Bạn đọc viết

Để điệu hò sông Thu Bồn còn mãi

(Dân trí) - Hò trên sông Thu Bồn là một trong những loại hình văn nghệ bình dân được hầu hết người dân Quảng Nam yêu chuộng; nhưng hiện nay đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

Để điệu hò sông Thu Bồn còn mãi - 1

Sông Thu Bồn là nguồn cảm hứng bất tận của điệu
 hò  (nguồn ảnh: internet)
 
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của hò luôn là trăn trở của những người tâm huyết với hình thức sinh hoạt tinh thần dân dã này.
Suy tư, trăn trở!

Năm 2010, Dự án “Đưa dân ca vào nhà trường” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào áp dụng thí điểm tại Thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Qua gần 1 năm triển khai, mô hình đã nhận được sự quan tâm hướng ứng tích cực của toàn xã hội, nhưng vẫn chưa thực sự có sức lan toả lớn, chỉ dừng lại ở 2 địa phương trên, chưa nhân rộng ra toàn tỉnh. Sở dĩ, điều này có là do mô hình còn quá đơn điệu, thiếu sự hỗ trợ chuyên môn, ngặt nghèo về kinh phí thực hiện,…

Chị Đoàn Tuyết Hoa (49 tuổi), diễn viên hát dân ca nhiều năm gắn bó của Phòng Văn hoá Thông tin huyện Duy Xuyên, đồng thời cũng là thành viên của Dự án, chia sẻ: “Hò đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền. Phần nhiều do lớp trẻ thời nay không có chất giọng hát dân ca. Phần ít do mô hình áp dụng còn quá khô cứng. Tất cả đã đưa đến một thực trạng chung là hò chưa có “đất dụng võ” như trước đây. Ngay cả tôi, dù đã hơn nửa đời người theo đuổi cái nghề này cũng thấy luyến tiếc và ưu phiền. Niềm tâm huyết với nghề cũng phải xuất phát từ mục đích mưu sinh là chính. Như đã thấy, là một diễn viên lâu năm nhưng tôi hầu như không nhận được bất cứ một khoản tiền hỗ trợ nào… Chưa nói đến số tiền lương còn khá “bọt bèo” (cười!!).”.

Cũng theo chị Hoa, trước đây, nói về hò xứ Quảng thì phải kể đến đội hò sông Thu Bồn; họ chủ yếu là những nghệ sĩ không chuyên xuất thân từ quần chúng nhân dân, nhưng nay thì không còn nữa; các cụ thâm niên đã mất, lớp trẻ thì không thích thú hay mặn mà với loại hình này

Trao đổi về thực trạng này, bà Lưu Thị Hiền Phương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Duy Xuyên, cũng có cùng quan điểm trên. Bà Phương cho hay, khó khăn lớn nhất đối với phòng vẫn là kinh phí thực hiện quá hạn hẹp. Năm 2010, kinh phí thực hiện giao cho phòng là 320 triệu đồng. Đến năm 2011, kinh phí chỉ còn 280 triệu đồng. Từ khoảng kinh phí này, Phòng phải chi tiêu rất nhiều hoạt động, từ văn hoá, thể thao, du lịch, đến truyền thông…

 

Đâu là hướng đi? 

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Phòng Văn hoá Thông tin huyện Duy Xuyên và những người tâm huyết đã thường xuyên làm kiến nghị lên các cấp và đi vận động nguồn kinh phí từ mọi nơi. Hằng năm, Phòng cũng tổ chức các hội thi hát hò khoan đối đáp, mời các đoàn hát dân ca từ đoàn ca kịch Quảng Nam về lưu diễn, triển khai sâu rộng mô hình đưa dân ca vào trường học ở hầu hết các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Từ đó, phát hiện và có chính sách bồi dưỡng những hạt nhân tiên tiến từ phong trào; giáo dục cho thế hệ trẻ biết gìn giữ và phát huy vốn quý của cha ông để lại;…

Chị Hoa bộc bạch: “tôi cảm thấy vui vì những tâm huyết gần cả một đời sống và cống hiến lại được xã hội trân trọng. Hy vọng, rồi mai đây, thế hệ trẻ sẽ biết đến nhiều hơn về hò của quê hương như là niềm tự hào nơi quê cha đất mẹ của mình”. Tuy nhiên, chị Hoa còn trăn trở là nguồn kinh phí cho hoạt động này quá ít nên thiết nghĩ lãnh đạo cần quan tâm và chiếu cố nhiều hơn.

Về những động thái tích cực này, bà Phương cho hay: “Mặc dù nguồn kinh phí hoạt động còn khá khiêm tốn, song lãnh đạo phòng cũng đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá này. Phòng đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt. Ban đầu, phòng đang xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát  huy các giá trị văn hoá phi vật thể huyện nhà, sưu tầm và hệ thống hoá các làn điệu dân ca, tổ chức các cuộc thi hát dân ca cho lớp trẻ địa phương, trước hết là từ các trường học.”

Với những nỗ lực của địa phương, hy vọng rằng hò xứ Quảng sẽ được khôi phục và bảo tồn để phát huy những giá trị vô giá mà bản thân nó mang; để hò sông Thu Bồn mãi mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân xứ Quảng!

 

Dương Văn Út