Kiev - Ukraine:
Dấu ấn những ngày qua với người Việt
Năm 2013 là một năm hết sức khó khăn với đại đa số các gia đình người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Ukraine và đặc biệt là với các gia đình ở thành phố Kiev.
Metro đóng cửa.
Đối với người dân thường, ngày 20/2, tất cả gần như đổ xô đi mua thực phẩm, đấy là người Ukraine chứ còn người Việt thì với bản tính lo xa và tiết kiệm, tích cóp nên cũng đã có một chút lương thực, thực phẩm cơ bản ở trong nhà, có đi cửa hàng cũng là để bổ sung thêm thôi. Cũng đã có cửa hàng áp dụng hạn chế với khách mua hàng, cho từng đợt 3-5 người vào và không lấy nhiều quá cho một người nên có nhà phải đi cả gia đình và đi các cửa hàng khác nhau để mua lương thực và thực phẩm thiết yếu nhất. Người Việt mình luôn để một chút tiền mặt để trang trải cho cuộc sống gia đình hàng ngày nên không phải xếp hàng chờ rút tiền ở ngân hàng hay máy tự động.
Ngày 21/2, Metro đã làm việc lại từ 5h chiều ngày 20/2 nhưng mọi người hầu như ở trong nhà theo khuyến cáo của chính phủ. Chỉ một số ít bà con phía bên kia sông vẫn ra chợ nhưng chủ yếu thăm dò tình hình, tính toán có nên chở bớt hàng đi không rồi cũng về sớm. Các chị trong Hội Phật tử chùa Trúc Lâm – Kharkov gọi điện báo tin ngay sau khi buổi lễ cầu nguyện cho cộng đồng được bình yên và Ukraine sớm ổn định của các chư tăng phật tử chùa Trúc Lâm – Kharkov tổ chức vừa hoàn tất. Cơn ác mộng chiến tranh tạm dừng khi mọi người cùng phấp phỏng, hồi hộp, lo âu chờ kết quả thỏa thuận lập lại hoà bình. Vui mừng biết bao khi không phải từng giờ từng phút nhìn thấy cảnh máu đổ, người chết - Kiev hoang tàn trong khói lửa, tro bụi.
Sáng ngày 21/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã gửi công điện cho các đơn vị cộng đồng, cảnh báo bà con cảnh giác, phòng ngừa những trường hợp xấu xảy ra. Đại sứ Nguyễn Minh Trí khuyến cáo người Việt hạn chế đi ra ngoài, tránh xa địa điểm có chiến sự, đặc biệt không nên ra phố ban đêm, khi cần ra ngoài nên đi theo nhóm. Ông Trí cho biết thêm, khi tình huống xấu xảy ra, Đại sứ quán sẽ có hướng dẫn cụ thể cho bà con. Hiện có một vài người xin về nước, "sứ quán cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con được về nước dễ dàng".
Chợ Troeshina ngày 22/2/2014
Ngày 22/2, ngoài đường các phương tiện công cộng hoạt động bình thường, mọi người đi lại bình thản, cửa hàng vẫn đầy bánh kẹo, thịt nguội, sữa, giò... chết chóc, máu lửa hình như không vọng tới đây dù là khoảng cách không xa Maidan là mấy. Ở chợ Troeshina thì vì là thứ Bẩy, sắp tới 8-3 và thời tiết sang xuân nên người mua, người dân đi chợ cũng đông hơn ngày thường một chút và người bán thì chẳng thiếu ai, nhất là người Việt mình – những người chịu thương chịu khó, tần tảo nhất ở đây. Thay mặt ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov – Ông Trần Đức Tựa – Chủ tịch Hội đã thông báo trong cuộc họp BCH mở rộng của hội ngày 21/2 lưu ý bà con cộng đồng cẩn trọng trong tình hình phức tạp hiện nay.
Sáng 23/2, ở thành phố Kharkov, mọi người vẫn rất lo lắng nhưng công việc và mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Chị Nguyễn Thị Đình – PCT hội phụ nữ TP Odessa cho biết, chị và mọi người ở đây đang lo lắng không biết sắp tới công việc sẽ thế nào vì có tin chủ chợ đã ra đi, công ty bảo vệ chợ không hoạt động. Một số người Việt ra chợ nhưng thấy rất vắng, không có khách mua hàng nên đã quay về.
Vẫn thường xuyên thông tin liên lạc giữa những người thân, bạn bè, bạn hàng... cho nhau biết về tình hình, diễn biến của Ukraina để chia sẻ, động viên nhau. Cầu mong đau thương, đổ nát sẽ chấm dứt hoàn toàn và đất nước Ukraine – quê hương thứ hai của những gia đình người Việt đã có nhiều năm gắn bó với đất nước này sẽ mãi hoà bình, thịnh vượng.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đang tiếp tục theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết. |