Đã là giáo dục Đại học sao phải phân biệt!
(Dân trí) - Việc Nam Định, Đà Nẵng… “quay lưng” với sản phẩm giáo dục Đại học đã gặp nhiều trở ngại phía dư luận. Và như phân tích của TS Dương Xuân Thanh thì cần có chế tài riêng với những trường tư thục, chứ không thể thiếu công bằng như cách làm của các tỉnh trên.
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
“Tôi là người Nam Định, tôi rất cám ơn TS Dương Xuân Thanh đã nói hộ chúng tôi. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết những người từng thi tuyển công chức ở Nam Định đều hiểu việc “thi tuyển” ở đây thực chất là gì. Bạn đừng mơ có tên trong danh sách thi đỗ công chức nếu không có 70 triệu với ngành sư phạm, 120 triệu với ngành y và 210 triệu nếu muốn vào ngân hàng ở cấp huyện. Và bạn cũng nên nhớ, có tiền rồi nhưng còn phải biết “đường” mà đi, biết “cửa” mà đến! Không quan trọng bạn học tại chức hay chính quy đâu… Chúc các bạn sớm là “người Nhà nước” như cách nói của người Nam Định!” - damthang: damthang74@gmail.com chua xót.
“Tôi là một người đang theo học hệ tại chức của 1 trường ĐH trọng điểm tại TPHCM. Lúc đầu, khi đọc tin Đà Nẵng không tuyển công chức là những người học tại chức, tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhưng nghĩ lại cũng thấy đâu có gì phải quan tâm đến. Thứ nhất, nếu không là người có nhiều tiền và có quan hệ quen biết với "ông này, bà nọ" thì đừng có mơ mộng viển vông vào làm được trong các DN, cơ quan Nhà nước (đa số ở các tỉnh miền Trung đều là như vậy cả). Thứ hai, mình học là để thỏa mãn khát khao đặt chân vào giảng đường ĐH và lấy kiến thức cho bản thân sau này có thể sử dụng. Còn nếu mua bằng ĐH tại chức hả, tôi mua luôn bằng chính quy cho rồi…” - Hồ văn kỳ thiện: hovankythien@gmail.com chia sẻ.
“Tại sao phải phân biệt công lập, dân lập hay tại chức? Cái chính là những gì bản thân mỗi con người có và những gì xã hội cần. Tại sao phải bài trừ nhau chỉ vì cái mác (chẳng lẽ những công nhân viên chức tốt nghiệp dân lập hay tại chức đó không có cống hiến gì cho cơ quan hay công ty mình?) Công lập cũng có khiếm khuyết của công lập (có ai khẳng định rằng những hành động "đi" thầy cô, "mua điểm" là ít? có khi còn nhiều hơn cả dân lập ấy chứ), chẳng ai dám đảm bảo cả. Xin hãy công tâm suy xét khả năng con người, đừng tạo cho mình những định kiến” – thuong: treviet1111@gmail.com nhấn mạnh.
“Nếu không chấp nhận sinh viên trường dân lập thì chúng tôi phải đi đâu, làm gì. Nếu học lên cao học thì chứng tỏ chúng tôi có ý chí, nhưng rồi lại nói là che lấp vì trước đó đã học dân lập sao? Không thể vì cho mở trường tư tràn lan mà không kiểm tra để ảnh hưởng các trường tư về chất lượng. Không thể đánh đồng tất cả các trường dân lập với nhau, như thế là không công bằng. Đề nghị Bộ Giáo dục có sự can thiệp để đảm bảo quyền lợi của học sinh của các trường dân lập và tại chức” - YẾN: hoangyen_bigben@yahoo.com.vn kiến nghị.
“Cảm ơn bài viết của Ts.Dương Xuân Thanh ! Tôi rất mong các vị hãy tạo ra một môi trường công bằng để những ai có kiến thức thật sự sẽ có cơ hội khẳng định mình. Tôi luôn dành thiện cảm rất nhiều cho những bạn học chính quy, nhưng công bằng mà nói, trong một số lĩnh vực nhân tài tiềm ẩn rất nhiều ở những hệ đào tạo khác. Vậy nên trong việc tuyển chọn nhân tài cho đất nước, các vị nên sáng suốt. Hãy lưu tâm những gì TS Thanh nói dù điều đó có thể chạm vào "góc riêng" của mỗi người!” - Tuệ Thiên: thienbachhy@yahoo.com bày tỏ.
“Chúng ta hãy tự hỏi: nếu các nhà tuyển dụng là cơ quan hành chính hay doanh nghiệp tư nhân đều công khai, minh bạch, công tác tuyển dụng đúng tiêu chí như việc cân nhắc mua đồ về nhà dùng, vậy thì thử hỏi khi đó vấn đề bạn học ở đâu? bằng cấp thế nào có thật sự cần thiết nữa không?
Chúng ta chấn chỉnh được công bằng trong thi tuyển côngnhân viên chức lao động, thì mặc nhiên những vấn đề của ngành giáo dục sẽ được tự giải quyết. Sản phẩm giáo dục thực ra cũng như bao sản phẩm khác, cũng đòi hỏi người sản xuất ra nó phải có tâm với nghề, có trách nhiêm với sản phẩm mình sản xuất ra có bán được hay không? Không bán được hãy đóng cửa cho xong? Vấn đề mấu chốt ở đây, theo tôi là các tỉnh có phải trả lương cho nhân viên mình tuyển đâu mà là cơ quan, nhà nước phải trả lương... Vậy chắc họ nghĩ: thì tội gì không giúp vài trường hợp? có chết ai đâu? Thế mới sinh ra bộ máy hành chính mà dường như càng cải cách càng đi xuống, giáo dục được đà "phát triển" như hiện nay.... Không biết có đất nước nào tìm trường đại học dễ hơn tìm trường mầm non như VN mình không... ” - Nguyễn Hữu Ban: banvba@gmail.com bức xúc.
Đồng tình với quan điểm của TS Dương Xuân Thanh, C, NH: cuongdb@gmail.com viết: “Cảm ơn TS Thanh đã có một bài phân tích sắc sảo và đa diện về vấn đề gây tranh cãi hiện nay trong giáo dục. Gần đây, tôi cũng có dịp được trao đổi với một quan chức trong ngành giáo dục & đào tạo, người này cũng thể hiện một quan điểm rõ ràng phản đối chính sách tuyển dụng của Nam Định như trên.
Trong bài viết của TS, tôi tâm đắc với hai vấn đề. Thứ nhất, thi Hương, thi Hội, thi Đình và thi tuyển công chức ngày nay khác nhau ở chỗ: trước kia thi tuyển để chọn hiền tài, những người giỏi nhất (ở đâu cũng có thể có hiền tài). Còn bây giờ người ta tổ chức thi tuyển không phải để chọn những công chức giỏi nhất. Thứ hai, hiện nay phân cấp rất mạnh, các địa phương có quyền tự quyết việc thi tuyển này. Nếu địa phương thực sự có một cơ chế tuyển sinh công bằng, minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng, nội dung thi tuyển có tính chất phân loại... thì cần gì phải loại trừ đối tượng đăng ký thi tuyển kỳ lạ như đã áp dụng?
Trong khi đó Tống Minh Hưng: design3d_vn@yahoo.com lại có quan điểm khác: “Bài viết rất hay! Bản thân tôi tốt nghiệp ngành kiến trúc của Viện Đại học Mở Hà Nội. Tôi thấy rằng muốn giỏi phải nỗ lực từ bản thân. Hiện nay công nghệ thông tin rất tốt, chúng ta có thể giỏi mà không cần qua một trường nào cả. Khi ở trong trường và lúc ra trường tôi đã có suy nghĩ không muốn làm trong cơ quan nhà nước vì còn nhiều sự trì trệ và quan liêu...Hiện nay đi làm các công ty tư nhân kết hợp làm thêm bằng kiến thức của mình, tôi cũng có thu nhập trên dưới 30tr/ tháng. Nếu ở các cơ quan huyện, tỉnh chắc là tôi không thể phát huy hết năng lực của mình”.
“Thật buồn trước những quy định mới của giới chức tại các địa phương. Trường lớp được mở ra ngày càng nhiều, số lượng sinh viên mỗi năm ra trường không có việc làm thì ngày càng tăng. Tại sao chúng ta lại phải phân biệt giữa trường công và tư nhỉ? Nếu chúng ta tổ chức thi tuyển dụng một cách công khai, minh bạch và nghiêm túc, cớ sao lại phải phân biệt giữa các trường? Bằng dân lập (tư thục) thì bị loại. Trong khi người dùng bằng giả, bị phát hiện (trường hợp ở Q. Liên Chiểu - Tp. Đà Nẵng) thì chỉ kỷ luật ở mức "khiển trách". Liệu cách làm như vậy đã hợp tình hợp lý?” - Văn Bạch: Bachvc_dnvn@yahoo.com đặt dấu hỏi lớn.
Trần Bách