Đằng sau "cú bắt tay" của Vingroup và Massan

Những ông chủ/tỉ phú của Vingroup và Massan, hai trong số những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam đang toan tính gì từ “cú bắt tay” mà giới tài chính khẳng định là lớn, là đình đám nhất năm nay?

Đằng sau cú bắt tay của Vingroup và Massan - 1

Người tiêu dùng được lợi gì sau "cú bắt tay" giữa Vingroup và Massan?

Hồi tháng 7, một tờ báo đã tiến hành một ghi nhận độc lập tại Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam nay mang tên MM Mega Market thuộc Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan).

Dưới đây là nguyên văn những gì được ghi nhận: Gạo, mì gói, các loại gia vị như tương ớt, tương cà, nước tương, bún gạo khô đến xà phòng, nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén, khăn giấy, sữa đặc có đường... đều có xuất xứ Thái Lan

Ngay cả nước mắm và mắm nem-vốn được xem là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam cũng được nhập khẩu từ Thái Lan.

Hàng Thái trong hệ thống này nhiều và chiếm kệ đến mức “tưởng như mình đang mua sắm ở một siêu thị trên nước Thái”.

Và đây là kết luận “Sau hơn 3 năm chuyển giao về tay người Thái, hệ thống siêu thị Metro (cũ) chủ yếu bán sản phẩm từ nước này”.

Thật ra, hàng Thái chiếm kệ và chiếm lĩnh, khi hệ thống bán lẻ chuyển chủ sang người Thái- là điều đã được dự báo trước. Và nó chỉ giống như thêm một câu chuyện, một nguy cơ không chỉ với hàng hóa Việt Nam mà còn liên quan tới công ăn việc làm, liên quan đến cả nền kinh tế. Hãy nhớ hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu kiếm tra việc phân biệt đối xử hàng Việt ở Big C.

Trở lại với “cú bắt tay” Vingroup và Massan. Quyết định chuyển giao toàn bộ Công ty VinCommerce với chuỗi 2.500 siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ và hàng triệu khách hàng tại 50 tỉnh thành và Công ty VinEco sang cho Tập đoàn Masan- ông vua hàng tiêu dùng Việt.

Trở lại câu hỏi đầu bài những ông chủ/tỉ phú đang toan tính gì từ “cú bắt tay” đình đám nhất năm nay?

Có vẻ điều đó không quan trọng. Bởi khi chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước bắt tay với “ông vua” hàng tiêu dùng, chắc chắn sẽ là một “cái được”. Có thể còn quá sớm để nói về một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ lớn hàng đầu khu vực có thể đứng vững và cạnh tranh với những chuỗi bán lẻ lớn, nhưng lại không quá muộn để nói về cái “được” là ít nhất ông Phạm Nhật Vượng đã không bán, không hoán đổi cho một “cá mập” từ Thái Lan, từ Mã Lai hay Trung Quốc.

Cái được, còn ở chỗ ít nhất hàng Việt sẽ không bị chiếm lĩnh, bị phân biệt đối xử trên các kệ siêu thị. Massan vừa tuyên bố rồi, rằng sẽ tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt”.

Hãy nhớ là cuộc chiến bán lẻ không chỉ là cái “mất” của các doanh nghiệp khi “Alibaba bắt đầu lò dò vào, Amazon bắt đầu lò dò vào, và họ không phải tầm thường” mà còn là câu chuyện lớn của nền kinh tế trước nguy cơ “làm ra mà không bán được, ngay trên sân nhà”.

Theo Anh Đào

Báo Lao động