Bạn đọc viết

Để Ví, Giặm ngọt ngào chảy mãi không ngừng

(Dân trí) - Những ngày này, không chỉ người dân xứ Nghệ, mà tất cả những người yêu Ví Giặm vẫn đang trong niềm vui hân hoan, bởi: Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được ghi vào Danh sách di sản đại diên của nhân loại

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đúng là không vui sao được khi một loại hình dân ca bắt nguồn từ chính môi trường lao động sản xuất của những thợ rừng, thợ gặt, thợ cấy, của những người chăn tằm, dệt vải… của những ngư dân, những người ngược nguồn xuôi bè trên sông Lam, sông La đã thực sự tỏa sáng đến khắp mọi miền thế giới

Một thể loại dân ca của người Việt được xem là: ít có loại hình dân ca nào gắn bó mật thiết với phương ngữ như dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nó được sản sinh trên mảnh đất bao đời chan chứa nghĩa tình, mà mỗi điệu Ví, Giặm chính là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân kết tinh từ những tập quán sinh hoạt trên vùng đất cách xa những biến cố lịch sử và hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài, đã tạo ra sức sống nội sinh bền bỉ cho dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đi cùng năm tháng với lịch sử.

Từ chỗ mộc mạc, hoang sơ, dung dị, được các thế hệ nhà nho, các trí thức bình dân, cho đến nông dân nối tiếp sáng tạo, bồi đắp, nâng cao, tạo sự duyên dáng, quyến rũ về làn điệu, hàm súc về ca từ, chứa đựng sâu sắc thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương, xứ sở và đất nước… cùng các triết lý nhân sinh, thể hiện đặc tính con người xứ Nghệ càng làm cho Ví, Giặm có những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn.

Đến xứ Nghệ, ai mà không bồi hồi xúc động khi được nghe những câu: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/Thuyền em lên thác xuống ghềnh/Nước non là nghĩa, là tình ai ơi...”Hay: Hồng Sơn cao ngất mấy trùng/Lam Giang mấy trượng thì lòng mấy nhiêu; Ra về dặn nước dặn non/Dặn rằng một chữ vuông tròn phu thê... mỗi chúng ta càng hiểu hơn vì sao Nghệ Tĩnh lại có Truyện Kiều và Nguyễn Du.

Và giờ đây, sự vinh danh của UNESCO càng làm cho chúng ta thêm yêu quý những di sản văn hóa của dân tộc- một kho báu vô tận mà cha ông đã để lại, mà còn thấy Ví, Giặm thực sự là văn hóa là mục tiêu, là động lực của phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta không chỉ giữ gìn, mà cần phải phát huy.

Thời gian qua, một điều rất đáng phấn khởi là chính quyền và nhân dân xứ Nghệ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc gìn giữ, phát huy loại hình văn hóa đặc sắc này.

Và đặc biệt không chỉ chính quyền và các cơ quan chuyên môn, mà người dân nhiều địa phương xứ Nghệ cũng rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy vốn quý dân ca thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình CLB Dân ca. Đó chính là một trong những cách làm có hiệu quả để thực hiện bảo tồn Ví, Dặm Nghệ Tĩnh trong nhân dân. Các CLB đó đã được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất.

Ở đó, người ta bắt gặp các cụ bà, cụ ông mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca cổ. Đó là những con người đang âm thầm tạo mạch nguồn Ví, Giặm sâu lắng, ngọt ngào chảy mãi trong đời sống hàng ngày. ..

Và cũng chính những điều đó cho chúng ta một niềm tin hy vọng: Với niềm vinh dự và tự hào khi UNESCO đã vinh danh dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại, những người dân xứ Nghệ sẽ không chỉ gìn giữ, bảo tồn và phát huy, mà làm cho dân ca Ví, Giặm thực sự lan tỏa mạnh mẽ khắp mọi miền thế giới, góp phần khẳng định vẻ đẹp nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc vẫn đang chảy mãi không ngừng.

Minh Tư