Đã “dưỡng” thì phải “liêm”
Cũng cần có cái nhìn thật khách quan, rất nhiều CSGT vật lộn với nắng mưa, bụi bặm quanh năm để giữ gìn trật tự giao thông, họ xứng đáng được nhận đồng lương thật cao, tiền bồi dưỡng cho các ca trực tuần tra cao hơn.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phân tích rằng, CSGT rất vất vả, nhưng tiền phạt thì phải nộp về Bộ Tài chính, còn “mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ”. Bộ trưởng Quang cũng chia sẻ, việc bồi dưỡng cho cảnh sát tuần tra sẽ giảm bớt tiêu cực. Không chỉ chuyện cái bánh mỳ cho một ca tuần tra, lương thiếu úy, trung úy CSGT từ 5 – 6 triệu đồng. Theo phân tích của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - thì đồng lương này không đủ tiền xăng xe đi lại, vậy thì làm sao có thể nuôi nổi vợ con.
Các phân tích đều rất đúng. Cũng cần có cái nhìn thật khách quan, rất nhiều CSGT vật lộn với nắng mưa, bụi bặm quanh năm để giữ gìn trật tự giao thông, họ xứng đáng được nhận đồng lương thật cao, tiền bồi dưỡng cho các ca trực tuần tra cao hơn.
Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn rằng, ngân sách nhà nước bỏ ra để bồi dưỡng cho lực lượng này nhằm có giúp triệt tiêu hẳn nạn mãi lộ - từ đó tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác an toàn giao thông? Nói cách khác, nỗi lo của dư luận là “dưỡng” rồi có “liêm”?!
Có một thực tế là dù khó khăn vất vả là vậy, dù đồng lương khiêm tốn là vậy, nhưng không ít người vẫn thích (thậm chí chạy chọt) để được làm CSGT, để được đi tuần tra mỗi ngày trung bình vài chục cây số quốc lộ hay trên các tuyến đường phố. Cũng lại không hiếm CSGT không những không nghèo, mà còn có cuộc sống khá giả. Xin được hỏi, đồng tiền của họ từ đâu mà có? Không nói, chắc nhiều người cũng đã có câu trả lời.
Và từ câu hỏi này để hỏi câu tiếp theo, nếu tăng thêm tiền bồi dưỡng liệu có thể dưỡng liêm được không, có hạn chế tiêu cực được không? Có nâng cao chất lượng trật tự an toàn giao thông hay không? Nếu không, sẽ có những người nhận tiền bồi dưỡng không phải để đi tuần tra, mà đi làm cái việc lâu nay dân gian nói là “mãi lộ”!
Theo Lê Thanh Phong
Lao động