Dạy kỹ năng sống sao cho đúng và có hiệu quả lâu dài
(Dân trí) - Dạy kỹ năng sống là một nội dung quan trọng của chương trình học phổ thông. Từ mầm non, tiểu học tới đại học, để các cháu các em biết sống hòa nhập trong xã hội, biết tự trọng và tôn trọng mọi người, biết cách úng xử và giao tiếp…
Gia đình và xã hội vẫn truyền kỹ năng sống cho con cháu và công dân, bằng sự gương mẫu của người lớn, bằng những hình thức “xã hội hóa” rất nhẹ nhàng. Vậy tại sao trường học phải gánh thêm trách nhiệm đó trong khi chương trình học đã quá tải mà hiện nay ai cũng than? Dạy cách nào và sẽ kiểm tra các kỹ năng sống ra sao? Với phương pháp đánh giá “trả bài” qua các kỳ kiểm tra, xong rồi, các em sẽ vội vàng ... quên nó và hầu như đâu lại vào đấy, liệu các em có trở thành người tốt hơn ? Thật khó mà trả lời điều này...
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Dưới đây, chỉ xin trình bày một số suy nghĩ và kinh nghiệm thực tế trong việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường:
Truyện “Cái nỏ thần - Trọng Thủy Mỵ Châu” hay dạy kỹ năng yêu nước, yêu nhà, chung thủy, ... ở trời Âu
Cách đây 37 năm, khi bé Mai Liên của tôi mới lên 5, học trường Mầm non, mẹ cháu cùng với bà giáo đưa truyện cái nỏ thần vào lớp.
Trước tiên là một buổi kể truyện với ảnh đèn chiếu minh hoạ. “Cái nỏ thần” cũng là một truyện thần tiên với Long Qui ; một truyện công chúa hoàng tử với Trọng Thủy và Mỵ Châu ; một truyện có lâu đài cung cấm với kiến trúc hình trôn ốc vô cùng mới lạ, và cuối cùng là một truyện hành động mà các cháu trai rất thích vì có kiếm có nỏ. Tất cả những “nguyên liệu” hay yếu tố ấy đã cấu thành một buổi học thật là ...ấn tượng cho các cháu đang học lớp 3 trường Mầm non. Sau buổi học ấy, các cháu, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, “kể lại” truyện cổ tích này bằng hình vẽ. 18 cháu trong lớp, mỗi cháu vẽ một “cảnh”.
Những bức tranh các em vẽ thật ngỗ nghĩnh và phản ảnh đúng những cảm nhận của lứa tuổi đối với những nhân vật trong truyện.
Phần thứ ba của bài học này là dựng kịch và mang kịch lên sân khấu của trường lúc cuối năm. Ở đây, phải kể công lao cô giáo dạy mầm non : từ hai tay trắng, cô đã dựng cả vở kịch : lâu đài là những hộp bằng gỗ nhẹ (thành ra lúc mỗi đêm, thành lũy bị sập thì rất dễ ; con ngựa là một cán chổi có đầu ngựa vẽ trên các tông đính vào ; biển là một băng đơ rôn dài màu xanh, ...
Ba ảnh dưới đây cho thấy Trọng Thủy và Mỵ châu (ảnh 1), Trọng Thủy trao nỏ thần cho cha (ảnh 2) và cuối cùng, Vua An Dương Vương và con gái tự tử (ảnh 3) để không sa vào tay giặc. Các diễn viên là các cháu “cao chỉ bằng 3 quả táo”, tuổi đời vỏn vẹn có 5 năm và chưa biết đọc biết viết vì chưa vào lớp 1.
Cả chủ đề này đã “tốn” gần một tháng, mỗi ngày một tiết (trên lý thuyết là 50 phút nhưng co giãn tuỳ sức các cháu – ở tuổi lên 5 các cháu không có khả năng chăm chú vào một việc lâu hơn -) và tùy hoàn cảnh – lúc cận kề ngày lên sân khấu thì cả buổi phải tổng duyệt chẳng hạn. -Rốt cục, các cháu đã hứng thú tiếp thu một truyện cổ tích Việt Nam, biết thêm về địa lý, thêm vài khái niệm về chiến tranh, về bang giao quốc tế, và đồng thời bắt đầu suy nghĩ về sự lựa chọn một bên là hiếu, một bên là tình, ... nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng đó là một cách rất cụ thể cho việc đào tạo con người. Và trong ngắn hạn, cụ thể nhất, bé Mai Liên hòa hợp rất tốt trong lớp với các bạn dù không cùng màu da và màu mắt. Âu cũng là ... dạy kỹ năng sống với cộng đồng.
Chuyện mang một truyện cổ tích Việt Nam vào trường ở trời Âu là một trong rất nhiều thí dụ chứng tỏ rằng có những cách rất gián tiếp, nhẹ nhàng, không “nhồi nhét” mà rất hiệu quả để “dạy” kỹ năng cho trẻ.
Các em đóng kịch theo nội dung truyện cổ tích (quân ta mang sắc phục màu đỏ)
Dạy kỹ năng sống ? Cung cấp khuôn mẫu hay dạy suy nghĩ ?
Vấn đề hiểu biết và kỹ năng là một vấn đề rất xưa. Montaigne (1533-1592) đã bảo rằng cần “một cái đầu tốt hơn là một cái đầu đầy”. Cái đầu tốt không có nghĩa là mộr cái đầu rổng mà là một cái đầu biết tự mình suy nghĩ, biết đánh giá, biết hành động. Đó là mục đích cao quí nhất của giáo dục. Trường học truyền cho giới trẻ hiểu biết, tri thức, tức là truyền cho chúng những công cụ để suy nghĩ, đánh giá, hành động để làm người tử tế.
Trong kinh nghiệm cá nhân, tác giả những dòng này vẫn thường dạy học trò mình “đọc” các hiện tượng xã hội, “hiểu” những phương thức cấu thành và guồng máy sinh hoạt của xã hội để có thể “sống tự do” chứ không hành động vì bị áp đảo hay bị ảnh hưởng. Thí dụ điển hình nhất là phân tích các hình thức quảng cáo để ... không bị quảng cáo đánh lừa. Tế nhị hơn là những thí dụ về cơ cấu quyền lực hay cơ cấu sinh hoạt giai cấp để định hướng đúng. Hiểu rõ những phương thức hành động của các bộ phận truyền thông để phân biệt thế giới thật và thế giới thấy trên báo chí. Định nghĩa thế nào là phát triển kinh tế bền vững và phát triển kinh tế không bền vững, ... là những thí dụ khác.
Một cách ngắn gọn, giáo dục cho học sinh hành trang để vào đời, để làm người tự do chứ không bị lệ thuộc mà cái lệ thuộc to nhất là lệ thuộc vì dốt, lệ thuộc mà không biết là mình bị lệ thuộc.
Nhưng trường học không phải là nơi cho các em những “bí quyết” để hành động vì hoàn cảnh mỗi người khác nhau, xã hội lại không ngừng thay đổi, những bí quyết hôm nay có thể mất hết ý nghĩa và tác dụng ở ngày mai. Đó chính là giới hạn của những môn dạy kỹ năng. Dạy kỹ năng cũng là một cách gián tiếp khuyến khích trẻ sao chép những khuôn kỹ năng có sẵn theo phương thức trường dạy cho.
Hiểu biết là nền tảng của kỹ năng
Trong quá trình soạn giáo án, cho bất cứ bài học nào, phần đông giáo viên đều suy nghĩ đến các vấn đề sau đây :
- Với bài học này tôi sẽ làm gì? Mục đích chung, dài hạn, ngắn hạn, mục đích cụ thể, mục đích ứng dụng, ... của bài học là gì ?
- Học trò tôi đã có hiểu biết gì rồi về đề tài bài học này ?
- Tôi biết gì về đề tài này? Những hiểu biết của tôi có cập nhật không? Có kiểm chứng không?
- Nội dung tôi sẽ trình bày, ngôn ngữ từ vựng tôi dùng có thích hợp với học trò tôi hay không, chúng có thể tiếp cận dễ dàng không ?
- Tôi đã lập khế ước giao kèo rõ ràng với học trò của tôi chưa về bài này ? Chúng có biết những gì tôi chờ đợi ở chúng sau bài học?
- Tôi có dành những khoảng “lặng” để học trò có thể đặt câu hỏi và suy nghĩ về bài học ?
- Tôi có dự trù những lúc để kiểm soát xem đối thoại giữa chính mình – người truyền hiểu biết và học trò có “trục trặc” gì không?
- Tôi có dự trù những phương thức sư phạm phòng hờ khi có “diễn biến bất ngờ” ?
- Tôi có phương thức kiểm soát “tiến bộ” của học trò – tức là xét xem bài học có đạt những mục đích dự trù - hay không?
Nếu tất cả các vấn đề nêu trên đều được thực hiện thì có lẽ bài học nào cũng dẫn đến cho học sinh một hay nhiều kỹ năng mà tiếng Pháp gọi là savoir-appliquer (kiến thức áp dụng), và savoir-faire (bí quyết, kiến thức để làm).
Còn dạy kỹ năng theo bài bản (phải làm gì khi ... ?, dạy lễ phép trong giao tiếp, dạy hiếu thảo, ... ) gần giống như rèn những chú lính chì (một cách làm cho tất cả mọi người) hay cho vào bộ nhớ của các rô-bốt.
Một tác giả như Perrenoud nghĩ gì về kỹ năng và dạy kỹ năng ở trường ?
( Philippe Perrenoud là một bậc thầy của ngành giáo dục ở châu Âu, giáo sư ở Genève, Thụy sĩ).
Ông Perrenoud định nghĩa kỹ năng như khả năng huy động những kiến thức, hiểu biết để hành động một cách hữu hiệu trong một hoàn cảnh đặc thù.
Ba thí dụ ông thường cho :
- Để định hướng trong một thành phố lạ thì phải biết xem bản đồ, biết tỉ lệ của bản đồ, biết những chỗ chỉ dẫn, những phương tiện giao thông
- Kỹ năng săn sóc một em bé đang bệnh cần nhiều kiến thức vệ sinh thường thức và y khoa
- Kỹ năng đi bầu không có nghĩa là chỉ biết tô đen phiếu bầu và bỏ vào thùng phiếu mà còn phải ít nhất hiểu biết cấu trúc quốc gia, các đãng chính trị, ...
Thông thường, các chương trình học ít chú trọng đến các ứng dụng của môn học nên một số quốc gia đem vấn đề dạy kỹ năng vào chương trình như một cải cách cần thiết. Nhưng đại đa số các cải cách này không thực tiển.
Nếu phải làm cuộc sửa đổi chương trình học dưới khía cạnh “kỹ năng” như cơ sở của sự tự chủ của người đi học, theo ông, cần 8 loại kỹ năng trong đó kỹ năng tự định nghĩa mình, nhu cầu và quyền lợi ; kỹ năng sống và hợp tác với người khác theo những qui luật dân chủ ; kỹ năng phân tích những hoàn cảnh, những liên hệ, những thế lực một cách toàn diện; kỹ năng gây dựng và soạn thảo những dự án tương lai, ... là những kỹ năng chính. Những kỹ năng này không có một giáo án hay giáo sư nào dạy được.
Để phát triển các “kỹ năng”, cũng theo Perrenoud, cho những môn “cổ điển” trong chương trình, nên dùng phương pháp dạy bằng cách giải quyết vấn đề (pédagogie basée sur la résolution des problèmes) và phương pháp dạy theo dự án (pédagogie basée sur les projets). Nghĩa là phải đề nghị những công việc phức tạp (vấn đề hay dự án), những thách thức để trẻ vận động hay sáng tạo thêm khả năng của mình. Thế có nghĩa là phải dùng những phương pháp sư phạm sống động, đặt trọng tâm trên vai trò của người đi học, trường học phải mở cửa ra xã hội...
Theo định nghĩa và phương thức sinh hoạt của các trường ở châu Âu nói chung và ở Bỉ nói riêng, dạy kỹ năng không có nghĩa là thêm một môn mới vào chương trình. Vấn đề không phải là dạy kỹ năng chỉ cốt trang bị cho trò một số kỹ năng cụ thể (theo khuôn mẫu có sẵn) mà phải dạy làm sao cho có hiệu quả lâu dài trên cơ sở trang bị vốn hiểu biết và phương pháp suy nghĩ-hành động phù hợp với những tình huống cụ thể. Gây dựng “vốn liếng” đó là rất cần thiết vì tri thức trường trang bị cho học trò cũng là một vốn liếng (capital scolaire, theo P. Bourdieu, một đại thụ của ngành xã hội học Pháp), tạo hành trang để học trò ra đời đủ khả năng để tự học sau đó, để phát triển và để sống tốt.
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ
Kỹ năng sống thể hiện ở “khả năng huy động những kiến thức hiểu biết để hành động một cách hữu hiệu trong những hoàn cảnh cụ thể”, cho nên mục tiêu quan trọng nhất của việc dạy Kỹ năng sống chính là dạy suy nghĩ chứ không phải là dạy những khuôn mẫu có sẵn.
Việc vận dụng nguyện lý đó phải phù hợp với trình độ nhận thức của lứa tuổi. Một thí dụ sinh động được đưa vào bài viết là Truyện “ Cái nỏ thần – Mỵ Châu Trọng Thủy” được đưa vào lớp mẫu giáo (5 tuổi) ở trời Âu để dạy “kỹ năng” yêu nước, yêu nhà và lòng trung thủy đã được các em hưởng ứng nhiệt thành. Điều đó cho thấy hiệu quả giáo dục kỹ năng sống không chỉ vì nội dung hấp dẫn của câu chuyện mà phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và tâm huyết của các cô giáo đã đầu tư nhiều công sức để “dàn dựng’ nên một bài học thật sinh động và có sức cảm hóa cao đối với trẻ em.