ĐỂ "CÓ LÊN CÓ XUỐNG, CÓ VÀO CÓ RA"
Tại phiên thảo luận về công tác cán bộ (CTCB) trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, câu chuyện làm gì để “có lên có xuống, có vào có ra” được nhiều đại biểu quan tâm; xem đây là một ưu tiên cần đẩy mạnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng CTCB hiện nay
.Quả thật, "có lên có xuống, có vào có ra" là phần việc rất bình thường trong CTCB ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như nhiều giai đoạn lịch sử trước đây của Đảng ta. Thế nhưng, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, phần việc này chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả.
Để làm được điều đó, trước hết, Trung ương phải có quyết tâm rất lớn và động thái cụ thể trong xây dựng cơ chế, tạo lập môi trường nuôi dưỡng, xây dựng văn hóa từ chức; mạnh dạn bãi miễn chức vụ, luân chuyển cán bộ theo chiều đi xuống đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ không cao, vi phạm nguyên tắc và đạo đức lối sống... Thực hiện những biện pháp trên cũng nhằm tăng cường tính răn đe, ngăn ngừa tiêu cực, khắc phục hạn chế, làm cho bộ máy công quyền trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đó cũng là cách tạo cơ hội cho cán bộ có đức, có tài phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc "có lên có xuống, có vào có ra" muốn đạt hiệu quả phải gắn chặt và vận hành đồng thời với quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về "tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Trung ương và các cấp cần quyết liệt “tinh giản” đối với bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, xuống cấp về đạo đức, lối sống, hoặc rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hơn nữa, hiểu theo nghĩa khác, một bộ máy dù có tinh gọn cũng không thể hoạt động hiệu lực, hiệu quả nếu vẫn còn những "con sâu bỏ rầu nồi canh", nếu còn thiếu những cán bộ đủ tâm, đủ tầm, thực sự có năng lực, phẩm chất và uy tín.
Vấn đề "có lên có xuống, có vào có ra" không phải đến hội nghị này mới được Trung ương đề cập. Từ năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đã chỉ ra yêu cầu cần kíp: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. Thế nhưng, suốt hai thập niên qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này. Đó là hạn chế rất lớn trong CTCB và xây dựng đội ngũ cán bộ cần được nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục. Tin tưởng rằng, Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" sẽ mở toang "cánh cửa" mà lâu nay "then khóa" vẫn bị cài chặt trong CTCB.
TheoTẤN NGUYỄN
Báo Quân đội nhân dân