Đã đến lúc có cảnh sát du lịch?

500.000 đồng cho mỗi phần trứng xào cà chua, 300.000 đồng/phần đậu bắp luộc, 200.000 đồng cho mỗi phần cơm trắng. Những cái giá “trên trời” cho một tình trạng “chặt chém” không hề mới, thậm chí từng được đưa ra Quốc hội.

D2006130-6B3A-4DEA-B.jpg

Thêm một ví dụ về nạn chặt chém du khách

Nguyên nhân nạn chặt chém là vì “việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp...”. Ngoặc kép là phát ngôn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh vào năm... 2013 khi nạn chặt chém được chất vấn trước Quốc hội.

Chính Bộ trưởng khi đó cũng thừa nhận nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách không phải bấy giờ mới có nhưng việc rộ lên gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, trước câu hỏi về sự cần thiết của lực lượng cảnh sát du lịch, ông Hoàng Tuấn Anh đáp rằng “đây là vấn đề lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Từ bấy đến nay, nạn chặt chém không hề giảm và là một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng khách du lịch “một đi không trở lại”.

Chưa qua scandal nhà hàng chém đẹp “500.000 đồng cho mỗi phần trứng xào cà chua, 300.000 đồng/phần đậu bắp luộc, 200.000 đồng cho mỗi phần cơm trắng”... đã lại đến chuyện quán ăn “cắt cổ du khách” với phần khổ qua xào giá 500.000 đồng/2 đĩa, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su 250.000 đồng/đĩa.

Và nạn nhân, lại vẫn là những du khách, ở nơi từng được bộ trưởng tuyên dương vì đã thành lập đường dây nóng, nhưng cũng nổi tiếng về nạn chặt chém.

Nhưng đĩa cơm trắng 200.000 đồng, phần mồng tơi 250.000 đồng chỉ là những ví dụ tiếp theo của nạn chặt chém đã quá dai dẳng. Trước đó, là những đôi giày được đánh xi với giá... 450.000 đồng, là những cuốc taxi 500.000 đồng cho quãng đường... 2km.

Và nạn chặt chém ấy đều chỉ được “phát hiện”, xử lý khi nó đã được công khai, đã trở thành những ấn tượng xấu xí không chỉ đối với hình ảnh một địa phương.

Tại buổi tiếp các nhà đầu tư nước ngoài dự Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp không khói này, với cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thị thực điện tử, mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực, mở cửa bầu trời và tự do hàng không, tiếp tục xây dựng nhiều cảng biển để phát triển du lịch biển và đầu tư cho quảng bá du lịch.

Nhưng mọi nỗ lực của Chính phủ sẽ không mấy ý nghĩa nếu ngành du lịch vẫn để tồn tại những “con sâu”, nếu việc xử lý nạn chặt chém vẫn chỉ là khắc phục một hậu quả đã xảy ra.

Phải chăng đã đến lúc chín muồi để nói về sự xuất hiện của một lực lượng cảnh sát du lịch, vốn không ít phổ biến trong khu vực và trên thế giới, để ít nhất dẹp đi được một nguyên do của tình trạng du khách “một đi không trở lại”?!

15,5 triệu lượt khách quốc tế đã đến VN năm 2018, chính họ, cùng với 80 triệu lượt khách nội địa đã tạo ra tổng thu 620.000 tỉ đồng cho ngành du lịch. Và họ cũng có quyền được bảo vệ chứ không thể bị đối xử bằng “máy chém, tiền âm phủ để phải chịu những uất ức bức xúc.

Theo Anh Đào

Báo Lao động