Ban đọc viết
Để lễ mừng thọ đầu năm trang trọng, ý nghĩa.
Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa vốn có từ lâu đời thể hiện lòng hiếu thảo, sự trọng vọng tôn kính đối với những người cao tuổi; bản thân người cao tuổi cũng cảm thấy được tôn vinh, sẽ sống vui sống khỏe hơn. Nhưng tổ chức mừng thọ như thế nào cho vừa vui vừa tiết kiệm mà lại ý nghĩa thì không phải nơi nào cũng làm được. Đầu xuân, xin giới thiệu một lễ mừng thọ rất văn hóa và ý nghĩa ở một vùng quê Hà Nội.
Kính già, già để tuổi cho
Với người Việt, khi trong gia đình có người được tuổi tròn, (thường là từ 70 trở lên), đầu xuân, con cháu làm mâm cơm cáo yết tổ tiên, mừng cho ông bà cha mẹ mình được hưởng tuổi trời. Cùng với đó, Chính quyền và Hội người cao tuổi địa phương cũng tổ chức mừng thọ các cụ. Việc làm này thật sự có ý nghĩa nếu chúng ta biết tổ chức đúng nghi lễ, trang trọng và tiết kiệm.
Việc tổ chức Lễ mừng thọ mỗi nơi mỗi khác, nhưng đa phần là theo phong tục địa phương.
Tôi có may mắn được dự Lễ mừng thọ của một Làng văn hóa tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) và cảm nhận hết được không khí ấm cúng trang nghiêm mà tiết kiệm của buổi lễ mừng thọ nơi đây. Đến Thôn Nội (xã Đức Thượng - Hoài Đức - Hà Nội) vào ngày mồng 4 Tết Bính Thân 2016. Mặc dù đã qua 3 ngày Tết nhưng không khí xuân vẫn còn nhộn nhịp khắp các ngả đường ngõ xóm, bởi hôm nay Hội người cao tuổi thôn Nội tổ chức “Lễ đăng thọ - mừng thọ” cho các cụ tuổi tròn trong thôn. (Những ông bà tuổi 50, 60 thì “đăng thọ”, các cụ 70 trở lên được “mừng thọ”). Đúng 7 giờ sáng, các cụ đã có mặt đông đủ tại đình làng. Trước tiên là làm lễ trình thánh tại Đình, dâng lễ lên Đền và Chùa của thôn. Lễ vật đơn giản: Mỗi mâm lễ chỉ gồm bánh kẹo, hoa quả, trầu cau - nhưng thành tâm, tố hảo. Cụ cao tuổi nhất thay mặt những người được tuổi tròn khấn trình, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm, người người sức khỏe dồi dào. Đội văn nghệ của thôn chúc mừng các cụ. Các cháu thiếu nhi múa hát mừng thọ, lại được các cụ cao niên mừng tuổi đầu xuân. Những lời ca tiếng hát cây nhà lá vườn của Hội người cao tuổi, những vần thơ mộc mạc chân tình thể hiện lời chúc đầu xuân sức khỏe an lành; Đoàn thanh niên múa lân sư rồng mừng thọ, mừng xuân mới. Sau màn văn nghệ chào mừng là đến phần công bố danh sách các cụ tuổi tròn và danh sách đăng thọ của những ông bà tuổi 50, 60 bắt đầu đem tâm vào việc làng. Đại diện Hội người cao tuổi, Chính quyền xã, thôn, thầy chùa… lên chúc mừng các cụ, trao Giấy chứng nhận của Hội người cao tuổi, gửi quà của Trung ương hội và thành phố tới các cụ tuổi cao. Các công bà tuổi tròn mỗi người đều được nhận 1 chút quà của Hội người cao tuổi. Quà tặng chỉ là đôi khăn mặt, bánh xà phòng thơm nhưng đầy ý nghĩa. Người tuổi cao được nhận quà đều thấy được sự trọng vọng của mọi người với mình, thể hiện nét văn hóa“kính già, già để tuổi cho”. Còn người bắt đầu “đăng thọ” cũng thấy được vai trò của mình với các công việc trong thôn xóm, sẵn sàng gánh vác và chia sẻ cùng địa phương, bảo ban con cháu, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các cụ cao niên trong Thôn Nội cho biết: Hàng năm, thôn Nội đều tổ chức Lễ mừng thọ cho các cụ tuổi tròn và Lễ đăng thọ với những ông bà tuổi bắt đầu 50. Năm nay, thôn Nội có 56 cụ, ông bà đạt tuổi tròn, và 11 cụ được Nhà nước cùng Thành phố Hà Nội chúc thọ, tặng quà. Thôn Nội đã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” từ nhiều năm nay. Tổ chức đăng thọ - mừng thọ là việc làm thường niên đối với người cao tuổi trong thôn. Mọi người đều nghĩ “kính già, già để tuổi cho” nên hàng năm, ngay từ những ngày đầu xuân, lễ mừng thọ được chuẩn bị chu đáo đầy đủ. Các cụ có quy định, nếu gia đình muốn làm vài mâm liên hoan con cháu quây quần mừng thọ thì chỉ nên tổ chức vào 2 ngày mồng 6 và mồng 8 tháng Giêng, tránh việc tổ chức lan man, gây lãng phí, tốn kém.
Không chỉ ở Thôn Nội, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã tổ chức mừng thọ rất văn minh mà vẫn giữ được phong tục cổ truyền. Ở những nơi này, “lễ đăng thọ - mừng thọ” thường được tổ chức chung vào mồng 4 Tháng Giêng (hoặc 26 tháng Chạp) hàng năm. Người đạt tuổi tròn (50, 60, 70, 80) tập hợp lại thành nhóm theo lứa tuổi. Mỗi người đóng góp một chút kinh phí. Cả loạt tuổi sắm sửa một cái lễ, kèm theo một lá sớ viết tên của tất cả những người đăng thọ cùng tuổi, dâng lên lễ thánh. Số tiền còn lại mua sắm một chút gì đó công đức vào đình chùa làng, (có thể là câu đối, hoành phi, hay hiện vật gì tương đương với số tiền góp). Chủ tịch hội người cao tuổi công bố danh sách rồi mời theo loạt tuổi vào bái yết thánh là xong. Sau lễ đăng thọ, những người tham dự đều được chia lộc (gồm oản chay, hoa quả, và một khẩu trầu). Phần phục vụ nước nôi, trầu cau chè thuốc đều do con cháu của những người đăng thọ đảm nhiệm. Mọi người cùng uống nước, ăn trầu, đàm đạo vui vẻ. Các gia đình tuyệt nhiên không bày đặt ăn uống linh đình. Nếu ai đông con cháu thì sửa vài mâm cúng tổ tiên và thụ lộc, nấu thêm nồi cháo xe, cháu con quây quần rôm rả. Tuyệt đối không mời mọc khách khứa, nên không có ai “phải” đi mừng. Tình làng nghĩa xóm càng bền chặt, khăng khít.
Một vài hủ tục cần phê phán
Bên cạnh những lễ mừng thọ tiết kiệm, trang trọng kể trên, đáng buồn là vẫn còn quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhiều nơi khác vẫn còn tổ chức lễ mừng thọ quá rườm rà tốn kém, gây lãng phí không cần thiết.
Đáng phê phán một số gia đình đã lợi dụng việc tổ chức mừng thọ cho cha mẹ mình để phô trương quá đáng. Cũng phông bạt trang trí như đám cưới: (nghĩa là có phông trang trí chữ Thọ, hai bên cắt chữ vi tính “thất tuần” – “thượng thọ” (hoặc bát tuần- thượng thượng thọ; cửu tuần - đại thọ…). Trên phông trang trí thêm rất nhiều những hình có họa tiết rắc rồi lòe loẹt (vì không theo một mẫu nào). Rồi loa đài xập xình ầm ĩ đinh tai nhức óc, tổ chức ăn uống linh đình. Có nhà còn bày đặt làm đến hơn trăm mâm cỗ. Vừa Tết xong, nhà nào nhà nấy còn thừa mứa thức ăn, cỗ dọn ra chỉ đụng đũa, còn thừa đổ đi rất lãng phí. Vì có tổ chức ăn uống nên con cháu phải thức đêm làm cỗ. Họ mượn lý do thức làm cỗ rồi tổ chức đánh bạc xóc đĩa sát phạt nhau mất trật tự làng xóm. Vui chẳng thấy đâu, chỉ thấy hôm sau những cặp vợ chồng trẻ cãi cọ nhau vì thua bạc. Ấy là chưa kể người được mời đến ăn thường kèm theo tiền mừng. Có những gia đình “chạy sô” đến mấy đám, không đi ăn cũng phải mừng, gây nhiều điều phiên toái. Có nhiều gia đình còn bày đặt nghi lễ rườm rà chẳng biết mang ở đâu về: Đặt cụ lên kiệu rước ra đình. Cháu đích tôn che lọng, con cháu cả đoàn lễ phục chỉnh tề (cả khăn xếp áo the, áo dài) đi theo sau thành hàng dài. Cụ nào còn khỏe đã đành, có cụ tuổi cao sức yếu, sau đám rước mừng thọ đi xa, nắng gió về nhà là ốm. Thử hỏi như vậy thì báo hiếu ở đâu? Ở ngoài đình chùa: nhiều nơi vẫn giữ nếp nghĩ cổ hủ là phân ngôi thứ bậc theo tuổi. Những người mới “vọng” thì bị gọi là “vãi em”. Mà đã là vãi em thì phải trải chiếu trầu nước phục vụ các vãi anh vãi chị. Có những người cậy mình hơn tuổi, biết lề lối hơn đã mượn dịp này để “bẻ hành bẻ tỏi” nhau. Có người vì “góc chiếu giữa đình” đã bị “bẽ mặt” do không thông thuộc lề lối cách thức, ấm ức mãi. Thật mất đoàn kết.
Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa vốn có từ lâu đời của người Việt Nam. Qua lễ mừng thọ, con cháu có dịp thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà cha mẹ; xã hội cũng thể hiện được sự trọng vọng tôn kính đối với những người cao tuổi; bản thân người cao tuổi cũng cảm thấy được tôn vinh, sẽ sống vui, sống khỏe hơn. Nhưng tổ chức mừng thọ như thế nào cho vừa tiết kiệm mà lại ý nghĩa thì không phải nơi nào, gia đình nào cũng làm được. Thiết nghĩ việc tổ chức mừng thọ theo nếp sống mới cần được đưa vào hương ước của làng, sao cho vừa vui vẻ tiết kiệm lại giữ gìn được tình làng nghĩa xóm, thì chính quyền địa phương cần có quy định cụ thể. Mừng thọ cần giữ được nghi lễ cổ truyền, lại theo nếp sống mới - đó là điều tất cả chúng ta cần biết và thực hiện. Đó cũng là một trong những việc làm để xây dựng nông thôn mới văn minh, tiến bộ.
Nguyễn Thị Diệp