Bạn đọc viết:

Để Tết Khai hạ thực sự trở thành sắc màu của Tết Việt

(Dân trí) - Ngày Tết nguyên đán của dân tộc Việt Nam có nhiều phong tục hay như khai bút, khai canh, hái lộc, du xuân… Còn có tục lễ tạ, cũng còn được gọi là Tết Khai hạ - một ngày rất quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.

Để Tết Khai hạ thực sự trở thành sắc màu của Tết Việt

Ý nghĩa quan trọng của ngày Lễ tạ là tạ lễ Trời, Đất, Thần, Phật, Gia tiên… đã về chứng giám cho lòng thành và sự vui vẻ của những người đang sống nhân dịp tết đầu năm. Đồng thời cầu xin các đấng cao minh, tiên tổ gia cát, phù hộ độ trì cho mọi người trong gia đình tiếp tục bước vào cuộc sống may mắn, phát đạt mọi bề suốt cả năm mới.

Với ý nghĩa  đó, hầu như không có gia đình Việt nào, từ xưa cũng như nay, đã dâng hương cúng lễ giao thừa hay sáng mồng một Tết mà lại bỏ qua làm lễ Khai hạ. Thậm chí người có điều kiện còn tổ chức buổi lễ Khai hạ lớn, mời họ hàng thân thích, bạn bè cùng đến dự và bàn tính dự kiến công việc đầu năm.

Theo các nhà  sử học thì tục hóa vàng -Tết Khai hạ dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Vật hóa vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian.

Các vật phẩm dâng cúng dịp tết như tiền vàng, bánh chưng, mứt kẹo, ngũ quả, trầu cau… cũng chỉ được phép hạ xuống vào sau buổi lễ dâng hương Khai hạ. Trừ các lễ cúng mặn không thể để dài ngày như xôi thịt, cơm canh thì có thể hạ lễ sau mỗi lần dâng cúng vào các buổi, các ngày trong dịp Tết Nguyên đán.

Sở dĩ phải như vậy vì tục tín ngưỡng cho rằng trong suốt dịp Tết Nguyên đán, trước khi làm Lễ tạ thì các bậc thần linh và gia tiên luôn luôn ngự trên bàn thờ. Nếu để hương, đèn, nến tắt, tự tiện hạ các vật phẩm trước khi lễ tạ là bất kính với thần linh và tổ tiên.

Với ý nghĩa quan trọng của ngày Lễ tạ nên ngày làm Lễ tạ được quan niệm cũng là một cái tết - “Tết Khai hạ”. Nó quan trọng chẳng kém lễ Giao thừa. Bởi thế trước khi dâng hương lễ tạ, ngày xưa người ta cũng có đốt pháo mừng. Nhiều gia đình cẩn thận còn có cả lễ ngoài trời như lễ lúc Giao thừa.

Theo sách “Phương Sóc chiêm thú” ghi thì lễ tạ được tiến hành vào ngày mùng 7 tháng giêng. Ngày nay, để phù hợp với điều kiện sống người ta không nhất thiết phải làm lễ tạ vào ngày mùng 7 mà có thể sớm hơn. Việc chọn ngày làm lễ tạ tùy thuộc vào mỗi gia đình, nhưng chủ yếu bắt đầu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán.

Có điều đáng nói là hiện nay nhiều gia đình đốt rất nhiều vàng mã đủ các thể loại như nhà lầu, xe hơi, máy tính… có giá trị rất lớn cho người cõi âm. Bên cạnh việc tốn kém về tiền bạc còn gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều người biến lễ Tạ năm mới thành hành động mê tín với việc đốt vàng mã quá nhiều và mâm cao cỗ đầy... mà họ không hiểu rằng: những hành động biểu hiện sự báo hiếu của người đang sống đối với những người đã khuất, quan trọng là phải khởi cái tâm trong sáng, không mong cầu thì mới đem lại sự an lạc cho thân tâm mình. Nếu cái tâm không trong sáng thì dù mâm cao cỗ đầy, “người nhận” cũng chẳng hoan hỷ gì.

Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ - Công tác chính trị - ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội)