Đào tạo văn hóa ứng xử trên xe buýt: Việc cần làm ngay
(Dân trí) - Việc tài xế và phụ xe buýt có hành vi, lời nói thiếu văn hóa với hành khách đã xảy ra ở nhiều nơi, nhưng nghiêm trọng nhất là ở Hà Nội. Và thông điệp người dân nơi đây gửi đến Bộ GTVT là: cần nâng cấp thái độ phục vụ của đội ngũ này.
Sinh viên chiếm đa số người đi xe buýt và cũng phải nếm trải đủ nỗi khổ ải trên những chuyến xe chật như nêm thế này (ảnh: Việt Hưng)
Mặc dù đa phần xe buýt không được lòng của nhiều người, nhưng dư luận cũng khá công tâm khi khen chê rõ ràng. Họ đưa ra những dẫn chứng về thái độ phục vụ tốt hơn ở những nơi khác như: Hải Phòng, Thái Nguyên, TPHCM... để so sánh với cách ứng xử của các nhân viên nhà xe ở thủ đô thanh lịch.
“Tôi có dịp đi chuyến xe buýt từ huyện Lạc Sơn - một huyện rất khó khăn của tỉnh Hòa Bình ra thành phố Hòa Bình. Đường từ Lạc Sơn ra thành phố rất xấu, nhưng nhiều khách vẫn đi. Đặc biệt là các em, cáu cháu học sinh từ huyện ra thành phố học. Trên xe ghi rõ chặng đường và mức tiền. Phụ xe và lái xe rất niềm nở với khách. Thậm chí, có một nhóm học sinh lên xe nói chuyện hơi to và vô ý văng tục, anh tài xế liền nhắc nhở về ý thức khi tham gia phương tiện công cộng và nhóm học sinh đã xin lỗi ngay trên xe. Tôi thấy dù là một tuyến buýt ở tỉnh, nhưng cả người lái xe và hành khách đều rất ý thức. Trong khi ở Thủ đô lại liên tục xảy ra tình trạng kém văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật như vậy. Phải làm nghiêm thì xe buýt mới có được cảm tình của người dân và tình trạng ùn tắc mới được giải quyết” - Ba Thu: bathuvir@gmail.com nêu ví dụ về xe buýt thân thiện của một huyện nhỏ.
“Xe bus Hà Nội nên về Nam Định mà học tập. Trong khi Bộ GTVT và TP vận động mọi người đi xe bus mà lái xe và phụ xe thái độ như vậy thì ai dám đi nữa. Trên xe bus Nam Định có câu khẩu hiệu “Xe bus NĐ văn minh nhất toàn quốc” và họ đã làm đươc như vậy Tôi là người già, chân lại bị yếu. Khi thấy tôi bám cửa lên xe, phụ lái vội chạy xuống đường giúp tôi lên, lại còn bảo mấy thanh niên đứng lên nhường chỗ cho tôi ngồi. Tôi đi lại nhiều lần mà luôn hài lòng về thái độ phục vụ của xe bus Nam Định” - Nguyễn Xuân Mai: xuanmai014@yahoo.com.vn khen xe buýt Nam Định.
“Tôi may mắn được sống ở cả Hà Nội và TPHCM. Cùng trên 1 đất nước, nhưng sao văn hóa phục vụ của 2 miền lại khác xa nhau đến vậy. Miền Nam từ bác lái xe ôm cho tới người lái và phụ xe buýt, xe tải, đa số nhã nhặn và lịch sự. Khi hỏi họ về điều gì, họ hồ hởi và chỉ dẫn rất nhiệt tình. Nếu họ có chỉ nhầm thì bạn đi một quãng họ sẽ đuổi theo để thông tin lại. Có lẽ cho một số bác tài và phụ xe ở Hà Nội vào thực tập ở TPHCM 1 thời gian rồi cho ra lái xe tiếp” - Giang Nam: giangnam@gmail.com gợi ý.
Sự việc trên xảy ra ở Hà Nội, còn tôi ở TPHCM thì thấy tài xế và phụ xe hoàn toàn khác. Tôi đi trên xe buýt số 27 (Bến Thành - An Sương ). Khi lên xe hỏi chị bán vé tôi mới biết mình đi nhầm xe, nhưng cả tài xế và phụ xe đều nhiệt tình chỉ cho tôi tuyến xe. Và tới đúng chỗ tôi cần đến, họ vui vẻ dừng xe cho tôi xuống. Các bác tài phải học hỏi cách ứng xử thì ngành GTVT mới tiến triển tốt được” - Phung Ha: hoangha542003@yahoo.com cũng nêu dẫn chứng về sự khác biệt giữa thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt TPHCM với Hà Nội.
“Em về Hà Nội không dám đi xe buýt đâu. Ngày xưa đi thi đại học có đi xe 16, xe thì đông, chen chúc không thể cựa quậy được người, đi được 1 quãng thì bác lái xe phanh gấp ngã dúi dụi vào nhau, lúc xuống xe mất hết tiền và điện thoại. 5 năm rồi vẫn sợ xe buýt Hà Nội” - kim: tinhyêucuabin_nb000@yahoo.com kể về nỗi ám ảnh xe buýt Hà Nội.
“Tôi đi xe buýt ở TPHCM nhiều lần rồi nhưng nhân viên không hành xử như vậy bao giờ cả. Đặc biệt ở TP HCM khi có hành khách cần ưu tiên, nhân viên còn dìu khách lên xe và khi xuống cũng vậy, nói năng thì nhỏ nhẹ. Còn ở HN thì thật sự tôi thấy thất vọng vô cùng. Lên bất cứ xe buýt nào cũng nghe câu: "Nhanh nhanh lên, đứng gọn vào..." Người già thì sao mà bước lên nhanh được, trong khi đó trên xe thì đông, phải từ từ mới tìm được chỗ đứng chứ. Tôi đã đi các tuyến như 07, 35, 60, 14, 22.. và đều thấy như vậy.” hoang quoc huan: vuahoaco2002@yahoo.com phản ánh.
Học cách phục vụ
Người dân mong chờ đợi những chuyến xe buýt văn minh (nguồn ảnh: internet)
Hoang Lan lannhi_1975@yahoo.com.vn nêu rõ: “Ngành GTVT của chúng ta cách quản lý và đào tạo còn hạn chế, chính vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa giao thông. Một trong những bất cập lớn nhất là cách ứng xử, giao tiếp của lái xe và phụ xe với hành khách còn quá yếu kém. Hành khách lên xe buýt lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng và ức chế. Để làm đẹp văn hóa giao thông trong mắt người dân, chúng ta cần cùng nhau lên tiếng để bảo vệ quyền được phục vụ của mọi người dân (ví dụ như khi đi xe buýt). Làm vậy cũng là góp phần đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người. Vì Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, nên việc này càng cần làm ngay...”
“Theo tôi cần chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên ngành vận tải công cộng một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu nhân viên vi phạm thì không chỉ xử phạt trực tiếp nhân viên đó, mà cần phải xem xét trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu để có hình thức xử lý nghiêm khắc. Có như vậy mới tạo được kỷ cương, kỷ luật từ trên xuống dưới. Các nhà quản lý cần xây dựng tiêu chuẩn phục vụ khách hàng trên xe bus, thành lập đội thanh tra để thường xuyên kiểm tra chất lượng phục vụ của nhân viên (nên sử dụng hình thức kiểm tra bí mật để có những đánh giá khách quan, thực tế hơn, tránh hình thức, đối phó). Và có các hình thức xử phạt hợp lý, nhẹ thì trừ lương - thưởng, nặng thì đuổi việc...” - Văn Minh: ngonhutimthayem1980@yahoo.com nhấn mạnh vai trò của cán bộ quản lý.
“Chất lượng xe bus ở nước ta hiện nay quá tệ. Nhiều lái xe và phụ xe hình như không được giáo dục về văn hóa ứng xử. Nếu muốn có đội ngũ lái và phụ xe chất lượng tốt, thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cần phải mở lớp đào tạo văn hóa ứng xử, phong cách giao tiếp và phải nhấn mạnh cho các lái xe, phụ xe biết rằng: làm kinh doanh thì phải thật sự cần khách hàng, đừng nghĩ rằng hành khách phải cần mình và coi mình là độc quyền trên tuyến đường đó. Có lẽ những suy nghĩ này đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều lái xe, phụ xe. Chắc họ cho rằng chạy hết ngày là ăn tiền, miễn là không bỏ chuyến. Và một điều vô cùng quan trọng nữa là tuyển đầu vào, đừng vì con cháu của ông này bà kia mà cứ tuyển đại vào, vì họ kém hiểu biết, lợi dụng vào người quen sẽ làm hỏng cả hệ thống của doanh nghiệp” - Nguyễn Văn Chiều: chieunguyen77@yahoo.com cảnh báo.
Linh Nhã