng hay bị lụi tàn trong con mắt nhân dân.
Nguyễn Đoàn