Đại biểu Quốc hội nhìn nhận "khoảng lặng" về phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi thảo luận thứ hai ở tổ về kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội đã phân tích kỹ càng những kết quả và cả những “khoảng lặng” trong bức tranh kinh tế- xã hội.


Các vị đại biểu Quốc hội có buổi thảo luận thứ 2 tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 24/10(Ảnh: KT)

Các vị đại biểu Quốc hội có buổi thảo luận thứ 2 tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 24/10(Ảnh: KT)

Vượt thu từ đất, xổ số, tài nguyên

Phát biểu thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Thị Nghĩa (TP Hải Phòng), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Đặng Hoài Tân (Bình Định)... bày tỏ vui mừng trước những mảng sáng của bức tranh kinh tế - xã hội đã được nhìn nhận tại báo cáo của Chính phủ. Đồng thời bày tỏ đặc biệt ấn tượng với kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%....

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (TP Hải Phòng), những kết quả này đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tới các địa phương. Càng vui mừng hơn khi cử tri và nhân dân rất vui mừng phấn khởi trước kết quả của đất nước, đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cử tri cho rằng sự chỉ đạo của Chính phủ rất năng động, quyết liệt, hướng mạnh về cơ sở; quan tâm, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong các lĩnh vực.

Vui mừng trước những thành quả đạt được, song các đại biểu cho rằng có những khoảng lặng trong phát triển kinh tế xã hội cần phân tích kỹ càng và khách quan để qua đó xác định phương hướng cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Đề cập đến vấn đề về ngân sách trong 3 năm qua, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi tốc độ tăng thu ngân sách của ta vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, song vẫn còn một số vấn đề cần nhìn lại.

Điển hình như việc thu ngân sách vượt nhưng không bền vững. “Nếu tính 3 năm đều vượt thu nhưng lại vượt thu từ đất, từ xổ số, tài nguyên. Loại trừ khoản này ra thì 3 khoản quan trọng nhất mà cả 3 năm đều hụt thu là thu DNNN, thu FDI và thu cổ phần hoá quốc doanh. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững” – đại biểu phân tích.

Cùng với đó, tỷ lệ thu ngân sách Trung ương hiện nay đang bị giảm so với giai đoạn trước, nếu ngân sách Trung ương không đủ nguồn, đại biểu cho rằng các công trình quan trọng quốc gia chúng ta sẽ không làm được. “Việc lớn như tuyến đường ven biển, nếu Trung ương làm thì sẽ khác so với việc giao cho các địa phương làm, bởi các địa phương sẽ không làm thành công trình hoàn hảo được” – đại biểu Hàm ví dụ.

Đại biểu cho rằng, tỷ trọng này giảm sút cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề nên phải đảm bảo vai trò của Trung ương và phải đảm bảo nguồn thu thì mới có thể đảm bảo nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế. Theo đại biểu, có thể đi theo hướng khai thác các nguồn thu còn dư địa mà không ảnh hưởng đến người dân, tập trung vào thuế trực thu chứ không vào thuế gián thu như thuế VAT, thuế môi trường…

Vấn đề khác được vị đại biểu này nhắc đến là trong 3 năm gần đây, chúng ta đang giao phần nội địa quá cao cho các địa phương, nhưng năm 2017 có 33 địa phương hụt thu, sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất, đây là việc phải cân nhắc vì nó có giới hạn. Nhiều tỉnh cũng phải sử dụng quỹ tài chính và các nguồn dư từ bao nhiêu năm tích luỹ lại của cải cách tiền lương để sử dụng, dẫn đến cạn kiệt dư địa để phát triển. Do đó, đại biểu lưu ý cần cân nhắc về vấn đề này.

Liên quan đến mục tiêu giảm chi thường xuyên, đại biểu Hàm nhắc đến 2 trụ cột chính là tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao tính tự chủ. Theo ông, chủ trương là đúng nhưng khi triển khai có một số vấn đề như tinh giản biên chế không đạt lộ trình. Tư duy giảm đơn vị sự nghiệp không đúng chủ trương của Đảng, bởi mục tiêu là giảm 10% cấp chi ngân sách thường xuyên cho khối sự nghiệp chứ không phải cắt giảm biên chế của khối này.

“Hiện nay, Y tế, giáo dục kêu ầm, vì rõ ràng dân số phát triển thì tăng bác sĩ, tăng giáo viên chứ giờ cắt giảm biên chế khối đó là không hợp lý. Phương án là ta phải tăng tự chủ, giảm ngân sách chi thường xuyên, còn người ta làm được người ta tuyển biên chế là bình thường” – ông Hàm nêu thực tế.

Đề cập đến vấn đề nợ công, đại biểu Hàm nhấn mạnh, thành công lớn trong 3 năm qua đã cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn. Vay mới trả nợ cũ cũng có ưu điểm là lãi suất hơn giai đoạn trước, nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa.

“Từ nay đến 2021, mỗi năm ta có thể mất 400 nghìn tỷ để trả nợ lãi và gốc, tương đương với chi đầu tư của ta” – ông Hàm lo ngại và nhất trí với chủ trương vay để phát triển, nhưng kiến nghị ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ phải là những công trình tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là công trình có khả năng thu hồi vốn.

Quan trọng là chất lượng doanh nghiệp

Cả năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới – đây là một trong những kết quả được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ trình tại phiên khai mạc Quốc hội.

Thế nhưng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng về số lượng và vốn đăng ký, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cũng tăng khá cao. Do đó, cần tách bạch số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể do công tác làm sạch dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh và các trường hợp khó khăn về điều kiện, thủ tục kinh doanh để đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phân tích kỹ hơn về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế thông qua việc đánh giá sự phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và thực tiễn triển khai các biện pháp của Chính phủ để hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp này, trong khi mức độ đóng góp vào GDP, nộp NSNN của khu vực tư nhân trong nước cao hơn nhiều khu vực kinh tế nhà nước và FDI.

Cơ quan này cũng nhận định, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp là quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng doanh nghiệp, phải làm sao để doanh nghiệp sinh ra được phát triển.

Đánh giá hiện nay các chính sách liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hết sức tốt, song đại biểu nhấn mạnh đối với những doanh nghiệp thì vấn đề cải thiện môi trường đầu tư là hết sức quan trọng. Ghi nhận những nỗ lực Chính phủ để môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính... Tuy vậy, theo đại biểu, việc này cần không chỉ dừng lại ở Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà quan trọng là chính quyên địa phương. “Ở Hải Phòng đã 4 năm liền lấy chủ đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan trọng là tạo tâm lý, niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm phát triển” – đại biểu ví dụ.

Sau phiên thảo luận tại tổ chiều qua và sáng nay, các vấn đề về kinh tế xã hội hằng năm và giữa kỳ sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong 2 ngày cuối tuần này (26 - 27/10). Phiên thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi./.

Theo Tú Giang

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam