Bạn đọc viết

Đâu chỉ là quả trứng, nhành hoa

Người ta thường bảo danh dự của mỗi con người là vô giá. Thế nhưng, có nơi, có lúc danh dự thật rẻ mạt. Và một khi danh dự rẻ mạt thì cũng có nghĩa là đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng lắm rồi.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Mấy ngày qua, dư luận bàn tán nhiều chuyện hai vị quan chức có những hành vi không thể chấp nhận được với tư cách là người cán bộ lãnh đạo trong một xã hội mà mọi người đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa ứng xử lành mạnh.

Chuyện thứ nhất xảy ra ở huyện chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Ông Dương Phước Huệ, huyện ủy viên, trưởng phòng kinh tế-hạ tầng huyện đã chôm 14 trứng vịt “khủng” tại hội chợ triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội của huyện nhân dịp mừng Xuân 2017 mà ông đương là thành viên ban tổ chức.[1]

Vụ việc xảy ra đã hơn một tháng nhưng chính quyền vẫn không có ý kiến gì mặc dù một thành viên Ban Tổ chức Hội Xuân Đinh Dậu đã trực tiếp báo cáo với lãnh đạo UBND huyện. Chỉ đến khi người dân địa phương bức xúc, gửi đơn tập thể đến chính quyền các cấp trong tỉnh thì Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ mới vào cuộc.

Về hướng xử lí, ông Ngô Hữu Nguyền, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy cho biết sẽ mời cán bộ này lên để làm rõ và yêu cầu rút kinh nghiệm vì những hành vi không chuẩn mực này.

Mặc dù ông Huệ đã phân trần với phóng viên: “Hôm đó Tết, tôi trực tại hội trợ thì thấy trứng vịt bự và ngon nên lượm vài trứng”, nhưng Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy lại nói: “Bước đầu ông Huệ đã thừa nhận vì thấy lạ nên có lấy 14 quả trứng vịt ở Hội chợ triển lãm của huyện, nhưng đem về cho anh em trực tết ở cơ quan ăn chứ không đem về nhà”.[2]

Phân trần của ông Huệ và biện hộ của Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy hoàn toàn trái với phản ánh của bảo vệ hội chợ rằng, họ phát hiện ông Huệ khi đi tập thể dục vào lúc sáng sớm đã lẻn vào lấy 14/30 trứng hột vịt “khủng” đang trưng bày tại gian hàng của xã Trung Hòa, bỏ vào cốp xe gắn máy. Khi bảo vệ tri hô thì ông này lên xe chạy về nhà.

Dư luận tin phản ánh của bảo vệ hội chợ là đúng cũng như đã từng tin các cháu học sinh trong vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua. Bởi có ăn gan trời thì họ cũng không dám vu oan cho một vị quan huyện như ông Huệ.

Chuyện thứ hai vừa mới xảy ra hôm mùng 5 tháng 3. Đó là chuyện vặt cành bẻ hoa của bà Phạm Thị Minh Hiếu - phó Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận - tại Đà Lạt. Chuyện cũng chỉ được phát giác nhờ mạng xã hội.

Theo anh N. A. T - người đưa hình ảnh kèm nội dung sự việc lên trang facebook cá nhân của mình - cho biết: Vào khoảng 16h30’ ngày 4-3, nhóm của anh xuống Khu du lịch hồ Tuyền Lâm Đà Lạt để chụp hình hoa mai anh đào đang nở rộ ở đây thì bắt gặp một phụ nữ khoảng 40 tuổi, ăn mặc rất sang trọng đang nói với một số bạn trẻ trong nhóm: “Tụi mày không dám bẻ để chị bẻ cho, có ai nói gì đâu!..”.[3]

Mặc dù đã được anh T và mọi người nhắc nhở nhưng người phụ nữ này vẫn bỏ ngoài tai. Chị ta còn chất vấn lại rằng "em là ai mà có quyền nói chị vậy? Em là chủ ở đây à? E cho chị xem giấy tờ...", nghe rất hợp với tư cách một lãnh đạo ngành tư pháp.

Khi thông tin và hình ảnh được anh T chia sẻ lên Facebook, cộng đồng mạng đã truy tìm ra danh tính của người phụ nữ "sang trọng" này. Đó là đương kim phó Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Minh Hiếu.

Vậy mà khi trao đổi với phóng viên, bà Hiếu lại cãi bay rằng cành hoa bà cầm trên tay là cành hoa đã gãy và một người em đi trong đoàn lấy đưa cho.

Bình luận về hai vụ việc nêu trên, hầu hết cộng đồng mạng đều tỏ thái độ bất bình. Tuy nhiên cũng có ý kiến dung hòa, muốn cho qua theo kiểu lập luận, tài sản ăn trộm không lớn hay chỉ là cành hoa thôi mà.

Người viết bài này không tranh luận giá trị vật chất ở đây mà chỉ bàn đến bản chất của hành vi và tác động xã hội của hành vi từ phạm trù đạo đức.

Xét về bản chất, hành vi của ông Huệ và bà Hiếu tuy khác nhau về đối tượng tác động nhưng đều gặp nhau ở một điểm: Ăn trộm. Ông Huệ lấy trộm trứng vịt còn bà Hiếu bẻ trộm hoa.

Xét về tác động xã hội, hành vi của ông Huệ và bà Hiếu nếu là công dân thường thì có thể không nghiêm trọng nhưng cả hai vị đều đương chức, một là "quan" huyện và một là "quan" tỉnh, thì tác động xấu của hành vi khó mà lường hết được nhất là khi cả hai vụ việc đã bị truyền thông phanh phui.

Tác động xã hội càng gia tăng khi dư luận nghi ngờ lòng trung thực của cả ông Huệ và bà Hiếu. Nghĩa là các vị đều "quanh co" không muốn nhìn thẳng vào sự thật với tinh thầm "dám làm dám chịu".

Hậu quả là, về mặt vật chất tuy không đáng gì nhưng uy tín cá nhân thì rớt thê thảm. Niềm tin bị đánh mất, hình ảnh người cán bộ trở nên xấu xí trong con mắt người dân.

Cho nên, không thể "tặc lưỡi" cho qua theo kiểu rút kinh nghiệm sâu sắc vì giá trị vật chất vi phạm nhỏ bé.

Chuyện ông Huệ khiến dư luận không thể không liên tưởng đến vụ hai thiếu niên ăn cắp ổ bánh mì và bịch me hồi tháng 7 năm ngoái. Giá trị vật chất ổ bánh mì và bịch me không to tát gì hơn so với 14 quả trứng vịt của ông Huệ, hẳn là thế. Nhưng điểm khác nhau ở chỗ, hai thiếu niên ăn cắp vì đói và lại là thường dân. Còn ông Huệ ăn cắp vì thấy "ngon mắt" chứ không vì đói, ông là quan chức. Lẽ nào quan chức thì vô tội còn thường dân lại bị xử phạt?

Chuyện bà Hiếu cũng khiến dư luận liên tưởng đến vụ bà hiệu trưởng trường Tiểu học NamTrung Yên vừa rồi về sự thành khẩn, cái mà bà ta vẫn dạy học trò là lòng trung thực, đó cũng là tiêu chuẩn hàng đầu đối với một lãnh đạo ngành tư pháp như bà Hiếu.

Lại nghĩ đến chuyện tháng trước, 3 tài xế taxi bị Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) xử phạt 2 triệu đồng/người vì tội tè bậy ven đường Trần Thủ Độ.

Tôi tự hỏi, một bên tè bậy làm ô uế môi trường bị phạt 2 triệu, đối tượng (chỉ là lái xe taxi thôi) tâm phục, khẩu phục chẳng hề quanh co còn bẻ hoa phá hoại môi trường cảnh quan, thì sao nhỉ?

Thời xưa, từ nhà Lý đến nhà Nguyễn, luật pháp đều coi trộm cắp là trọng tội, chỉ sau tội phản quốc, giết người, hiếp dâm… nên bị phạt rất nặng như xăm chữ lên người, chặt ngón tay, lưu đày, xử chém. Một sự nghiêm minh như thế thì mới mong giữ cho xã hội yên bình.

Tục ngữ có câu, cái sảy nảy cái ung. Cái xấu, cái ác nếu không bị xã hội ngăn chặn, lên án ngay từ đầu thì vô hình trung dung dưỡng nó. Hôm nay vài quả trứng, nhành hoa, ngày mai sẽ là gì?

Bất chợt nhớ lời người xưa răn dạy: "Ăn trộm quen tay…"

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-moi-truong-phong-trom-trung-do-thay-bu-ngon-359016.html

[2]. http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/truong-phong-cap-huyen-chom-14-trung-vit-ve-cho-anh-em-an-tet-57845.html

[3]. http://plo.vn/xa-hoi/thuc-hu-chuyen-be-hoa-anh-dao-cua-nu-du-khach-o-da-lat-686744.html