"Đẩy" con cái cho ông bà chăm, chúng ta có quá ích kỷ?
(Dân trí) - Tại sao lại bắt bố mẹ phải trông con cho mình, khi họ đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy con cái. Phải chăng vì lý do "một mẹ già bằng 3 người ở"?
Khi về hưu thì chúng ta sẽ làm gì?
Một câu hỏi rất đơn giản nhưng lại thú vị, và cũng khá là khó khi trả lời được điều đó, bởi đại đa số trong chúng ta có mấy ai đã lên được kế hoạch về hưu cho bản thân đâu!
Câu chuyện Về hưu thì làm gì? của tác giả Ngô Phương Lê sau khi được chia sẻ đã thu hút khá nhiều tâm sự của bạn đọc Dân trí, nổi bật nhất là về quan điểm: Có nên trông cháu cho con không?
Với quan điểm "Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào", bạn đọc Duy Chiều cho rằng: "Vì nhiều lý do, ngày nay không ít cặp vợ chồng trẻ muốn "khoán" mọi việc nuôi con cho bố mẹ mình; trong đó, lý do nổi bật hơn cả là thói quen thích hưởng thụ, không muốn vướng bận con cái và tiết kiệm thêm chút tiền tiêu xài.
Chúng ta đã dành cả đời làm việc vất vả chăm lo cho con cái mình trưởng thành. Đến tuổi nghỉ hưu, chúng ta cần được nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe. Việc suốt ngày phải chạy theo 2-3 đứa cháu từ sáng sớm đến đêm khuya khiến chúng ta mau kiệt sức, thậm chí đổ bệnh nặng.
Không những thế, phần lớn chúng ta thường chăm và dạy trẻ theo kinh nghiệm của thế hệ mình, nhiều điều không còn phù hợp với hiện tại khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng với con dâu dễ xảy ra.
Vì vậy, nghỉ hưu nên làm những việc an nhàn, hưởng thụ tuổi già, không nên cố quá, mình không chăm cháu không phải là mình không yêu cháu, không thương con. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào!"
Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Hoạt: "Khi chúng ta chưa lập gia đình, cha mẹ lo cơm nước giặt giũ cho chúng ta, đó là niềm vui và trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng khi chúng ta đã trưởng thành và có gia đình riêng, chúng ta phải có trách nhiệm với những đứa con của mình.
Nếu ông bà yêu thích và rảnh rỗi, ông bà có thể tự nguyện giúp trông cháu, chơi với cháu. Đừng ép buộc ông bà phải có trách nhiệm với con của chúng ta. Và cũng không nên biến ông bà thành người giúp việc khi phó thác tất cả chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Ông bà đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng con cái rồi, tại sao lại bắt ông bà trông cháu? Chúng ta nên để những tháng ngày cuối đời của ông bà được nghỉ ngơi".
Bạn đọc Văn Sỹ với bài học từ nước Nhật: "Hãy nhìn những gia đình trẻ bên Nhật, họ lập gia đình và phải tự chăm sóc gia đình và con cái của mình mà không có sự giúp đỡ của ông bà. Công việc của các bạn trẻ rất áp lực về cả thời gian lẫn tiến độ, nhưng họ vẫn tự sắp xếp được việc nhà và chăm sóc con cái. Tự lập trong cuộc sống, không dựa dẫm vào ông bà là cách rất tốt để chính các bạn dạy dỗ con mình cách thích nghi, độc lập trong cuộc sống.
Tuổi già của bố mẹ cần sự nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu trong một thời gian nhất định mỗi ngày/mỗi tuần, chứ không phải bắt ông bà phục vụ, kiêm thêm nhiệm vụ nuôi dạy cháu".
Bạn đọc Nguyễn Hà với cách nhìn khác, cho rằng: "Người Nhật, người Châu Âu, Hoa Kỳ khác người Việt Nam, họ có chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ khi còn trẻ, nên về hưu họ vẫn khỏe mạnh, ít bệnh tật. Còn Việt Nam người già đa số sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền. Thứ hai môi trường việc làm cho người già ở các nước rộng mở, còn Việt Nam quá khó khăn có công việc phù hợp. Nên ngoài trông cháu, thì khó tìm việc làm thích hợp".
Thêm một cách nhìn nhận thú vị khác từ bạn đọc Đỗ Trang: "Nếu không có ông bà giúp đỡ việc nhà và chăm sóc con cái cho, bạn phải chi khoản tiền từ 5-8,9 triệu cho người giúp việc.
Các cụ hay ví von, "một mẹ già bằng 3 người ở" ví von này với ý nghĩa ông bà sẽ chăm sóc, dạy dỗ cháu bằng tình thương, bằng trách nhiệm và không người giúp việc nào có thể thay thế được. Và với những gia đình để bố mẹ chăm sóc con cái cho mình, có mấy người "trả công" được cho cha mẹ "bằng 3 người ở" đây?
Tôi chỉ thấy đa số những lời trách móc như "cách nuôi con của bà lạc hậu, cổ hủ rồi", "ông bà chiều quá đâm nó sinh hư rồi"… mấy ai nghĩ được rằng sau 1 đời cống hiến cho xã hội, nuôi dạy con nên người, dựng vợ gả chồng cho con rồi thì về già cần con cháu làm chỗ dựa về tinh thần, chứ không phải là chỗ để con cháu tiếp tục dựa dẫm.
Cũng đừng bắt ông bà phải làm osin cho gia đình riêng và con cái của mình, để rồi khi sức tàn lực kiệt, lại cho rằng mua biếu bố mẹ mấy hộp sữa hay lọ thuốc bổ là đang báo hiếu mẹ cha!".
Bạn có đồng tình với những ý kiến trên không? Hãy chia sẻ quan điểm của mình ở khung bình luận dưới đây nhé!