Để "nước non Việt Nam ta vững bền..."

(Dân trí) - Đi đến bất kỳ nơi đâu, mỗi lần bắt gặp hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió hoặc chợt vang lên giai điệu Quốc ca hào hùng, trong sâu thẳm trái tim mỗi người VN chắc hẳn lại dấy lên bao cảm xúc dù mỗi người có cách thể hiện khác nhau.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó (ảnh tư liệu)
"Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó" (ảnh tư liệu)

Kết nối thế hệ

Nói về tình yêu quê hương, đất nước, những người thuộc thế hệ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” chắc hẳn ai cũng thuộc nằm lòng bài thơ Quê hương của Giang Nam với những xúc cảm thật da diết và sâu lắng: ... Xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi…./ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi...

Hạnh phúc là đấu tranh - Karl Marx đã trả lời con gái như vậy. Những thế hệ người VN đã kinh qua thời kỳ chiến tranh chắc ai cũng hiểu rất rõ ý nghĩa của luận điểm này, để từ đó cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của màu đỏ cách mạng trên quốc  kỳ VN, của mỗi ca từ đậm chất hào hùng và bi tráng của ca khúc Tiến Quân ca.

Dịp Quốc khánh này diễn đàn lại một lần nữa nóng lên bởi tranh luận của bạn đọc quanh chủ đề Quốc ca sau khi đọc bài viết "Chuyện ít biết về số phận bi tráng của Quốc ca VN". Dù vẫn còn đó những ý kiến NÓI CÓ với đề xuất sửa đổi, nhưng đa số bạn đọc bao gồm cả nhiều người trẻ vẫn tiếp tục nhấn mạnh quan điểm NÓI KHÔNG:

 “Tôi luôn tự hào về Quốc ca của VN. Dù là 1 người thuộc thế hệ 8X, không trực tiếp trải qua những năm tháng lịch sử  trước đó của dân tộc nhưng từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời của bài Quốc ca đã ăn sâu vào máu thịt, vào tiềm thức của tôi. Trong tôi chiến tranh đã qua đi và tôi cũng chẳng có chút hận thù nào với những người đã gây ra chiến tranh với dân tộc tôi. Giờ tôi sống trong hòa bình nhưng thế giới hiện tại vẫn còn chiến tranh, khi xem lại những thước phim lịch sử tôi hiểu được sự tàn phá  và những hậu quả nghiêm trọng như thế nào của chiến tranh để càng yêu hơn nữa hòa bình. Nhưng khi trong thế giới hiện tại của chúng ta chưa hẳn nơi đâu cũng đã thực sự có hòa bình, tôi mong rằng hãy cứ mãi là những lời ca đó để giúp cho các thế hệ sau này thêm tin yêu và vững lòng tin sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Cho tới bây giờ đã gần 30 tuổi đời nhưng tôi nói thật là chưa thuộc bài hát nào trọn vẹn cả nhạc lẫn lời như bài  Quốc ca trong lòng tôi.... Dù sống trong hòa bình, nhưng tôi hiểu chiến tranh vẫn có thể nổ ra bất kỳ lúc nào... Nhìn lại 4.000 năm lịch sử dân tộc, tôi hiểu chúng ta đã dựng nước và giữ nước thực sự  bằng "đường vinh quang xây xác quân thù"... Đó là sự tất yếu dù ta không bao giờ gây hấn với ai...  Vì vậy, muôn đời con cháu VN sau này để bảo vệ vững bền từng tấc đất, hòn đảo của Tổ quốc ta thì không thể quên những con đường vinh quang đó của dân tộc... Vì thế mong đừng ai nghĩ tới sửa đổi Quốc ca và cũng đừng dân tộc nào nghĩ tới xâm lấn VN!!!” - Dao Hao: giabaominh.info@gmail.com

 “Đúng! Mỗi chúng ta phải biết Hòa bình hôm nay không phải bỗng dưng mà có để chúng ta phải luôn luôn giữ gìn, cảnh giác.... Đường vinh quang không trải thảm mà được xây dựng từ mồ hôi, sức lực, xương máu của đồng bào ta và tất nhiên cũng của cả kẻ thù nữa. Bài Quốc ca hiện nay đã trọn cả ý và từ rồi, theo tôi chúng ta không nên bàn tới chuyện thay đổi hoặc sửa đổi gì nữa” - Thu Hằng:  bangtpm@gmail.com
Gần 70 năm kể từ khi ra đời, Quốc ca Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm

Gần 70 năm kể từ khi ra đời, Quốc ca Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm

Tiếp  nối lịch sử

Chúng ta yêu hòa bình, không ai trong chúng ta  muốn có chiến tranh nhưng chúng ta không thể và không bao giờ được lơ là cảnh giác, đề phòng bất kỳ diễn biến phức tạp nào có thể xảy ra. Những bài học quý báu từ lịch sử, bởi thế, vẫn vẹn nguyên giá trị...

“Theo tôi, ta hát Quốc ca để thể hiện khí phách kiêu hùng, niềm tự hào về lịch sử của dân tộc. Đó cũng là những gì cha ông ta phải đánh đổi biết bao máu xương mới có được. Ta hát nguyên lời Quốc ca này còn là sự thể hiện lòng tri ân với những thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương đấu tranh để giành lại cho chúng ta hạnh phúc hôm nay. Không được thay đổi lời ca nào cả, đó cũng là bày tỏ sự trân trọng lịch sử, thể hiện lòng biết ơn... Xin trân trọng cảm ơn!” – Do Huyen Trinh: huyentrinh61@gmail.com

“...Từ khi lập nước đến nay âm hưởng, lời ca hào hùng của bản Tiến quân ca đã theo chân bao thế hệ người Việt. Các bạn có thể tưởng tượng được niềm tự hào dân tộc vô bờ tại những cuộc thi đấu thể thao ở nước ngoài lúc VĐV VN đứng trên bục nhận huy chương Vàng, quốc ca nổi lên, những cổ động viên chúng tôi đứng ngoài mà nước mắt cũng tuôn rơi cùng các VĐV. Chẳng có lý gì để thay đổi khi mà bài Quốc ca đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người...” - Vu Vu:  vxb152@yahoo.com

“Với lập luận (của những người muốn sửa đổi) như vậy, lẽ nào phải thay cả cả từ "vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian..."của bài Quốc tế ca? Theo tôi, Quốc ca là thể hiện cả 1 chặng đường đấu tranh vinh quang của cả dân tộc VN, vì vậy không ai có quyền thay đổi hay thay thế” - Lê Cương:  lecuong_53@yahoo.com

 “... Bài Quốc ca đó nhắc nhở cho chúng ta về một thời bi tráng của đất nước... Để có được hòa bình và phát triển như ngày nay, biết bao máu xương của các thế hệ cha ông chúng ta đã phải đổ trên từng m2 đất mà chúng ta đang sống hôm nay.... Đừng chỉ thấy ngày hôm nay mà quên đi lịch sử.... Và để cùng chung sức xây dựng VN giàu mạnh, mỗi con người chúng ta hãy lao động và đóng góp thật nhiều  cho quê hương, cho đất nước... Quốc ca và Quốc kỳ là 1 phần của lịch sử, không thể thay đổi hay tách rời” - Trần Dũng:  adungtrandong@yahoo.com

Rất nhiều ý kiến của bạn đọc cũng đã nhấn mạnh điều Pham Van Thang  phamthang_xmen@ymail.com khẳng định:

“Tiến quân ca của Văn Cao đã khắc cốt ghi tâm với bao thế hệ người VN, không gì thay đổi được. Giai điệu hùng tráng nhắc nhở các thế hệ sau tiếp bước cha ông để "Nước non Việt Nam ta vững bền!" 

Khánh Tùng