Để có cái nhìn khách quan về cảnh sát giao thông

(Dân trí) - CSGT là đề tài khá nhạy cảm và luôn thu hút lượng phản hồi kỷ lục của bạn đọc, với rất nhiều ý kiến vừa đa dạng vừa phong phú. Nhưng vì sao trước kia các anh được dân quý, dân tin bao nhiêu thì ngày nay sự thể nhiều khi quay ngược 180 độ?

(ảnh minh họa: Lao Động)
(ảnh minh họa: Lao Động)
 

Hai  mặt vấn đề

 

Giải thích về cái nhìn đã khác xưa rất nhiều với lực lượng CSGT thời nay, cũng còn có một số ý kiến nhìn nhận vấn đề một cách cân bằng từ cả hai phía tích cực và tiêu cực:

 

“Nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta thực hiện đúng luật thì không bị phạt và cũng không có tình trạng CSGT bỏ túi riêng. Lúc ấy, tăng mức hỗ trợ cho CSGT là hợp lý vì các bác cũng cực khổ - đứng đường suốt. Nhưng tôi có đề xuất: mỗi vị trí canh gác phải có camera để vừa quan sát những người tham gia giao thông, vừa quan sát cách làm việc của CSGT luôn. Lúc ấy, khỏi bàn cãi... Nhiệm vụ ai nấy làm” - Mỹ Hạnh:  hanhagvn@gmail.com

 

“Theo tôi nghĩ, ở các nước phát triển lương và phụ cấp của những lực lượng chức năng như CSGT, hải quan, thuế là rất cao và như vậy họ rất sợ bị mất việc nếu vi phạm.Vì thế theo tôi, nếu thu thêm tiền của dân bù cho lực lượng này không những không giải quyết được tiêu cực, mà có khi lại còn khuyến khích họ phạt và tham nhũng hơn. Vì vậy nên tăng lương lên là tốt nhất, còn nếu ai vi phạm thì phải buộc thôi việc ngay. Như vậy tôi cam đoan là sẽ giảm được tham nhũng trong các lực lượng này” – Minh Do Cong:  minhdocong57@gmail.com

 

 “Thật tình mà nói thì CSGT làm việc khá vất vả…. Hàng ngày họ phải đối mặt với giao thông lộn xộn, thời tiết mưa nắng, nguy hiểm trong công việc, ô nhiễm, áp lực của người tham gia giao thông... Việc quan tâm đáp ứng đến thu nhập của CSGT là điều nên nói tới. Tuy nhiên mỗi người trong chúng ta ai cũng biết tình trạng tham nhũng tiêu cực trong CSGT là trầm trọng. Giải quyết việc bồi dưỡng phải đi đôi với các giải pháp mạnh mẽ quyết liệt để triệt tiêu tham nhũng của CSGT” - Hien:  h@yahoo.com

 

“Mỗi năm CSGT phạt người tham gia giao thông hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền lớn như thế rất quan trọng cho một đất nước để phát triển kinh tế, nhưng cũng cho thấy một sự thật rất đau lòng cho pháp luật của VN chúng ta. Thử hỏi trên thế giới có nước nào phạt người tham gia giao thông một năm nhiều như vậy không? Và thử hỏi tại sao người VN chúng ta lại bị phạt nhiều như thế? Một câu trả lời rất ngắn gọn là: vì Luật pháp VN chưa nghiêm, người tham gia giao thông có lẽ không được học luật GT. Chúng ta không thể khen mỗi năm CSGT thu về số tiền lớn nộp vào NSNN, mà có lẽ chúng ta phải thật sự đau lòng cho nền pháp luật nước nhà!” - Tran Dinh Nghiem: nghiem168@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Đằng sau nỗi khổ

 

Để tình trạng giao thông VN tồi tệ như hiện nay, đúng là có lỗi từ cả 2 phía người dân và lực lượng chức năng. Nhưng để chấn chỉnh lại, chắc chắn phải bắt đầu từ sự gương mẫu của lực lượng chức năng, chứ không thể cứ vin vào cớ ý thức dân kém thì ý thức cán bộ cũng phải… kém theo! Bởi thế, đa số phản hồi của người dân bày tỏ đồng tình với điều được tác giả Lê Thanh Phong nhấn mạnh qua bài viết: “Đã “dưỡng” thì phải “liêm”.

 

“Quả thực không có các anh CSGT thì đường phố nhiều khi cũng hỗn loạn thật. Các anh thức cho dân ngủ, canh cho dân chơi, đứng ngoài đường hít khói bụi, tiếng ồn xe cộ... bất kể nắng mưa. Kể cũng khổ! Nhưng thực chất đằng sau nỗi khổ đó là một nguồn thu nhập “khủng”! Nếu như các anh phạt thu về cho nhà nước 2.000 tỷ thì thực chất các anh đã kiếm riêng chắc được… kha khá rồi. Bồi dưỡng của nhà nước thấm vào đâu so với khoản thu nhập “khủng” đó của các anh. Chỉ cần nâng gậy, hạ gậy, chiếu đèn, thổi còi là các anh có những khoản thu gấp hàng trăm lần lương/thưởng. Cái quan trọng là kỷ luật chứ không phải là bồi dưỡng hay không? Tôi đảm bảo là nếu bây giờ cắt 50% lương, các anh CSGT vẫn làm” - Nguyễn Long:  cinemax669@gmail.com

 

“Chi bồi dưỡng cho CSGT cũng không sao, nhưng mấy bác phải có luật cho nhân dân giám sát đội ngũ này. Nếu phát hiện có tiêu cực dù ít cũng cần bị xử lý nghiêm, kể cả  sa thải khỏi ngành ngay…Được vậy thì cho dù các bác có chi bồi dưỡng 10triệu đ/tháng tôi nghĩ người dân cũng chẳng có ý kiến gì!” – Huy Pham:  duchuumobile@yahoo.com

 

“Mặt ngoài có thể 1 ca trực của 1 CSGT mua được 1 ổ bánh mỳ, nhưng thu nhập thực tế thì bằng người khác làm cả tháng. Có anh CSGT nào nhà mà không giàu? Có ai không muốn làm CSGT? có anh CSGT nào mà chả mong được... đứng đường hưởng "1 ổ bánh mỳ"?... Cái chúng ta cần nhìn là thực tế, chứ chỉ lý thuyết không thì quả thực không thuyết phục được người dân…Nếu như Thủ tướng và Bộ trưởng không tin, có thể cử nhân viên hỏi nhà mấy anh CSGT ở bất kỳ nơi nào là biết” - Vuong Hoang Thien:  vuonghoangthien2010@gmail.com

 

“Thử làm một trắc nghiệm: đưa cho mỗi CSGT 1 tờ giấy thăm dò ý kiến thử xem có muốn chuyển qua bộ phận khác, không làm CSGT phải đứng đường không??? Và xem có bao nhiêu đồng chí đồng ý??? Tôi chắc chắn rằng sẽ… không có đồng chí nào vì nghe nói mỗi CSGT muốn ra… đứng đường phải tốn nhiều tiền lắm” - Nguyễn Hữu Hào:  huuhaovttt@gmail.com

 

“Theo tôi, để lấy lại hình ảnh của CSGT thì nên điều chỉnh cách làm của CSGT hiện nay để chuyên nghiệp hơn và tăng lương + phụ cấp cho CSGT. CSGT không nên "phục" ở các ngã 4, trên đường như hiện nay để bắn tốc độ hay bắt các lỗi vi phạm chạm vạch, sai làn đường, vượt đèn đỏ... Mà cần đi tuần tra dọc đường và xử lý khi cần thiết. Ngã 4 chỉ là 1 điểm rất nhỏ trong hệ thống công trình giao thông đi lại. Các anh nên làm đúng chức năng công vụ là phục vụ đảm bảo an toàn giao thông, hơn là "chuyên gia" rình bắt phạt” - NHToan:  toanevi@gmail.com

 

“Nên khuyến khích dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm bắt quả tang các trường hợp CSGT nhận hối lộ để xử lý. Phải làm trong sạch lực lượng CSGT trước đã, sau đó thưởng bồi dưỡng cao bao nhiêu cũng được, miễn để dân kiểm tra là sẽ ổn ngay” - Hoàng Thanh Giao:  giaoalphanam@gmail.com

 

Cần có được cái nhìn khách quan hơn về CSGT, nhưng xem ra "nỗi khổ" của các anh hiện nay nhiều người đang... ao ước có được đấy! Thế liệu có nghịch lý không nhỉ?

 

Khánh Tùng