Bạn đọc viết

Dạo này nói nhiều về những lỗ hồng

Đã là lỗ hổng thường là gây hại, đặc biệt là lỗ hổng nhân sự không những tác hại mà còn gây ra nhiều lệ lụy khôn lường.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Cách đây mấy chục năm, ngày còn đi học ở trường phổ thông, các học trò rất sợ và xấu hổ mỗi khi thấy bài thi hay bài kiểm tra của mình bị thầy cô giáo phê bằng bút mực đỏ: "Kiến thức có nhiều lỗ hổng"! Điều đó chứng tỏ cô, cậu học trò đó học hành chưa tốt, kiến thức bị thiếu hụt, còn nhiều chỗ trống cần phải được bù đắp. Lời phê đó nếu thường xuyên lặp lại thì học trò phải xem lại phương pháp học cũng như ý thức học tập của mình, bố mẹ mà biết có khi còn bị đánh đòn.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật, kinh tế cũng như đời sống, danh từ "lỗ hổng" cũng phát triển và đa dạng. Lâu nay, người dân đã biết và quen các loại lỗ hổng tai hại ở nước ta: lỗ hổng ngân sách, lỗ hổng kinh tế, lỗ hổng sản lượng, lỗ hổng dự án, lỗ hổng quy hoạch, lỗ hổng an ninh... Nhiều chuyện khó tin nhưng vẫn xảy ra.

Hay trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hệ điều hành và các ứng dụng được cài đặt trên máy tính của bạn có thể có chứa các lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác bởi phần mềm độc hại. Việc quét máy tính của bạn sẽ giúp tìm kiếm các hỗ hổng bảo mật này và ngăn máy tính không bị nhiễm virus. Lỗ hổng trong công cụ Microsft Office có thể bị khai thác để lây nhiễm mã độc theo dõi, đánh cắp dữ liệu... mà người dùng không hề hay biết.

Một lỗ hổng bảo mật trên iPhone có thể bị khai thác để gọi tới bất kỳ số nào, gây mất tiền hoặc lợi dụng để tấn công mạng di động.

Nói như vậy để thấy "lỗ hổng" ngày nay đã phát triển kinh khủng, nhưng chưa dừng lại.

Gần đây, dư luận đang nóng bỏng về vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, làm thất thoát hơn ba nghìn tỷ đồng. Việc Trịnh Xuân Thanh làm thế nào để từ lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước, làm ăn thua lỗ, gây thất thoát tài sản rất lớn, lại được khen thưởng, thăng tiến rồi trở thành phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, suýt nữa vào Quốc hội... cho chúng ta biết thêm loại lỗ hổng mới: lỗ hổng nhân sự.

Tưởng như việc bổ nhiệm lãnh đạo được quy hoạch hết sức chặt chẽ từ tiêu chuẩn, quy trình, lấy phiếu tín nhiệm, kê khai tài sản, thậm chí lấy ý kiến cư dân có liên quan... nhưng tới vụ Trịnh Xuân Thanh mới lộ ra tất cả những quy định đó lại có thể vượt qua được, hơn nữa vượt qua một cách tài tình và ngoạn mục!

Lỗ hổng nhân sự này do ai? Không thể do một người, một cơ quan tạo ra. Nó phải là sản phẩm của vài người, một nhóm người và cơ quan...

Bên cạnh lỗ hổng nhân sự, gần đây còn xuất hiện cụm từ "tẩu tán nhân sự". Trong lịch sử tư pháp nước nhà, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta nghe đến cụm từ này. Việc "bổ nhiệm thần tốc" một nữ trưởng phòng ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận xôn xao, bất bình, cũng thể hiện rất rõ "lỗ hổng nhân sự" trong công tác tuyển dụng, quy hoạch cán bộ, công chức. Sự thăng tiến "thần tốc" của cô này đã được ngành chức năng tỉnh này chính thức khẳng định có nhiều sai phạm. Lúc đầu người phát ngôn của Sở Xây dựng (ông chánh văn phòng) đã khẳng định "Sở đã bổ nhiệm (cô này) rất đúng quy trình" (!). Sự việc vỡ lở thì nữ trưởng phòng (nguồn phó giám đốc Sở ) đó xin thôi việc, Sở trả hồ sơ, không còn người nhà nước nữa, và không biết cô ấy đi đâu!

Trước sự việc này, một vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn cho rằng: "Đó là một kiểu tẩu tán nhân sự, tẩu tán chính sách!".

Lỗ hổng nhân sự có ở nhiều nơi, nhiều địa phương, nhiều ngành gây nên tình trạng "cả họ làm quan", "bố bổ nhiệm con", "mẹ bổ nhiệm con", "chồng quy hoạch vợ"... Như vậy sao tìm được người tài?

Đã là lỗ hổng thường là gây hại, đặc biệt là lỗ hổng nhân sự không những tác hại mà còn gây ra nhiều lệ lụy khôn lường. Do vậy cần phải khắc phục những lỗ hổng này bằng cách bịt lại. Không thể để một chủ trương đúng đắn trong việc luân chuyển, bổ nhiệm, trẻ hóa cán bộ bị một số cán bộ tha hóa, một số cá nhân, phe nhóm thao túng. Cần siết lại kỷ cương trong công tác nhân sự, cần những con người thật sự có tâm làm công tác này; phát huy dân chủ, khách quan, minh bạch, thấu đáo, kỹ càng, đảm bảo sự chặt chẽ, đồng thuận trong công tác nhân sự. Mọi việc đều thông qua con người, nếu con người chưa tốt thì lỗ hổng sẽ nảy sinh. Chống tham nhũng để loại bỏ sâu mọt, nâng cao chất lượng đội ngũ để tăng cường cho bộ máy, xem lại quy trình từ các khâu đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, quản lý, đào tạo, luân chuyển đã thực sự chặt chẽ chưa... Có như vậy lỗ hổng nhân sự sẽ dần được khắc phục, đem lại lòng tin và cũng là nguyện vọng của người dân

Đặng Việt Thủy.

(Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm